Có những lỗ hổng không biết khi nào mới được lấp

CÁT KHUÊ 08/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 207 ngành sẽ bị dừng tuyển sinh từ năm học 2014, rồi cho phép 62 ngành tuyển sinh trở lại, ngành sân khấu - điện ảnh (Hà Nội và TP.HCM) chịu một chấn động không nhẹ khi cả 16 chuyên ngành bị dừng không có tên trong danh sách được “phục hồi”.


Một buổi tập hình thể của sinh viên lớp diễn viên, kịch, điện ảnh Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Trong những loay hoay của công cuộc chấn hưng điện ảnh hiện nay có không ít vướng mắc từ khâu đào tạo. Ý kiến từ một số người trong cuộc phần nào cho thấy bức tranh bối rối này.

Đạo diễn Phan Đăng Di

Đạo diễn Phan Đăng Di
Tôi vào trường điện ảnh ở Hà Nội năm 1994, thời mà điện ảnh VN đang trải qua một cơn khủng hoảng lớn. Nước mình lúc đó rất nghèo, bản thân người làm điện ảnh cũng hoang mang không biết thứ nghệ thuật tốn kém này có còn sống tiếp được nữa không hay sẽ bị thay bằng phim video và truyền hình.

Cả một hệ thống đào tạo theo quy trình phim nhựa lúc đó bị kẹt cứng trong khó khăn, cứ mai một dần theo cách phải hạ thấp và đơn giản hóa dần các tiêu chuẩn rất cần đối với điện ảnh chuyên nghiệp. Khung chương trình khá bài bản nhưng thực tế dạy và học cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vì chẳng mấy khi được thực hành.

Giáo trình rất hiếm và chủ yếu là các sách dịch cũ. Ai chăm chỉ lên thư viện thì còn được “xem” phim kinh điển thế giới qua tạp chí viện trợ kiểu Cashier du cinema của sứ quán Pháp hay tạp chí điện ảnh cũ của Liên Xô. Có hôm háo hức đến giờ lịch sử điện ảnh để xem Cuộc sống ngọt ngào của Federico Felini mới biết băng video thầy mang từ Bulgaria về đã bị mốc từ lúc nào, nên thầy đành “kể lại” bộ phim.

Việc học suy cho cùng cũng có thời điểm của nó, khi ta còn trong tuổi học thì phải được học bài bản, có hệ thống, không phải ai cũng có thời gian và điều kiện để “vá” hoài những lỗ hổng nhận được trong giáo dục khi mỗi giai đoạn trong cuộc đời và nghề nghiệp lại có những vấn đề mới cần phải giải quyết.

Hiện tại, hệ thống đào tạo nghệ thuật thứ bảy ở nước ta đã thay đổi. Những chuyên ngành liên quan nhiều đến thiết bị và công nghệ như quay phim thì sự cập nhật và hòa nhập với thế giới diễn ra tương đối nhanh và tốt, nhưng những chuyên ngành đòi hỏi kiến thức nền vững chắc như biên kịch, đạo diễn, đặc biệt là lý luận phê bình thì sự lúng túng là thấy rõ.

Nếu so sánh với các trường đào tạo điện ảnh trên thế giới thì có thể nói thẳng là chúng ta gần như không có một nền tảng học thuật vững chắc để dựa vào. Đây lại là một lỗ hổng nữa mà không biết bao giờ mới được lấp đầy. Tôi đã đọc và hiệu đính lại một số sách giáo trình điện ảnh được dự án đào tạo điện ảnh tại Đại học KHXH&NV Hà Nội chọn dịch.

Ngoài ra, tôi cùng một số bạn trẻ từng học điện ảnh trong và ngoài nước đang tổ chức dịch một bộ sách mang tính công cụ cho các chuyên ngành đào tạo cơ bản của điện ảnh như biên kịch, đạo diễn, phê bình, quay phim và sản xuất phim. Đây là những sách được thừa nhận rộng rãi trên thế giới mà thiếu nó thì mọi vấn đề về học thuật và làm phim rất khó để xác định chuẩn mực.

Việc dịch sách không phải là quá khó, cái khó nằm ở công việc biên soạn vốn cần thời gian và cần đắm mình trong môi trường học thuật đủ lâu và cũng cần những đối thoại nghiêm túc và tự do với kho tàng tri thức điện ảnh của nhân loại, những điều kiện chưa có ở Việt Nam. Trước mắt, có lẽ chúng ta đành bằng lòng với việc dịch các sách cơ bản để tạo nền tảng.

Quan trọng hơn là cần bắt tay làm. Việc thiếu giáo trình điện ảnh đã được nói hàng chục năm nay nhưng tiến hành làm việc này một cách tương đối có hệ thống và bài bản lại được xuất phát từ một dự án đào tạo điện ảnh quy mô nhỏ được nước ngoài trợ giúp tại Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Kinh phí thực hiện không nhiều, nhân lực tham gia dịch lấy từ chính các giảng viên, học viên của dự án và họ làm điều này rất tốt.

Từ câu chuyện này nhìn rộng ra sẽ thấy nhiều vấn đề trong điện ảnh tưởng khó lại có thể giải quyết được bằng những cách đơn giản, ít tốn kém, vấn đề là những người có trách nhiệm có quyết tâm làm hay không. Mọi lời khuyên ở trong điện ảnh thường không có mấy tác dụng cho đến khi người được khuyên đứng trước bộ phim phải làm.

Lúc đó, chính bộ phim và sự khó nhiều khi đến phát khóc mà nó thách ta vượt qua sẽ là lời khuyên thông thái hoặc/và ác độc nhất.

Ông Trần Hinh (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, chủ nhiệm bộ môn nghệ thuật học kiêm chủ nhiệm dự án điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ):

Ông Trần Hinh - Ảnh nhân vật cung cấp
* Ông đánh giá về hiện trạng đào tạo điện ảnh hiện tại ra sao thông qua các sinh viên của trường?

- Khoảng 10 năm trở lại đây, tôi được giao điều hành với tư cách chủ nhiệm dự án đào tạo điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ, hằng năm mở lớp ngắn hạn, có một số học sinh trường sân khấu - điện ảnh tham dự.

Thực trạng điện ảnh VN hiện nay, hay hay dở, tốt hay xấu, có lẽ không nên vội đổ lỗi cho việc đào tạo ở các cơ sở đó. Bởi theo tôi, một nền điện ảnh để phát triển được hay không, không chỉ gồm những người làm (được đào tạo chính quy từ trường), mà còn có sự đóng góp quan trọng của người xem và sự tham gia của những nhóm hỗ trợ khác nữa. Vì điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp.

Hiểu như thế để thấy chúng ta còn thiếu thốn quá nhiều, thực trạng đào tạo điện ảnh ở ta còn nhiều vấn đề để nói lắm.

Có năm tôi tham gia phỏng vấn sinh viên vừa dự thi vào lớp học dự án, lấy làm lạ vì có những sinh viên học khoa diễn viên của trường sân khấu - điện ảnh mà trong cả khóa học chỉ xem vài ba bộ phim, có những sinh viên học ngành quay phim mà không viết nổi một bài giới thiệu phim.

Cũng có thể một thời người ta tuyển sinh đầu vào chỉ chú ý đến hình thể, năng khiếu mà ít chú ý đến cái phông văn hóa cơ bản nên sinh viên diễn viên có thể rất đẹp nhưng không biết cách diễn xuất, sinh viên quay phim “cầm máy” khá sành nhưng khi đứng trước một đối tượng cụ thể lại không biết chọn một góc quay như thế nào cho hiệu quả nhất.

Hoặc cũng có thể do điện ảnh là một ngành học rất tốn kém (sinh viên ngành điện ảnh Mỹ đóng học phí trung bình khoảng 30.000 USD/năm, ngoài ra ngay khi vào trường đã phải đóng một khoản từ 3.000-4.000 USD để mua sắm máy móc). Sinh viên nước ta nghèo quá nên không thể làm thế được.

Thêm nữa, theo tôi biết, cơ cấu ngành trong các trường điện ảnh của ta cũng chưa hợp lý, ví dụ tại cả hai trung tâm đào tạo điện ảnh nước ta đều chưa có ngành sản xuất phim.

* Theo ông, đâu là những yếu tố căn bản trong việc đào tạo một ngành khá chuyên biệt như điện ảnh?

- Căn bản nhất, theo tôi, là môi trường đào tạo đó phải đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về vật chất. Trường lớp điện ảnh phải được trang bị đủ cơ số máy móc (máy quay, thiết bị dựng...), tài liệu học (sách vở, giáo trình, phim ảnh), phòng chiếu phim, trường quay (dù chỉ là nhỏ), và thầy cô giáo được đào tạo bài bản...

Ở bất cứ trường đại học nào cũng thế, trước khi mở ngành người ta đều phải chuẩn bị đủ cơ số tối thiểu sách vở, giáo trình. Mà thực tế vấn đề này tại các trường điện ảnh ở ta, theo tôi, là rất yếu và thiếu. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng các thầy cô giáo của ta vẫn chủ yếu là dạy theo cách truyền nghề.

Người ta vẫn nghĩ là nghệ sĩ điện ảnh thì dạy điện ảnh được... Chính vì vậy, theo tôi, cần chú ý đầu tư cho khâu sách vở, giáo trình. Cách đây 10 năm, khi chuẩn bị thực hiện dự án điện ảnh, khâu đầu tiên mà chúng tôi phải lo là dịch cho được một số giáo trình cơ bản, trong khi mình chưa có điều kiện viết.

Đó là các giáo trình chuyên ngành như lịch sử điện ảnh, nghệ thuật điện ảnh, nghiên cứu phim, hướng dẫn viết về phim, tự học viết kịch bản phim và gần đây nhất, một công trình liên ngành cũng đã được xuất bản (điện ảnh và văn học).

Điện ảnh của nước ta muốn khá thì trước tiên phải chú ý đến khâu đào tạo nhân lực. Bấy lâu nay chúng ta chỉ chú ý bề nổi (liên hoan phim, ra mắt phim, người đẹp làm phim...). Làm sao có một nền điện ảnh tốt mà lại kém cỏi trong khâu đào tạo được?

Chúng tôi luôn được coi thực hành là chủ yếu vì mục tiêu của chương trình rất thực tế: đào tạo ra những người làm nghề chuyên nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, chương trình học được thiết kế khoa học và linh hoạt. Năm đầu tiên, sinh viên làm quen với tất cả các khâu của quá trình làm phim bằng cách cùng nhau làm các phim ngắn.

Từ năm thứ hai trở đi, sinh viên lựa chọn lớp học chuyên sâu để học và phát triển các kỹ năng trong những lĩnh vực yêu thích. Và luôn luôn là học gì thực hành nấy, ví dụ bạn phải dựng phim khi học lớp dựng phim. Lý thuyết phần lớn được sinh viên nắm bắt thông qua thực hành hoặc tự đọc sách ngoài giờ học.

Tôi nghĩ việc đào tạo điện ảnh VN có thể khả quan nếu chúng ta có chương trình học khoa học và thực tế, mời những người làm nghề giỏi nhất trong ngành làm giảng viên, xây dựng một thư viện tốt cho sinh viên, có chương trình thực tập hữu ích (kết hợp với các hãng phim, công ty truyền thông)...

THÁI HÀ (cựu sinh viên Trường điện ảnh USC, Mỹ)

 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận