Liên quan bài viết: "Xót xa chim trời bị treo ngược, làm thịt bán tại vỉa hè TP.HCM", nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ Online bày tỏ ý kiến bức xúc trước hình ảnh nhiều loài chim trời bị làm thịt, bày bán ngay trên vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM.
Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý tình trạng này.
Nhìn mà đau lòng...
"Làm thịt chim ngay trên vỉa hè thì không nên đâu. Nhìn mà đau lòng", tài khoản Văn Hải bày tỏ.
"Ngon bổ gì mà mua quý vị ơi... nhìn tội quá", bạn đọc Maicongphuc nói.
Bạn đọc Vũ Trà Vinh cũng chia sẻ: "Thấy tội nghiệp, muốn mua thả lại tự nhiên nhưng không có tiền mà cũng không phải cách triệt để. Chỉ mong cơ quan nhà nước có chính sách gì để bảo vệ thiên nhiên hoang dã, rất cần gấp không thể chậm trễ. Đi từ hướng miền Tây lên Sài Gòn thì dọc đường gặp nhiều cảnh này".
"Mọi người nên biết là động vật hoang dã rất nhiều bệnh, ký sinh trùng nên người nước ngoài cho họ cũng không dám ăn. Nếu người mua giảm, tự giác người ta sẽ ít bán dần", một bạn đọc lưu ý.
Bạn đọc Thúy kể thêm: "Bữa em đi qua thấy, xong quay lại mua để thả, mà đúng chẳng biết bao nhiêu cho đủ, vừa mua 1,2 triệu hơn 2kg, quay qua quay lại họ lại mang một lồng nữa tới, cảm giác như muối bỏ bể".
"Đâu thiếu đồ ăn đâu, mấy con chim này đâu có ngon lành gì, hãy từ bỏ thói ăn chim hoang dã, để chúng sống mọi người nhé", bạn đọc có tài khoản tran****@gmail.com nói.
"Mong mọi người nói không với những cảnh này, không cầu ắt sẽ không cung, rồi họ sẽ tìm việc thiện lành mà sinh sống", tài khoản tran****@gmail.com kêu gọi.
Lực lượng chức năng ở đâu?
Đó là câu hỏi mà bạn đọc Nguyễn Đình Toàn và nhiều bạn đọc khác đặt ra trước những hình ảnh chim được bày bán ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM.
Theo tài khoản ABC, "khẳng định không có con nào nuôi tức là tự nhận đang mua bán động vật hoang dã, tuy không thuộc đối tượng quý hiếm nhưng vẫn có luật cho nó". Vì vậy bạn đọc Hạnh kiến nghị: "Mong có biện pháp xử phạt. Tôi thấy mà tội bầy chim".
"Mong cơ quan chức năng xử lý việc này. Hình ảnh chim bị treo ngược trẻ con thấy cũng rất phản cảm", tài khoản Quốc Vũ góp ý.
Bạn đọc Nga "mong có biện pháp xử lý, hy vọng nhỏ nhoi là năm sau tôi đi ngang các tuyến đường này không còn thấy việc này nữa".
Bạn đọc Nguyễn Vũ Mộc Thiêng thông tin thêm: "Tất cả đều từ chợ chim đầu mối ở một tỉnh miền Tây. Mấy chục năm không ai dẹp nổi "địa ngục chim trời" này và nhiều loại thú nhỏ quý có tên trong Sách đỏ. Luật có, chỉ thiếu người thực hiện".
"Có loại chim gần tuyệt chủng rồi, cần xử lý nghiêm người bắt chứ đợi tuyệt chủng luôn mới xử lý thì chẳng còn con nào", bạn đọc Hưng Nguyễn lên tiếng.
Tương tự bạn đọc tên Mai kiến nghị: "Chính quyền địa phương cần xử lý người bán và phạt nặng để không đi bắt chim trời nữa".
"Nên xử phạt những trường hợp buôn bán này và phạt cả người mua chứ đừng chờ vào ý thức, pháp luật sẽ rèn luyện ý thức", bạn đọc Cát Dương đề xuất thêm.
"Việt Nam có cấm, nhưng không ai truy tố, nên mới có những cảnh tượng này. Chứ ở Mỹ mà đụng tới con chim trời là vào tù ngay!", bạn đọc Khánh Hòa bình luận.
Chia sẻ thêm với lực lượng chức năng, bạn đọc Nguyên Anh cho rằng "các lực lượng chức năng đều có giới hạn về sức lực và số lượng, thời gian nên đa số người thành phố dù không muốn thấy cảnh trên nhưng việc bán động vật hoang dã vẫn tràn lan".
Vì vậy bạn đọc Kỳ Tranh đề nghị "chỉ có áp dụng luật phạt cả người mua lẫn người bán công khai nơi công cộng mới giảm bớt cảnh này. Bởi vì rừng rậm, ruộng đồng mênh mông họ dùng đủ cách để săn chim chóc thì không có đội ngũ nào suốt ngày đi canh bắt họ nổi, hơn nữa một bộ phận người dân vẫn coi đó là đặc sản quý hiếm".
Nguy cơ không an toàn vệ sinh thực phẩm, mất cân bằng sinh thái
Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM), việc mua bán chim trời bị treo ngược và làm thịt trên vỉa hè, lề đường không chỉ gây phản cảm đối với người đi đường mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc săn bắt cũng như mua bán, ăn thịt chim trời quá mức có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái, gây suy giảm cá thế của một số loài, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
"Theo tôi giải pháp để xử lý thực trạng trên đó là sự can thiệp, tăng cường vào cuộc kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng liên quan.
Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó có sự giáo dục của nhà trường, của gia đình đối với con em của mình" - PGS.TS Trương Văn Vỹ nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận