15/08/2024 10:45 GMT+7

Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ

Tiệm cháo trắng cút bằm quen thuộc tại Bình Dương đông khách qua ba thập kỷ gây chú ý vì ngon dở tùy thuộc người ăn.

Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 1.

Các nguyên liệu đơn giản để người ăn tự nêm nếm, cân chỉnh cho vào cháo - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Dưới cơn mưa lất phất chiều tối của Bình Dương, ai chạy xe trên đường Bạch Đằng sẽ dễ dàng bắt gặp một căn nhà nhỏ đông kín khách. 

Đây là tiệm cháo trắng cút bằm gần 30 năm của vợ chồng bà Phạm Thị Tuệ.

Hiện tại, ngoài bà Tuệ làm chính các khâu chế biến, cô Thảo, con gái bà Tuệ và các cháu gái là người bán phụ, vì vợ chồng ông bà đến nay đã có tuổi, sức yếu.

Ngon dở do người ăn

Cách đây vài chục năm, vợ chồng bà Tuệ làm công ăn lương tại một công ty in ấn để nuôi sống gia đình. Tuy họ làm việc chăm chỉ nhưng đồng lương kiếm được dần không còn đủ để trang trải.

Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 2.

Căn nhà nhỏ là nơi vợ chồng bà Tuệ bán cháo từ năm 1995 đến nay - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Ông bà quyết định tự tìm cho mình một cái nghề khá khẩm hơn. Năm 1995, hai vợ chồng cùng nhau mở tiệm cháo trắng thịt cút bằm. Đây là món hai ông bà học từ người hàng xóm của mình.

Suốt 30 năm, quán cháo ngày nào giờ ngày càng đông khách. Ban đầu người ta đến ăn do hiếu kỳ vì người bán cháo để thực khách tự nêm nếm theo sở thích của mình. Về sau, khách đến rồi quay lại vì cách nấu này chiều lòng nhiều người, "ai thích ăn sao thì họ tự nêm nếm như vậy".

Hơn nữa, thịt cút xay của quán cũng là điểm nhấn, mang lại trải nghiệm độc lạ cho người ăn.

Gắp và cho vào miệng một mảng thịt cút xay sau khi nấu chín, người thưởng thức sẽ dễ dàng cảm nhận độ ngọt và cảm giác mềm mềm của thịt. "Ở đây mẹ tôi lựa thịt cút kỹ và chỉ lấy một mối đó giờ suốt hai mươi mấy năm, thậm chí nơi đó cũng đã hai đời chủ" - cô Thảo cho hay.

Vì thịt cút xay là món không thể thiếu nên từ 7h mỗi ngày, bà Tuệ bắt đầu tỉ mẩn chế biến và xay thịt.

Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 3.
Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 4.
Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 5.
Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 6.

Thịt cút được chế biến kỹ lưỡng, có độ mềm và ngọt khi ăn với cháo - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Sau khi xay lần thứ nhất, bà Tuệ thêm gia vị và cho thịt vào máy xay lần thứ hai để có thể trộn đều và thấm. Phần xương cút khi xay ra sẽ tạo cảm giác giòn giòn trong thịt.

Còn lại sẽ phụ thuộc vào cách cân chỉnh gia vị của từng khách, gồm muối tiêu, muối và bột ngọt mà quyết định tô cháo ngon hay dở. Không ít người từng ăn ở đây thường truyền nhau một câu rất ngộ nghĩnh: "Cháo ở đây ngon dở do người ăn chứ không phải người bán".

Quán quen vẫn khó chiều lòng khách

Sự "độc lạ" của quán bao năm nay vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có người cảm thấy thích thú trước mô hình quán ăn "tự làm, tự ăn" này, nhưng một số ít khách đánh giá quán cần cải thiện nhiều điểm.

Anh Thành Long, khách ruột của quán, bày tỏ sự yêu thích: "Là người dân Thủ Dầu Một (Bình Dương) thì chắc không ai không biết quán cháo cút này. Quán bán đơn giản vậy mà rất ngon. Tôi thích nhất là phần cháo tự nêm nếm theo khẩu vị".

Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ- Ảnh 7.

Các gia vị để người ăn tự nêm nếm theo ý thích, gồm muối, bột ngọt, muối tiêu - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

"Cút thơm và ngon", "giá khá rẻ so với hiện tại", "cháo nêm nếm đơn giản nên cảm nhận được vị ngọt và thơm của cút, thêm miếng tiêu cay cay rồi ăn trong thời tiết mưa này thì tuyệt vời"... Đó là những lời khen mà khách quen dành cho quán trên các nền tảng mạng xã hội.

Tuy nhiên vẫn có một số góp ý: "Quán nhỏ và hẹp quá", "phần thịt cút có xương lợn cợn, chưa được nhuyễn", "tự nêm thì ra tiệm ăn làm gì"...

"9 người 10 ý", tuy nhiên quán cháo trắng cút bằm tự nêm nếm này vẫn tồn tại mấy chục năm qua, vẫn là cách ăn giản dị mà quen thuộc, gần gũi với bà con nơi đây.

Cô Thảo nghẹn ngào hạnh phúc khi nhớ lại: "Có mấy đứa lâu lắm rồi mới quay lại, dắt theo con nhỏ, rồi còn khoe: Cô ơi, con ăn ở quán cô từ thời chưa có em bé tới giờ".

Chính nhờ động lực đó mà từ thế hệ mẹ sang con, rồi sang cháu vẫn nỗ lực để phục vụ người ăn tốt nhất. "Sau này ba mẹ không đủ sức thì tôi sẽ bán tiếp món ăn này" - cô Thảo nói.

Hội An không nên có cơm mắng, cháo chửiHội An không nên có cơm mắng, cháo chửi

Câu chuyện chủ quán cơm gà An Hiền ở TP Hội An văng tục khi khách phản ứng về suất ăn đặt trước nhận nhiều ý kiến từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ Online.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên