Trailer phim Cám
Sau khi tung teaser trailer và poster, cổ phục trong phim điện ảnh Cám đã nhận về nhiều đánh giá tiêu cực từ phía khán giả.
Cổ phục phim Cám bị chê
Trong phiên bản phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016), phục trang được thiết kế để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống xưa nhưng vẫn mang nét hiện đại.
Những chiếc áo yếm của phụ nữ Đồng bằng Bắc Bộ được thêu thủ công tỉ mỉ với các kỹ thuật như thêu ruy băng, thêu chỉ và được làm mới bằng cách sử dụng chất liệu, màu sắc và họa tiết độc đáo.
Nhìn chung, phục trang của bản phim này vừa mang đậm bản sắc Việt Nam vừa kín đáo vừa thể hiện tinh thần thời trang sang trọng của phụ nữ xưa.
Ngược lại, sang đến phiên bản điện ảnh Cám năm 2024, một số khán giả cho rằng trang phục trong phim không phản ánh đúng bối cảnh lịch sử mà bộ phim muốn tái hiện.
Đơn cử như tạo hình của Thúy Diễm trong vai Bà kế. Cô diện mẫu váy cổ yếm, để lộ phần lưng. Việc phục trang cắt xẻ táo bạo như thế đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Khán giả bình luận: “Trang phục bản Tấm Cám lần này cắt xẻ nhiều quá; Phụ nữ xưa không ai mặc hở hang như thế này cả; Cổ phục bị pha trộn ‘hổ lốn’, mớ ba mớ bảy, tổng thể không hài hòa…".
Phục trang phim Cám phải qua 3 bước thiết kế
Đạo diễn Trần Hữu Tấn vừa lên tiếng giải thích về quá trình thực hiện phục trang của phim:
“Phim là một dị bản kinh dị dựa trên truyện Tấm Cám, vì vậy chúng tôi đã cố gắng làm sao để phục trang vừa gần gũi với hình dung của khán giả về câu chuyện, vừa mang lại sự mới mẻ và sáng tạo.
Các bộ trang phục được lấy cảm hứng từ giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn.
Phục trang của phim được thực hiện bởi chuyên gia Nabongchua, với các thiết kế của họa sĩ Duy Văn và sự tư vấn từ nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam (Ấm Chè)”.
Theo nhà sản xuất Hoàng Quân, thách thức lớn nhất của phim Cám là việc phải quản lý lượng diễn viên quần chúng đông đảo, với những đại cảnh lên đến 200-300 người.
Điều này dẫn đến nhu cầu về phục trang cao hơn so với các dự án trước đây như Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn.
Phim Cám có nhiều nhân vật, từ những người dân quê mộc mạc đến tầng lớp cao hơn như gia đình lý trưởng, thái tử, thái tử phi, các quan, thái giám, cung nữ, cận vệ, thị vệ…
Quá trình thực hiện phục trang gồm ba bước.
“Đầu tiên, tôi và họa sĩ Duy Văn phác thảo các thiết kế dựa trên nghiên cứu và các hình ảnh tham khảo về cổ phục.
Sau đó, những bản phác thảo này được gửi đến nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam để đóng góp ý kiến.
Cuối cùng, trang phục sẽ được giao cho anh Nabongchua, giám đốc phục trang của phim, để thực hiện” - Trần Hữu Tấn kể.
Nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam chia sẻ: “Truyện Tấm Cám chưa có niên đại xác định rõ ràng. Khi thực hiện phim Cám, tôi chú trọng lựa chọn những chất liệu văn hóa đậm nét Việt Nam.
Chúng tôi khai thác phục trang, đạo cụ và những yếu tố văn hóa đặc sắc mang tính bản địa của Việt Nam”.
Trong phim Cám, toàn bộ trang phục đều được thiết kế theo phong cách dân gian Việt Nam xưa, bao gồm áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm…
Tổ phục trang còn chú trọng vào cách mặc sao cho đúng theo truyền thống Việt Nam, từ cách đắp vạt áo, chọn lựa chất liệu, màu sắc phù hợp với từng giai cấp cụ thể, đến việc xác định các phụ kiện như hài, guốc hoặc quyết định lớp nhân vật nào phải đi chân không.
Phim Cám dự kiến khởi chiếu ngày 27-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận