19/11/2011 06:15 GMT+7

Cô Nguyệt Anh với đề văn độc đáo

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - “Cô đã không thể cầm được nước mắt khi đọc bài viết này của con. Giờ cô mới hiểu con là ai. Bài văn này quý nhất ở tấm lòng thành thực. Con hãy đọc nó trước ban thờ của mẹ con, con nhé!”.

EYuZ2HLZ.jpgPhóng to

Cô Đặng Nguyệt Anh trong giờ dạy văn ở lớp 11A1 chuyên lý Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam - Ảnh: Quang Thế

Đây là một trong những lời phê, thực chất là lời tâm sự của cô giáo Đặng Nguyệt Anh - giáo viên dạy văn Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam - với một nữ sinh của mình từng trải qua nỗi đau mất mẹ. Và những bài văn được đọc và chấm trong đêm khuya luôn là cầu nối để gắn bó tình thầy trò.

Mỗi đề văn là một chìa khóa

"Đề văn không nhằm lấy điểm để xét học lực, mà chỉ để học sinh có cơ hội giãi bày những trải nghiệm, tình cảm của mình"

Sự mới mẻ trong cách dạy học, cách ra đề thi, cách cùng học trò thâm nhập vào đời sống, tìm kiếm tư liệu để hoàn thành những bài tập, những đề tài khác nhau, đặc biệt là trái tim luôn hướng về học sinh với sự giao cảm kỳ lạ đã khiến cô giáo Đặng Nguyệt Anh có chỗ đứng trong lòng rất nhiều học sinh các thế hệ, kể cả những học sinh của khối chuyên các môn khoa học tự nhiên. Mỗi một tập bài chấm xong, mỗi một bài tập làm xong, mỗi một đề thi được gợi mở là một chìa khóa để cô giáo mở ra thế giới tâm hồn của các em học sinh.

Hiếm có giáo viên dạy văn nào có những đề văn độc đáo thế này: Anh/chị hãy chọn một trong ba đề sau: Đề 1: Tại sao lại không?; Đề 2: Điều em muốn nói với cô; Đề 3: Người ấy đối với tôi. Đây là đề văn cô giáo Đặng Nguyệt Anh ra cho học sinh lớp 10 chuyên Nga. Đề văn không nhằm lấy điểm để xét học lực, mà chỉ để học sinh có cơ hội giãi bày những trải nghiệm, tình cảm của mình.

Nguyễn Trà My, một học sinh chọn đề “Người ấy đối với tôi”, đã viết về mẹ của mình. Lần đầu tiên từ khi mất mẹ vào năm học lớp 3, cô bé này đã viết những dòng đầy xúc động về ký ức có mẹ, về nỗi đau đớn khi mẹ rời xa, về cả những dằn vặt, ghen tị với bạn bè khi em lớn lên trong tình cảnh thiếu sự chăm sóc của mẹ.

Một học sinh khác chọn đề “Tại sao lại không?” với cách đặt vấn đề khá thú vị: Có một cô bạn hỏi tôi “Hà này, đã bao giờ ấy quàng tay vào cổ mẹ và nói “Con yêu mẹ!” chưa?”. Một phút ngạc nhiên tôi lắc đầu “Chưa, chưa bao giờ”. Cô bạn bảo “Vậy tối nay về nhà gặp mẹ thử làm thế nhé”. Tại sao lại không?

“Tại sao lại không?” đã giúp nhiều học trò đặt những câu hỏi cho mình, để khám phá những điều thật giản đơn nhưng quý giá mà lâu nay các em không nghĩ đến.

Những đề văn siêu ngắn, chỉ vẻn vẹn 5-6 chữ, nhưng những trang viết của học trò thì sinh động và dào dạt. Không có thang điểm sẵn, không có đáp án cứng nhắc. Mỗi bài văn, một sự chia sẻ. Những chìa khóa đã được mở để đi vào tâm hồn học sinh một cách tự nhiên như vậy.

Cũng với những cách ra đề mới mẻ này, cô Đặng Nguyệt Anh đã biết đến Nguyễn Trung Hiếu khi em viết về mơ ước của mình và niềm đam mê môn vật lý của em, rồi “Thư gửi mẹ” chạm đến trái tim hàng ngàn bạn trẻ.

Chất liệu đời sống

Trong sáng kiến kinh nghiệm về “Cách ra đề bài nghị luận xã hội trong trường THPT”, cô giáo Đặng Nguyệt Anh đã kể về những trăn trở của mình khi nghe một cuộc điện thoại đầy nước mắt của học sinh kể về bài văn “lạc đề” hay băn khoăn về một bài báo đặt vấn đề “Văn nghị luận coi chừng... sáo”, rồi những tình huống sư phạm diễn ra trong quá trình dạy học.

Cô Nguyệt Anh tâm sự: “Tôi muốn dạy văn không phải chỉ là dạy tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà là dạy các em cách sống, cách ứng xử, thói quen chia sẻ tình cảm, tình yêu thương, dạy các em biết tìm kiếm thông tin để trình bày, thuyết minh về một điều gì đó mà mình trải qua, có cơ hội để hiểu biết về những gì đã và đang diễn ra xung quanh - Điều đó rất cần khi chúng ta rời mái trường. Dạy văn không chỉ là sự truyền giảng mà còn là sự chia sẻ, trao đổi, tương tác giữa thầy và trò”. Với suy nghĩ như thế, những đề văn nghị luận xã hội của cô Nguyệt Anh luôn khiến học sinh bất ngờ và hứng thú bởi chất liệu đời sống, bởi nó không đao to búa lớn, không đi theo những lối mòn.

Trong “bộ sưu tập” đề văn “lạ” của cô Nguyệt Anh có những đề cô viết xuất phát từ những sự kiện gây ám ảnh, hoặc suy nghĩ cho nhiều người. Ví dụ như sự cố sập cầu Cần Thơ hay sự cố một hoa hậu bị phát hiện chưa tốt nghiệp THPT sau khi đăng quang. Có một đề văn cô Nguyệt Anh bắt đầu bằng chuyện “Một bé trai đùm trong bọc nilông bị bỏ rơi ven quốc lộ 47 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa...” và yêu cầu học sinh trình bày giả định về nguyên nhân.

Với thể loại văn thuyết minh - một thể loại khô khan, thường học sinh lên mạng tìm kiếm thông tin để lắp vào bài văn. Không muốn học sinh nói theo người khác, cô giáo Nguyệt Anh đã cùng các em đi thực tế. Cô cùng các em tham quan quán chả cá Lã Vọng, trò chuyện với chủ quán, xem cách chế biến để các em viết về ẩm thực Hà Nội, hay yêu cầu các em đọc tất cả các thông tin về Văn Miếu, đến từng di tích hồ Gươm để viết bài thuyết trình. Cho học sinh đi thực tế trước khi viết văn là phương pháp riêng của cô. Khi dạy bài “Những cánh buồm”, cô “xui” học sinh viết điều ước lên những con thuyền giấy, cô trò cùng đi thả. Để thuyết minh về một con đường, cô Nguyệt Anh hướng dẫn học sinh tìm đến con đường mang tên danh nhân các em quan tâm để chụp ảnh, phỏng vấn người dân, tìm thông tin về danh nhân đó.

Không có giải pháp hoàn hảo

Một mình một lối đi, cô Nguyệt Anh không tránh khỏi những tình huống nhạy cảm. Vì khi đề nghị học sinh suy nghĩ theo hướng mở là chấp nhận việc các em tự do phát biểu quan điểm, suy nghĩ. Đã có học sinh thẳng thừng nói: “Tại sao lại phải mặc đồng phục khi đi học nhỉ?” khi làm một đề văn liên quan đến việc này. Và trách nhiệm của cô giáo không chỉ dừng lại ở việc ra đề, chấm bài nữa. Khi đó, những lời phê của cô giáo giống như lời trò chuyện, trao đổi và tranh luận với học sinh để em hiểu “không có giải pháp nào hoàn hảo”.

Nhiều tập bài của cô Nguyệt Anh chấm khiến chúng tôi bật cười vì cách “trò chuyện” độc đáo của cô trò, vừa thể hiện một giáo viên nghiêm khắc, kỹ lưỡng, nhưng cũng đầy cảm thông và trân trọng đối với học sinh.

Một số học sinh học cô Nguyệt Anh cho biết: “Lời phê, nhắn gửi của cô với mỗi học sinh đều được cô đánh máy lại cẩn thận thành một bản gửi cho từng học sinh kèm theo bài kiểm tra. Ai cũng có thể biết cô nhận xét gì về bài của mình, đồng thời qua nhận xét của cô với các bạn cũng hiểu thêm nhiều điều”.

Đó là một thành công lớn

Trong cuốn “Văn nghị luận ở THCS và THPT”, tác giả Hoàng Dân đã dành một phần để giới thiệu những đề nghị luận độc đáo của cô Nguyệt Anh. Ông gọi những việc làm của cô Nguyệt Anh trong cách ra đề, cách trả bài là “góc thầm lặng” nhưng luôn tạo cho học sinh cơ hội quý giá để thể hiện ý kiến của mình. Còn PGS.TS Trần Nho Thìn, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), nhận xét: “Tôi đánh giá cao về cách tư duy ra đề của cô giáo Đặng Nguyệt Anh trong việc khuyến khích học sinh bày tỏ cái tôi, dám nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống bằng chính sự trải nghiệm của các em. Đó là một thành công lớn!”.

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên