Càng tranh cãi nhiều về những vấn đề này bao nhiêu, càng thấy từng doanh nghiệp nhà nước đều có lý lẽ riêng của mình, và kết cuộc là mọi người sẽ càng nhìn tới nhìn lui mà không ai dám đưa quyết định. Cổ phần hóa có lúc rơi vào thế bế tắc là như vậy.
Chính phủ với tư cách là đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cần khẳng định rõ rằng cổ phần hóa hay bán DNNN chính là Chính phủ đang đưa ra một quyết định đầu tư cho nền kinh tế.
Một nguyên tắc quan trọng khi ra quyết định đầu tư mà giới chuyên môn ai cũng thuộc nằm lòng là so sánh dòng tiền của nếu và nếu không đầu tư vào một dự án nào đó, trong trường hợp này là cổ phần hóa.
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau hình dung mệnh đề thứ hai là nếu không cổ phần hóa hay cổ phần hóa không thực chất (do Nhà nước vẫn còn nắm cổ phần chi phối).
Nếu không cổ phần hóa, chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ của trường hợp Sabeco mà báo Tuổi Trẻ đã đưa tin: công ty muốn thay một bảng quảng cáo mới phải mất đến hai tháng vì phải qua quá nhiều thủ tục phức tạp.
Thử hỏi nếu để thông qua một cơ hội đầu tư nào đó sẽ mất đến bao nhiêu năm? Mọi người ai cũng tin đây chính là cơ chế quan liêu bao cấp hiện hành vẫn còn cơ hội sống sót trong môi trường DNNN.
Tính chung cả nước có hàng ngàn DNNN chậm cổ phần hóa hay chỉ cổ phần hóa lấy lệ trong hàng chục năm qua có khả năng đã làm mất đi biết bao cơ hội đầu tư mang lại lợi ích và dòng tiền cho nền kinh tế.
Khoản thiệt hại từ dòng tiền này sẽ lớn hơn nhiều nếu đặt trong những tranh cãi liệu giá bán mỗi cổ phần là bao nhiêu hay liệu có nên e ngại nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ làm chết đi thương hiệu mà doanh nghiệp đã gầy dựng...
Các tranh luận này đều có lý lẽ riêng và đều nhận được sự đồng tình cũng như phản bác. Nhưng có một điều chắc chắn: với hoạt động của các DNNN hiện nay, càng chậm cổ phần hóa, thiệt hại cho cả nền kinh tế sẽ càng lớn.
Chỉ mới tính đến hiệu quả tài chính không thôi cũng thấy chủ sở hữu là Chính phủ đã thiệt hại đáng kể nếu không cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiệu quả của cổ phần hóa không chỉ nằm ở dòng tiền mà còn nằm ở hiệu quả kinh tế - xã hội thông qua việc gia tăng sức cạnh tranh của các DNNN sau cổ phần hóa và từ đó thúc đẩy sức cạnh tranh chung cho cả nền kinh tế.
Chính phủ cần phải đặt mình là người đưa ra quyết định đầu tư chung cho cả nền kinh tế và cho lợi ích của toàn thể người dân, mới thấy rằng có thể có những thiệt hại nếu có một vài sai sót trong quá trình cổ phần ở một vài doanh nghiệp nào đó, nhưng đừng để điều đó làm vật cản chính trong quá trình cổ phần hóa, nếu như so với lợi ích tổng thể mà cả xã hội nhận được.
Cho đến giờ những phân tích trên chỉ đúng với giả thuyết các DNNN sau cổ phần hóa phải đem lại thành quả tốt hơn trước đó nếu do những ông chủ mới thật sự có khả năng điều hành.
Còn ngược lại, nếu sau cổ phần hóa mà toàn bộ doanh nghiệp rơi vào sân sau của ai đó và các nhóm lợi ích thì thất bại là cầm chắc. Tất cả mọi điều cần phải minh bạch mới hi vọng cổ phần hóa thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận