Theo đánh giá của các chuyên gia, 8 tháng đầu năm 2019, các chỉ số, chỉ tiêu chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tích cực so với cuối năm 2018 và trong tương quan chung của các thị trường khu vực.
Chốt phiên giao dịch hôm 3-9, VN-Index 978,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 186,47 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 4.479 tỉ đồng.
Chỉ số HNX-Index đạt 101,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 31,29 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 414,6 tỉ đồng.
Dù có tới 20 mã giảm giá, nhưng nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính với 6 mã tăng. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có điểm sáng khi một số mã có mức tăng đáng kể, như VCB tăng 0,1%, VIB tăng 1,1%…
Điểm tích cực là sau chuỗi bán ròng liên tiếp, khối ngoại phiên hôm nay trở lại mua ròng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh giai đoạn 2017 - 2018 và 2 quý đầu năm 2019 của các ngân hàng, các chuyên gia tài chính đánh giá hệ thống ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và kết quả kinh doanh cả năm sẽ rất sáng với mức lợi nhuận cao.
Như báo cáo kinh doanh quý 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của một loạt các nhà băng tăng mạnh. Sơ bộ tổng lợi nhuận của 25 ngân hàng đạt hơn 53.000 tỉ đồng, tăng 18,4% so với nửa đầu năm ngoái. Nợ xấu nội bảng duy trì ở mức thấp 1,91%.
Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định góp phần vào sự tăng giá cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu ngân hàng.
Đánh giá về sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định thời gian tới, một số cổ phiếu ngân hàng có mức giá thấp rất có thể là đối tượng được các đầu tư quan tâm.
Bởi kinh tế vĩ mô cũng như môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục có những diễn biến tích cực. Đặc biệt, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II sẽ giúp ngân hàng hoạt động an toàn, bền vững hơn. Và làn sóng góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các nhà băng tăng quy mô tài chính, gia tăng tính cạnh tranh.
Riêng với mã NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), thời gian gần đây, nhà băng này đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tính đến tháng 6, tổng vốn điều lệ của NCB đạt mức 4.000 tỷ đồng.
NCB cũng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 10.000 tỷ trong giai đoạn 2019-2020 với chiến lược thu hút vốn nhà đầu tư. Nợ xấu được đảm bảo ở dưới mức 3%.
Ban lãnh đạo NCB cho biết đang triển khai hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II nhằm tiến lên nhóm ngân hàng thương mại có quy mô vốn tầm trung và trở thành "điểm đến" hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, NCB đang triển khai chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về hiệu quả, ứng dụng số và tạo sự khác biệt bằng mô hình nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Đến nay, sự tăng trưởng ổn định, an toàn đã giúp NCB có được niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng, đối tác cả trong và ngoài nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận