Cây bị ngã đổ đè người đi đường là một cây lâu năm - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ông Điệp cho biết đã nhận thông tin về vụ việc, sự cố đáng tiếc xảy ra phía trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý và lo cho nạn nhân nhập viện, cấp cứu điều trị.
"Đến sáng nay khi nghe báo cáo thông tin nạn nhân không qua khỏi, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình nạn nhân lo hậu sự và các thủ tục liên quan. Đây là sự cố bất ngờ trên đường phố, không ai mong muốn", ông Điệp chia sẻ.
Về việc dù được thăm khám thường xuyên nhưng thời gian qua vẫn xảy ra các sự cố liên quan đến cây xanh, phía trung tâm giải thích như thế nào, ông Điệp cho biết hệ thống cây xanh đường phố tại TP.HCM quá lớn, trong đó có nhiều cây cổ thụ lâu năm theo đúng lộ trình cần được thay mới để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên hiện nay khi phía thành phố cho đốn hạ một cây xanh dù sâu bệnh, cản trở giao thông hay cây đã đến tuổi đốn hạ để đảm bảo an toàn thì đều bị dư luận phản ứng rất nặng.
Thu dọn hiện trường cây xanh bị ngã - Ảnh: CHÂU TUẤN
"Đây là khó khăn rất lớn đối với việc quản lý cây xanh. Nước Pháp trước đây cũng rơi vào trường hợp tương tự như chúng ta, họ có hệ thống cây xanh lâu năm đến khi thay thế cây mới thì bị lên án. Người dân có thể thấy cây xanh tốt nhưng không biết cây đã đạt giới hạn sinh trưởng hoặc bị sâu bệnh cần được thay mới.
Thay mới cây non vẫn đảm bảo mảng xanh và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Người làm trong lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật mỗi mùa mưa bão rất đau đầu với việc xử lý các sự cố, đặc biệt là sự cố cây xanh. Chỉ cần một hình ảnh đốn hạ cây xanh được chụp lan truyền thì dư luận ném đá mà không biết thực hư ra sao", ông Điệp giải thích.
Cũng theo ông Điệp, cần có quy định rõ về lộ trình quản lý cây xanh, ví dụ cây như thế nào thì cần đốn hạ, cây bao nhiêu năm thì cần thay mới để các đơn vị làm theo.
Cây xanh đường phố chịu áp lực rất nặng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, Đại học Khoa học tự nhiên - cho biết vào giai đoạn 2014 đến 2017 nhóm nghiên cứu của trường đã thực hiện đề tài "Xác định nguy hại, đánh giá rủi ro cây xanh đường phố tại TP.HCM đối với 21 loài cây được trồng nhiều" theo đặt hàng của Sở Giao thông vận tải TP.HCM (đơn vị cũ quản lý cây xanh tại TP.HCM trước khi chuyển giao cho Sở Xây dựng).
Qua nghiên cứu đánh giá cho thấy cây xanh đường phố ở TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn (độ rộng vỉa hè nhỏ, lưu lượng xe cộ...). Hầu như ở TP.HCM không có cây xanh nào có giới hạn an toàn để sinh trưởng.
Thông thường một cây xanh cần không gian rễ gấp 2-2,5 diện tích tán để phát triển, tối thiểu là bằng nhưng không có cây nào đạt. Khi có sự cố cây xanh bật gốc dễ thấy nhiều cây dù lớn nhưng bộ rễ rất nông và thưa. Ngoài ra còn nhiều bất cập khác như đào đường, gắn cáp cứ trúng cây xanh là đơn vị thi công cắt rễ.
Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, hiện tượng "bức tử" cây xanh trong đô thị tại TP.HCM rất nhức nhối. Hằng ngày phía công ty có đội ngũ đi tuần để kịp thời phát hiện các cây xanh hư hỏng, sâu hại và các hành vi xâm hại cây xanh.
Tuy nhiên việc phát hiện các trường hợp tác động cây xanh còn khó khăn. Nhiều cây xanh bị xâm hại thời gian dài (tưới nước sôi, đổ thuốc trừ sâu...) mới phát hiện được do không biểu hiện ngay sau khi bị xâm hại.
Cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp xâm hại cây xanh trong đô thị để răn đe người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận