04/09/2019 15:11 GMT+7

Cơ quan công quyền phải phản hồi nhanh khi báo chí phản ánh

MAI HƯƠNG - TIẾN LONG
MAI HƯƠNG - TIẾN LONG

TTO - Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tọa đàm "Báo chí- xuất bản đồng hành cùng TP trong đột phá cải cách hành chính" sáng 4-9.


Cơ quan công quyền phải phản hồi nhanh khi báo chí phản ánh - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm sáng 4-9 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tọa đàm do Ban Tuyên giáo TP.HCM phối hợp cùng Sở TT-TT, Hội nhà báo TP tổ chức. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo.

Gắn cải cách với sự hài lòng người dân

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các cơ quan hành chính phải xác định người dân hỏi dù việc làm tốt hay chưa tốt đều phải trả lời. Báo chí đại diện cho người dân đi hỏi thì phải thông tin đầy đủ. "Tôi tin các cơ quan trả lời đúng mực thì báo chí cũng ứng xử đúng mực với thông tin này", Bí thư Nhân nói.

Mặt khác, ông Nhân đánh giá cao tính đeo bám thông tin của báo chí khi phản ánh một sự việc. Đồng thời, ông cho biết Thành ủy, UBND TP sẽ đồng hành cùng báo chí để báo chí có thể được cung cấp thông tin nhanh, sớm nhất.



Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm - VIDEO: TIẾN LONG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, một trong những "điểm nghẽn" ngăn cản sự phát triển của TP là cải cách hành chính (CCHC) chưa hiệu quả. Nếu không tháo gỡ sẽ không phát được huy nguồn lực của người dân, doanh nghiệp.

Trong cải cách hành chính, việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là quan trọng nhất. Nếu không nhận được sự hài lòng, mọi nỗ lực cải cách không hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Bí thư Nhân đánh giá, vai trò của báo chí trong đột phá CCHC là phát hiện và có giải pháp đẩy mạnh, nhân rộng những mô hình cải cách tốt, và phê phán những nơi còn yếu kém để họ thay đổi.

Qua tác nghiệp, các cơ quan báo chí có thể đánh giá được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp từ việc CCHC. Từ đó đi sâu làm rõ sự hài lòng, đưa ra những thông điệp để chính quyền phải sốt ruột cải cách ở một số lĩnh vực chưa nhận được sự hài lòng của dân và doanh nghiệp.

"Hiện một số cơ quan tại TP.HCM có bố trí hệ thống nút bấm ghi nhận sự hài lòng, tuy nhiên TP chưa yên tâm và vẫn phải ghi nhận thêm từ sự đánh giá của báo chí, mặt trận tổ quốc", ông Nhân nhấn mạnh.

Báo chí trở thành ngòi nổ kích thích cải cách

Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP băn khoăn, hiện nay cán bộ, công chức làm việc áp lực rất nặng, rất khó. Lãnh đạo cấp trên kêu gọi sáng tạo nhưng cấp dưới rất khó sáng tạo. Làm khác luật dễ bị kết luận là cố ý làm trái. Khi thanh tra, kiểm tra vào cuộc, có kết luận thì nói lại, giải thích lại cũng rất khó, không ai nghe.

Bà Thảo cho rằng, TP.HCM là nơi có thực tiễn sinh động, nhiều bài toán khó đều có lời giải từ thực tiễn. Quan trọng là chúng ta có sâu sát để nắm bắt hay không. "Báo chí hãy phản ánh những tin bài về thực tiễn đầy sinh động sáng tạo ở TP thì có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy lối ra. Báo chí nên ủng hộ TP triển khai những bứt phá mới ngoạn mục hơn"- bà Thảo gợi mở.

Cơ quan công quyền phải phản hồi nhanh khi báo chí phản ánh - Ảnh 5.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP nhận định TP.HCM phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TỰ TRUNG

PGS-TS Phan Xuân Biên (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) chia sẻ, CCHC không chỉ ở các cơ quan hành chính mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và có sự đồng hành của người dân. Không thể CCHC khi không có người dân tham giam, bởi họ là những người được hưởng lợi chính.

Theo ông Biên, báo chí phải nhập cuộc nhiệt thành, có mục đích, mục tiêu vào nhiều mặt của hoạt động CCHC. Bằng nhiều thể loại để thể hiện những câu chuyện khen, chê. "Báo chí phải nhập cuộc đúng vai, không chỉ đồng hành mà trở thành chất xúc tác, động lực, ngòi nổ kích thích việc cải cách hành chính ở nhiều lĩnh vực", ông Biên nhấn mạnh.

Cơ quan công quyền phải phản hồi nhanh khi báo chí phản ánh - Ảnh 6.

PGS-TS Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Nguyễn Tấn Phong - Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ, nếu coi người dân là khách hàng, tâm thế giải quyết của cán bộ, công chức sẽ khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân muốn làm nhanh thủ tục hành chính phải "lụy cò", mất tiền dịch vụ. Thậm chí có trường hợp công chức "bắt tay" với "cò" để làm dịch vụ giải quyết nhanh thủ tục.

Từ thực tế trên, ông Phong đề xuất, ngoài gói dịch vụ phục vụ đông đảo người dân với chi phí hợp lý, các cơ quan hành chính có thể mở gói "dịch vụ hành chính chất lượng cao" với chi phí cao và thời gian giải quyết rút ngắn. Như vậy, thay vì mất tiền "cò", tiền "bôi trơn" cho công chức, người dân đàng hoàng mua dịch vụ tốt hơn.

Cơ quan công quyền phải phản hồi nhanh khi báo chí phản ánh - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Tấn Phong - Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng - Ảnh: TỰ TRUNG

PGS.TS. Nguyễn Văn Trình - phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, thời gian qua báo chí đã làm tốt vai trò thúc đẩy CCHC. Tuy nhiên, thời gian tới báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa. 

Việc thúc đẩy CCHC không chỉ tập trung chủ lực vào báo Sài Gòn Giải phóng mà còn đẩy mạnh nội dung trên các báo như Thanh Niên, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, VnExpress, Vietnamnet… và đẩy mạnh trên mạng xã hội.

Đeo bám các vấn đề mà dân quan tâm

Nhà báo Viễn Sự, Trưởng Ban Chính trị - xã hội báo Tuổi Trẻ cho biết từ đầu tháng 4-2019, Báo Tuổi Trẻ đã ra mắt chuyên trang cải cách hành chính. Về kinh nghiệm thực hiện chuyên trang này, ông Sự cho biết đó là việc đeo bám các vấn đề mà người dân quan tâm.

Ông Sự dẫn chứng về bài viết: Mật độ xây dựng rất lạ: đất 50m2 chỉ được xây dựng 17m2: “Sau khi Tuổi Trẻ đăng, bài viết có nhiều trăm ngàn lượt xem, nhận được hàng trăm comment phản hồi của bạn đọc, nằm trong top các tin bài được xem nhiều nhất của báo”.

Tuy nhiên, ông Viễn Sự cũng bày tỏ băn khoăn khi một số cơ quan nhà nước còn chưa nhanh nhạy, chủ động phản hồi thông tin mà báo chí nêu ra. Trở lại câu chuyện về mảnh đất 50m2 chỉ được xây 17m2, ông Sự cho biết sau khi Báo Tuổi Trẻ phản ánh vào tháng 6-2019, phóng viên đã tìm nhiều cách liên hệ với chính quyền quận Thủ Đức để đeo bám việc xử lý.

Thế nhưng mãi đến đầu tháng 9-2019, Tuổi Trẻ mới có được bài viết thứ hai thông tin về hướng giải quyết của quận. Thực sự Tuổi Trẻ cũng nhận được công văn phản hồi của quận nhưng nội dung cũng không đầy đủ, phóng viên phải bằng nhiều kênh khác mới có đầy đủ thông tin.

Báo chí đồng hành cùng TP trong cải cách hành chính Báo chí đồng hành cùng TP trong cải cách hành chính

TTO - Hôm nay 4-9, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Ban tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức hội thảo "Báo chí xuất bản đồng hành cùng TP trong đột phá cải cách hành chính".

MAI HƯƠNG - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên