Chỉ số chứng khoán VN-Index mất mốc 1.000 điểm trong phiên 4-11 - Ảnh: B.MAI
Thị trường chứng khoán chìm trong "chảo lửa" ngay khi khởi động phiên giao dịch hôm nay 4-11, có lúc chỉ số VN-Index giảm hơn 40 điểm, khiến tài khoản của không ít nhà đầu tư vốn đã âm lại càng bị âm nặng hơn.
Theo đó, việc nhà đầu tư tập trung bán cổ phiếu NVL (Novaland), BCM (Becamex), MWG (Thế giới di động), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VIC (Vingroup)..., đã đẩy thị trường lao dốc mạnh.
Các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi các mã như VCB (Vietcombank), ACB (ACB), VPB (VPBank), EIB (Eximbank)... gặp áp lực bán, thì dòng tiền lại đổ vào mua cổ phiếu CTG (Vietinbank), BID (BIDV), MSB (MSB)... Vì sở hữu vốn hóa lớn, nên việc tăng điểm của một số cổ phiếu ngành ngân hàng cũng mang ý nghĩa lớn đối với thị trường chung.
Nếu như phiên sáng lượng tiền mua cổ phiếu rất thấp, thì sang phiên chiều tình hình được cải thiện hơn. Trong đó cổ phiếu GMD (Gemadept - nhà khai thác cảng và logistics), TMS (Transimex - cung cấp dịch vụ logistics), HAH (Vận tải và xếp dỡ Hải An), TNC (Cao su Thống Nhất)... nhận được sức mua lớn, góp công trong việc rút ngắn đà giảm của thị trường.
Trong phiên hôm nay chỉ số của toàn bộ các nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó giảm nhẹ nhất là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu (-1%), giảm sâu nhất rơi vào ngành hàng tiêu dùng (-6,4%). Các ngành bị giảm từ 2% bao gồm công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản, công nghiệp và nguyên vật liệu.
Khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm 22,66 điểm (-2,22%) lùi về mốc 997,15 điểm. Sàn HNX và sàn UpCOM ghi nhận mức giảm lần lượt 6,18 điểm (-2,93%) xuống 204,56 điểm và 1,4 điểm (-1,85%) xuống còn 74,26 điểm.
Tổng kết ngày, có tổng cộng 804 mã chứng khoán rớt giá, nhiều gấp 4 lần số mã tăng. Mặc dù toàn thị trường có 147 mã giảm sàn, nhưng vẫn xuất hiện 34 mã tăng trần. Thanh khoản trên toàn thị trường đạt hơn 14.300 tỉ đồng.
Phản ứng giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam được lý giải bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó có việc chỉ số đồng USD vừa xác lập xu hướng tăng ngắn hạn.
Ngoài ra thị trường trong nước còn bị tác động từ thị trường chứng khoán Mỹ sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất, số liệu đơn đặt hàng và sản xuất mới cũng chậm lại cho thấy nhu cầu đang suy yếu do ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận