Tàu thăm dò quỹ đạo Chandrayaan-2 mang theo tàu đổ bộ Vikram trị giá 141 triệu USD của Ấn Độ - Ảnh: ISRO
Theo hãng tin AFP, ngày 7-9, cơ quan vũ trụ Ấn Độ đã mất liên lạc với tàu đổ bộ của họ ngay trước thời điểm dự kiến tàu này sẽ đáp xuống bề mặt cực nam của Mặt trăng.
Ấn Độ đã kỳ vọng trở thành nước thứ 4, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, có thể đưa tàu thăm dò đổ bộ thành công xuống Mặt trăng.
Nước này cũng kỳ vọng trở thành quốc gia đầu tiên có tàu thăm dò xuống được vùng cực phía nam, nơi Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho rằng "hoàn toàn chưa được khám phá". Song có vẻ như việc mất liên lạc với tàu vũ trụ cho thấy nỗ lực lần này của họ chưa mang lại kết quả.
Từ phòng kiểm soát tàu vũ trụ tại thành phố Bangalore ở miền nam Ấn Độ, ông Kailasavadivoo Sivan, chủ tịch ISRO, cho biết tàu thăm dò Vikram của họ đã hạ thấp dần xuống bề mặt Mặt trăng bình thường và theo đúng kế hoạch, nhưng sau đó liên lạc giữa tàu và trạm kiểm soát mặt đất bị mất, dữ liệu đang được phân tích.
Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, cũng đã tới Trung tâm vũ trụ Bangalore để theo dõi sự kiện đổ bộ Mặt trăng của tàu đổ bộ Vikram. Ông chia sẻ với các nhà khoa học sau thông báo của ông Sivan, cho rằng "những gì các bạn đã làm được rồi không phải là một thành tựu nhỏ".
"Thành công và thất bại vẫn cứ tiếp diễn trong đời sống. Nỗ lực của các bạn đã dạy chúng tôi rất nhiều và cả nước tự hào về các bạn", ông Modi nói. "Nếu việc liên lạc (với tàu đổ bộ) tiếp tục trở lại… hãy hi vọng điều tốt đẹp nhất… Hành trình của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục. Hãy vững vàng. Tôi luôn ở bên các bạn".
Trước thời khắc tàu thăm dò tiếp đất, theo kế hoạch vào khoảng 1h55’ giờ New Delhi (tức 3h25’ giờ Việt Nam ngày 7-9) ISRO thừa nhận đó là một công đoạn phức tạp, ông Sivan gọi đó là "15 phút kinh hãi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận