18/11/2022 09:04 GMT+7

Có phải khi trẻ em cười nhiều dẫn đến chứng lồng ruột?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Nhiều phụ huynh cho rằng khi trẻ em cười giỡn quá nhiều, hay vận động mạnh thì dễ xảy ra tình trạng lồng ruột. Điều này có đúng hay không? Khi lồng ruột xảy ra ở trẻ thì làm sao để nhận biết sớm nhất?

Có phải khi trẻ em cười nhiều dẫn đến chứng lồng ruột? - Ảnh 1.

Nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời sẽ làm hoại tử ruột, sốc nhiễm khuẩn... thậm chí tử vong - Ảnh: X.MAI

Bác sĩ Tạ Huy Cần - trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng trong của một đoạn ruột kế cận. 

Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi, trong đó tần suất mắc nhiều nhất gặp ở trẻ 4 đến 9 tháng tuổi. 

Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt, không nuôi được đoạn ruột bị lồng nên có thể dẫn đến hoại tử. Khi ruột bị hoại tử sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc khiến bệnh nhi tử vong.

Bác sĩ Cần chia sẻ trong quá trình làm việc, các bác sĩ ngoại nhi từng nghe nhiều phụ huynh có con bị lồng ruột thắc mắc rằng có phải con họ bị như thế là do cười hay vận động nhiều không?

Trước thắc mắc này, bác sĩ Cần khẳng định khi trẻ cười lớn hay vận động nhiều hoàn toàn không gây ra lồng ruột. 

Về nguyên nhân thực thể gây ra tình trạng lồng ruột ở trẻ sơ sinh đến nay vẫn chưa xác định. Một số trường hợp lồng ruột ghi nhận sau tình trạng rối loạn nhu động ruột, viêm nhiễm đường tiêu hóa, viêm nhiễm đường hô hấp...

Do đó trẻ sẽ có những biểu hiện sốt, ói, tiêu chảy, tiêu nhầy có máu. Những biểu hiện này lại rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như viêm dạ dày ruột do siêu vi, hoặc tiêu chảy, nhiễm trùng.

Vậy làm sao để phát hiện trẻ bị lồng ruột? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Cần cho hay triệu chứng nổi bật, đặc trưng nhất của lồng ruột là đau bụng dữ dội khiến trẻ khóc thét từng cơn, quằn quại, vã mồ hôi… 

Cơn đau này có thể kéo dài 5-10 phút, sau đó hoàn toàn mất đi, nhưng chỉ vài phút sau thì cơn đau tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Hiện không có phương pháp sơ cứu ban đầu nào tại nhà hiệu quả cho trẻ nghi ngờ lồng ruột. Nếu trẻ đến bệnh viện trễ - khi đã xảy ra tình trạng thiếu máu nuôi ruột thì dễ làm hoại tử ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc, gây khó khăn cho việc điều trị và phục hồi. 

Chính vì vậy, khi phụ huynh nghi ngờ trẻ bị lồng ruột với các dấu hiệu nêu trên phải đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất. 

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Tháo lồng ruột cho bé 10 tháng tuổi bằng… bơm hơi Tháo lồng ruột cho bé 10 tháng tuổi bằng… bơm hơi

TTO - Một trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị lồng ruột hiếm gặp vừa được các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cấp cứu thành công bằng thủ thuật tháo lồng ruột bằng hơi.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên