Ông Đàm Quý Dân - Ảnh: Hữu Khoa |
Việc Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ điều tra phát hiện Công ty Bio - Rad chi 7,5 triệu USD tiền hối lộ ở Nga, Thái Lan và VN, cùng vụ JTC (Nhật Bản) “lại quả” cho một số công chức VN để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA trước đó cho thấy hành vi tham nhũng có yếu tố nước ngoài đã xuất hiện ở VN.
Tuy nhiên, vì sao các cơ quan chức năng VN không phát hiện những vụ việc đó? Tuổi Trẻ đặt câu hỏi này trong cuộc gặp gỡ đầu tuần với đại diện của một số cơ quan.
Ông Đàm Quý Dân (Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế):
Cơ quan thuế biết cũng chỉ để đấy
Đặt câu hỏi tại sao phía họ phát hiện mà ở ta lại không? Lý do là các cơ quan chức năng của họ nắm sổ sách, chứng từ của doanh nghiệp. Còn ở VN, các cơ quan của ta không có chứng từ, hóa đơn của doanh nghiệp nên không thể phát hiện hành vi này.
Thêm nữa, ở các nước không dùng tiền mặt để chi tiêu mà chủ yếu tiêu dùng qua thẻ, qua hệ thống ngân hàng, nên việc chuyển tiền cho ai, bao nhiêu tiền, thời gian nào, với mục đích gì... cơ quan thuế đều dễ dàng kiểm soát.
Còn ở ta thì ngược lại, nếu có biết ai đó nhận một khoản tiền rất lớn từ cá nhân, tổ chức nào đó ở nước ngoài cũng khó có thể khẳng định đó là tiền hối lộ hay không.
Đối với nhiều nước, giả sử như ai đó vừa có một cái nhà, cơ quan thuế biết ngay là anh mua nhà đó hay được ai cho. Nếu anh mua thì nguồn tiền từ đâu có để mua.
Còn nếu được cho thì bất kể ai cho cũng phải nộp thuế. Nhiều nước họ đánh thuế rất nặng đối với trường hợp bất động sản vượt hạn mức sử dụng của nhà nước.
Ở nước ta, các hành vi hối lộ thông qua rất nhiều hình thức như bằng tiền mặt, bằng quà biếu hay bán cho cái nhà, cái xe rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Hoặc thậm chí hối lộ bằng cách đánh đổi như ông xin việc cho con tôi thì tôi nhận cháu ông vào làm công chức.
Trong trường hợp đưa thẳng tiền mặt thì không ít nhưng số tiền không nhiều, còn tham nhũng lớn hay qua các hình thức khác.
Tuy nhiên, để khẳng định công ty A đã hối lộ cho quan chức B là cực kỳ khó. Ngoài chuyện chúng ta vẫn tiêu tiền mặt là chủ yếu như tôi nói ở trên, phải nói rằng quy định về quản lý dòng tiền, nhất là quản lý tài sản ở VN rất thiếu minh bạch, công khai.
Như ở các nước, đối với việc kê khai tài sản trong cán bộ của cơ quan nhà nước chẳng hạn, là phải công khai cho xã hội biết ông này có bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe...
Trong khi đó, quy định của ta chỉ trong nội bộ cơ quan vị cán bộ biết mà thôi. Do đó, tôi nói thiếu minh bạch là như thế.
Để công khai, chúng ta phải tiến tới quy định cán bộ, công chức phải công khai tài sản lên website của ngành đó để báo chí, người dân giám sát chứ không chỉ dừng lại trong nội bộ tổ chức của họ.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Ảnh: V.Dũng |
Ông Nguyễn Doãn Khánh (phó trưởng Ban Nội chính trung ương):
Bổ sung quy định chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài
Yêu cầu tự thân của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đặt ra nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Trong tương lai khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu hơn, mở rộng hợp tác công tư trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài là hết sức cần thiết.
Ở đây có nhiều việc cần làm. Trong đó, theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là bổ sung chủ thể, tức là đối tượng đưa và nhận hối lộ không chỉ có đối tượng trong nước mà bao gồm cả cá nhân và tổ chức nước ngoài.
Trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc mở rộng phạm vi đối tượng đến khu vực quốc tế và khu vực tư nhằm không bỏ lọt tội phạm và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thực tế vừa qua cho thấy có những pháp nhân (kể cả pháp nhân nước ngoài) có hành vi trái pháp luật, nhưng theo quy định hiện hành chỉ bị xử lý bằng hành chính và dân sự.
Bên cạnh đó, chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một số chuyên gia đã phân tích rằng khi có hành vi tham nhũng rất khó phân biệt đâu là phần vốn của Nhà nước, đâu là của tư nhân.
Vì vậy, phải tính đến quy định pháp luật cần thiết để xử lý pháp nhân khi có vi phạm, nếu không xử lý pháp nhân thì cá nhân sẽ núp bóng “mảnh đất màu mỡ” pháp nhân để tham nhũng, đồng thời phải bổ sung quy định xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tư.
Cùng với hoàn thiện pháp luật, chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế trên mấy phương diện.
Một là cung cấp thông tin. Hai là trao đổi chuyên gia, những người có trình độ cao trong lĩnh vực xây dựng luật pháp và đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng. Ba là hợp tác đào tạo và tổ chức các đoàn nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: V.Dũng |
Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM):
Kiểm soát tài sản kém, hối lộ còn dài dài
VN khi tham gia công ước về chống tham nhũng cũng đã được khuyến cáo về vấn đề này. Nhưng VN ít phát hiện? Bản thân VN hiện nay phát hiện hối lộ tham nhũng còn nhiều yếu kém thì khó mà phát hiện việc hối lộ, tham nhũng có yếu tố liên quan đến nước ngoài.
Trong đó có nguyên nhân nổi bật là việc chúng ta chi dùng, thanh toán bằng tiền mặt quá nhiều. Ở các quốc gia khác tất cả giao dịch đều qua thẻ, còn tiêu tiền mặt chỉ vài chục, cùng lắm là vài ba trăm đô. Trong khi ở VN thanh toán mỗi lần hàng chục tỉ đồng đều có thể dùng tiền mặt.
Một lý do nữa là kiểm soát tài sản công chức của VN còn yếu. Tuy rằng có nghị quyết, chỉ thị, quy định kê khai nhưng việc kiểm soát, rà soát không nghiêm.
Một công chức cho dù là bộ trưởng thì ngoài lương sẽ có những bổng lộc, thu nhập phụ... nhưng cũng không thể đủ để mua biệt thự, thậm chí 2-3 căn. Nhiều người cấp thấp hơn nhưng tài sản vẫn ê hề, con cái 2-3 đứa đi học ở nước ngoài. Chỉ cần truy vào đó là biết ngay.
Vấn đề ở đây là kê khai tài sản, giám sát tài sản, minh bạch tài sản. Làm được như vậy sẽ lòi ra những khối tài sản không giải thích chứng minh được.
Theo công ước quốc tế và quy định của một số nước, đã không giải thích được là tịch thu chứ không đôi co gì cả. Vừa rồi các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo VN đẩy lên đến mức đó.
Khi nào còn chưa kiểm soát được dòng tiền thì các kiểu hối lộ, chi hoa hồng như vụ Bio - Rad hay vụ phía Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt vừa qua sẽ còn tiếp tục và khó bị phát hiện.
Đại biểu BÙI THỊ AN (Hà Nội): Vẫn có thể kiểm soát được Việc hối lộ, chi hoa hồng này có nguyên nhân lớn từ việc không kiểm soát tiền mặt chặt chẽ, để tiền mặt lưu thông quá nhiều trong các khoản chi, trong xã hội. Thứ hai, phải nói là VN đang trong các quá trình đi lên, các luật đôi khi còn khập khiễng, chưa đồng bộ nên không phát hiện, không kiểm soát được những vụ hối lộ tinh vi. Nhưng như vậy không có nghĩa là không thể kiểm soát được. Trong trường hợp Bio - Rad hối lộ các quan chức VN, chẳng hạn chất lượng, giá cả các thiết bị, máy móc, thuốc men có vấn đề thì người đứng đầu đều có thể đánh giá được và đặt câu hỏi tại sao lại như thế. Còn nếu chi hoa hồng bằng cách trá hình là mời đi hội thảo, mời đi học tập kinh nghiệm thì người đứng đầu cũng sẽ biết là nội dung hội thảo đó đến đâu, chi phí như thế nào. Tại sao phải cần đến hàng tuần, hàng tháng, đi những đất nước xa xôi? Chắc chắn về mặt quản lý nhân sự phải biết rõ được từng quyết toán. Tôi đã có chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính là: “Đồng chí có quản được giá gốc của tất cả mặt hàng từ nước ngoài không?”. Bởi bây giờ quản lý chuyện này dễ lắm, giá cả người ta đều công bố rõ ràng từ nơi sản xuất. Vấn đề là có muốn quản hay không. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận