19/09/2017 19:23 GMT+7

Hãng phim truyện Việt Nam: các nghệ sĩ lão thành bức xúc

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Chiều 19-9, Tuổi Trẻ Online đã chứng kiến một cuộc gặp của NSND Trà Giang tại nhà riêng của bà cùng các nghệ sĩ lão thành khác của điện ảnh Việt để nói về câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim truyện Việt Nam: các nghệ sĩ lão thành bức xúc  - Ảnh 1.

NSND Thế Anh chia sẻ về việc hãng phim Việt Nam sau cổ phần hóa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Buổi gặp gỡ có sự hiện diện của nghệ sĩ Minh Đức, nghệ sĩ Đoàn Dũng, nghệ sĩ Thế Anh, nghệ sĩ Kim Thanh - những nghệ sĩ gạo cội, lão thành của điện ảnh Việt Nam, nay đã ở tuổi 70, 80. 

Họ là những người hơn nửa cuộc đời đã gắn bó với nghiệp làm phim, với điện ảnh Việt những năm tháng mới thành hình, mà Hãng phim truyện Việt Nam là cái nôi đầu tiên với họ.

Các nghệ sĩ đều nhấn mạnh sự bức xúc này, câu chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam này, không hề mới, không phải là chuyện vừa xảy ra gần đây mà thực chất là một cuộc "đấu tranh" bền bỉ hơn hai năm qua của các nghệ sĩ. 

Chúng tôi đã gửi tâm thư, đã lên gặp lãnh đạo Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch nhưng đáp lại vẫn là một sự im lặng. Không giải quyết được vấn đề gì. Chuyện này bùng nổ trở lại khi lãnh đạo mới về, một công ty không dính dáng gì đến điện ảnh tiếp quản Hãng phim truyện Việt Nam...

Các nghệ sĩ bức xúc

Hãng phim truyện Việt Nam: các nghệ sĩ lão thành bức xúc  - Ảnh 3.

NSND Trà Giang đau đớn khi nghe tin Hãng phim Việt Nam bị cổ phần hóa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chuyện về một hạt cát đau lòng!

"Từ năm 61 khi tốt nghiệp trường điện ảnh là xưởng phim truyện Việt Nam đã tiếp nhập chúng tôi rồi. Phim đầu tay của tôi Một ngày đầu thu là do hãng phim sản xuất. 

Hơn 20 năm nay, Trà Giang không còn đóng phim nữa nhưng cứ nhắc đến chuyện điện ảnh, nhắc về chuyện làm phim, nói về địa chỉ quen thuộc số 4 Thuỵ Khuê (địa chỉ Hãng phim truyện Việt Nam) thì nó cứ như chạm vào máu thịt của mình. 

Cho nên diễn biến của việc cổ phần hoá chúng tôi không thể không quan tâm.

Câu chuyện cổ phần hoá hãng phim, nếu xét ra nó chỉ là một hạt cát trong đại dương, không là gì so với chuyện tham nhũng tiền tỉ, chuyện biển Đông còn đang nóng hổi. 

Nhưng điện ảnh là một ngành nghệ thuật quan trọng. 

Từ xưa, ở chính hãng phim này, chúng tôi đã chiếu phim cho Bác Hồ xem, thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng qua xem. 

Nói thế để biết, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với ngành điện ảnh nó đã tồn tại từ lâu. Sau này, đất nước mở cửa, đời sống đi lên, phim ảnh cũng tốt hơn nhưng sự quan tâm này hình như lại không còn như trước"

Giá trị thương hiệu là 0 đồng - câu kết luận của lãnh đạo mới khi tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam, với các nghệ sĩ là một sự xúc phạm, một sự sỉ nhục không gì đong đếm được!

Trà Giang nghẹn ngào, bật khóc

 "Hơn 400 bộ phim chúng tôi đã làm, bằng máu, bằng nước mắt, bằng hi sinh, có những giá trị về lịch sử, về thời cuộc. Nó là tất cả những gì anh em chúng tôi trong thế hệ trước đã làm. Nói thế thật không đúng!". 

Trà Giang bảo chị vẫn còn nhớ như in những ngày cuối năm rộn ràng, vui vẻ của xưởng phim truyện trong kí ức. "Cứ đoàn làm phim này về thì đoàn làm phim khác lại đi. Rồi hậu kì, lồng tiếng, các thứ rôm rả vô cùng".

NSND Trà Giang nghẹn ngào chia sẻ - Clip: DUYÊN PHAN

"Ai mua, ai bán, chúng tôi không rõ. Chúng tôi nghe nói Hãng phim được cổ phần với giá hơn ba mươi mấy tỉ đồng! Số tiền đó ăn thua gì với những vụ tham ô tham nhũng hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng? 

Như tôi đã nói từ đầu, câu chuyện của chúng tôi chỉ là một hạt cát thôi, nhưng giá trị tinh thần, những bộ phim hãng đã làm mang một ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của đất nước. 

Nói kêu gọi cũng không đúng lắm, nhưng chính là Nhà nước phải nhìn ra vấn đề này để bỏ tiền ra để thu lại Hãng phim này từ tay nhà thầu, và tìm cách khôi phục nó chứ không thể xóa sổ nó trên bàn đồ điện ảnh được", nghệ sĩ Trà Giang nói.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc, nói đi thì cũng phải nói lại về hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam nhiều năm qua là làm việc không hiệu quả, sản xuất phim theo cơ chế bao cấp cũ khiến những bộ phim hãng sản xuất ra không ai xem, phim để cất kho, gây lãng phí thì thế nào? 

Các nghệ sĩ lão thành đều đồng ý rằng, vì việc này họ luôn ủng hộ việc cổ phần hoá, phải hoà mình vào dòng chảy của thị trường, nhưng việc cổ phần hoá như thế nào mới là vấn để đáng nói. 

Câu chuyện làm phim nhà nước ra không ai xem, chúng tôi cũng cũng như khán giả đều không ủng hộ. Nhưng đấy là câu chuyện của cấp lãnh đạo chứ. Chúng tôi chỉ là người nghệ sĩ, ở vị trí của mình, chúng tôi đã làm tốt trách nhiệm của mình.

Nghệ sĩ Minh Đức

Nghệ sĩ Đoàn Dũng bức xúc - Clip: DUYÊN PHAN

Nghệ sĩ Đoàn Dũng nói: "Một xưởng phim đã ghi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam. Nền điện ảnh ngày hôm nay có được chính là nhờ số 4 Thuỵ Khuê đó. Các cán bộ chiến sĩ, anh em nghệ sĩ vào Nam rất nhiều người hi sinh.

Và ngay khi miền Nam giải phóng rồi thì lớp cán bộ này cũng là một nhánh hết sức quan trọng ở Hãng phim Giải Phóng tại Sài Gòn. 

Những nghệ sĩ ưu tú, gạo cội của điện ảnh Việt Nam cũng đều xuất thân từ Hãng phim truyện Việt Nam. Những thước phim mà hãng đã làm nó không chỉ có ý nghĩa lịch sử trong thời điểm này, mà còn cho thế hệ sau, thế hệ sau nữa, không bao giờ mất đi! 

Đành rằng, xã hội hiện nay là cơ chế thị trường nhưng nội hàm về mặt nghệ thuật là cực kì lớn. Nội hàm này cần phải được ghi nhận, đừng đánh giá nhầm nó với kinh tế đơn thuần. Can cứ gì chỉ vì mấy đồng bạc mà bán rẻ Hãng phim? 

Vô cảm, vô lương tâm! Đừng vội nhầm, tiền rất quý nhưng không thể nào đánh đổi bằng giá trị tinh thần, giá trị tâm hồn, nếu không các anh sẽ giết chết nền nghệ thuật đang cần củng cố thêm".

Hãng phim truyện Việt Nam: các nghệ sĩ lão thành bức xúc  - Ảnh 8.

Nghệ sĩ Minh Đức nghẹn ngào về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

Yêu cầu công khai, yêu cầu được đối chất với Thủ tướng

Những ý kiến của các nghệ sĩ lão thành, xung quanh câu chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam ở thời điểm hiện tại là mong muốn hai việc chính. 

Đầu tiên là được công khai quá trình cổ phần ấy ra sao. 

Nghệ sĩ Minh Đức cho biết: "Việc cổ phần hoá hãng phim nhiều năm qua tiến hành rất lùng bùng, chúng tôi không hề nắm được vì không được công khai. 

Chúng tôi đọc được thông tin là cổ phần hoá hãng phim với giá 30 tỉ? Nhưng tôi nói thật chỉ một góc đất ở đó thôi giờ cũng đã hơn thế rồi chứ đừng nói cả khu số 4 Thụy Khuê. 

Bất ngờ nhất là bấy lâu nay, anh em nghệ sĩ bức xúc như thế, tại sao Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch vẫn không lên tiếng? 

Trong những ngày qua, theo dõi báo chí mà đau lòng không thể để đâu cho hết. Chúng tôi thấy mình cứ như miếng chanh vắt xong rồi thì bỏ vỏ, như đem con ra bỏ chợ. Mà ở đây là ai bỏ?" 

Nghệ sĩ Minh Đức chia sẻ về Hãng phim truyện Việt Nam - Clip: DUYÊN PHAN

Và vì thế mong mỏi thứ hai của họ là được đối chất, làm việc trực tiếp với cấp lãnh đạo cao hơn Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch để có được câu trả lời về số phận Hãng phim truyện Việt Nam, nơi họ cương quyết không thể xoá bỏ, bởi đó là một phần đời của các nghệ sĩ. 

Năm nay đã ở tuổi 79, NSND Thế Anh tai đã nghễnh ngãng, ông vẫn tự chạy xe máy đến để gặp lại những người bạn cũ của mình và lắng nghe câu chuyện đang xôn xao của Hãng phim truyện Việt Nam.

"Mấy ngày nay ngày nào tôi cũng ráng mở Facebook lên xem mỗi ngày. Thấy người nói nhiều nhất vẫn là chị Ngát (biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát), chứ chưa hề thấy quan "chức to" nào quan tâm lên tiếng cả. 

Phải nói là rất buồn, buồn lắm! Trà Giang có ngồi đây khóc, Minh Đức có ngồi đây khóc cũng chả ai quan tâm đâu. 

Tôi biết đây là một việc rất khó vì nói thật nền điện ảnh Việt Nam giờ mà không cổ phần hoá thì nó đi về đâu? Nó làm cái gì? 

Lớp nghệ sĩ chúng tôi là xưa rồi, làm phim giờ phải năng động, phải kiếm ra tiền. Câu chuyện là làm thế nào mà hoà mình được với thị trường, với cuộc sống bây giờ? Và cổ phần với đơn vị ra sao, họ có thực sự muốn làm phim không ai chỉ muốn nhăm nhe cái mảnh đất đấy thôi?"

Hãng phim truyện Việt Nam: các nghệ sĩ lão thành bức xúc  - Ảnh 10.

NSND Đoàn Dũng bày tỏ bức xúc về việc cổ phần hóa hãng phim Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hãng phim truyện Việt Nam: các nghệ sĩ lão thành bức xúc  - Ảnh 11.

Các nghệ sĩ thế hệ trước cùng bày tỏ sự đau đớn về việc cổ phần hóa hãng phim Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên