15/11/2021 12:24 GMT+7

'Cô ơi năm nay không làm lễ 20-11 ở trường phải không cô'

LÊ NỮ KIM CƯƠNG
LÊ NỮ KIM CƯƠNG

TTO - Mấy hôm nay dạy học trực tuyến môn của mình, tôi đều nghe các em hỏi 'Cô ơi năm nay không làm lễ 20-11 ở trường phải không?' mà trong lòng có gì đó buồn man mác.

Cô ơi năm nay không làm lễ 20-11 ở trường phải không cô - Ảnh 1.

Tôi và các học sinh của mình ở Trường THCS Trần Quang Khải, TP.HCM - Ảnh: NVCC

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng còn mấy ngày nữa tôi sẽ đón cái tết của ngành giáo dục. Đó là ngày lễ 20-11 trọng đại với những người làm nghề chở chữ cho đời.

Nhưng khác hẳn mọi năm, Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay sẽ diễn ra đặc biệt hơn. Khởi nguồn từ việc dạy và học trực tuyến để phòng chống dịch thì có lẽ ngày lễ 20-11-2021 này cũng sẽ diễn ra "online" là chính.

Ngay từ đầu tháng 11, các ban ngành đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện ngày 20-11 với phương châm an toàn, đảm bảo thực hiện nghiêm phòng chống dịch bệnh. 

Đối với các đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, hiệu trưởng nhà trường phối hợp với công đoàn cơ sở lựa chọn hoạt động kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam phù hợp, thiết thực, hiệu quả như tọa đàm; giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; hoạt động chào mừng gắn với kỷ niệm ngày thành lập trường…

Việc nhất thời không thể tổ chức vì dịch bệnh là điều rất đáng tiếc dành cho cả học sinh lẫn thầy cô giáo.

Tôi là cô giáo chủ nhiệm, các em và phụ huynh có nhiều câu hỏi và nhiều thắc mắc, không biết hỏi ai sẽ tìm đến mình. Tôi ngại nhất là kiểu hỏi dò như "Muốn xin thông tin gửi chút quà cho cô", "Nhờ cô chuyển giúp quà cho cô A, thầy B", "Xin địa chỉ nhà cô để đến thăm cô ngày lễ", "Muốn lên trường để gặp thầy cô"…

Vô vàn câu hỏi với những tình huống oái oăm, gây khó xử mà tôi phải giải đáp, xử lý sao cho phù hợp, nhẹ nhàng, đủ tính dứt khoát nhưng không gây tổn thương đến tâm lý học trò, không gây ác cảm đến quan điểm của các bậc phụ huynh.

Mấy năm trước tôi không làm chủ nhiệm, thời gian lên trường chỉ cần tập trung dạy môn của mình cho thật tốt là được. Do vậy "gánh nặng" không lớn lắm. Ngày lễ diễn ra vui tươi, các em đến chào, chúc cô cùng bó hoa nho nhỏ, cái gật đầu lễ phép là đủ khiến tôi hài lòng, ấm áp. Riêng năm 2021 này dạy trực tuyến và làm giáo viên chủ nhiệm nên "trăm dâu đổ đầu tằm", công việc cuốn tôi đi hết giờ, hết ngày.

Cô ơi năm nay không làm lễ 20-11 ở trường phải không cô - Ảnh 2.

Tôi (thứ ba từ phải qua) cùng các đồng nghiệp trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2019 - Ảnh: NVCC

Có dạy, có học online mới thấy cái khổ của cả người dạy lẫn người học. Không phải lên trường, không cầm phấn thì phải ngồi máy tính, gò lưng cả ngày dài để xong việc. Khi nằm xuống là nửa đêm, lưng đau nhức, hai vai ê ẩm và đôi mắt đỏ ngầu vì căng mắt nhìn vào màn hình máy tính.

Dạy và học trực tuyến khiến tôi vui nhất là vẫn có thể làm việc, vẫn có thể giảng dạy. Thực tình tôi mong tổ chức được ngày 20-11 để gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh. Trong ngày vui này, tôi cũng muốn dành thời gian đi thăm thầy cô giáo là ân sư của mình. Đó không chỉ là nghĩa vụ, mà mang lại những giá trị tinh thần to lớn mà chúng tôi muốn trao cho nhau trực tiếp, chứ không đơn thuần chỉ là đến ăn lễ.

Nhưng có lẽ tôi phải đợi, phải chấp nhận ăn thêm một Ngày nhà giáo Việt Nam đặc biệt nữa rồi!

TP.HCM chỉ thị khẩn về năm học mới: Hỗ trợ nhà giáo, học sinh khó khăn TP.HCM chỉ thị khẩn về năm học mới: Hỗ trợ nhà giáo, học sinh khó khăn

TTO - Xây dựng chính sách không thu học phí có thời hạn; hỗ trợ đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là giáo dục mầm non; hỗ trợ học sinh về điều kiện học tập trên Internet... UBND TP.HCM chỉ thị khẩn.

LÊ NỮ KIM CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên