24/07/2019 10:56 GMT+7

Có nguy cơ mất nhà vì… bị tòa quên quyền lợi

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Vụ việc hi hữu tại quận 12 (TP.HCM), một căn nhà bị làm hợp đồng đặt cọc, bán từ năm 2008 nhưng phải đến năm 2012 người mua mới xuất hiện và kiện ra tòa đòi nhà.

Có nguy cơ mất nhà vì… bị tòa quên quyền lợi - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Hùng, bà Hạnh trong căn nhà mà họ sắp bị đuổi ra đường - Ảnh: HÀ CHÂU

Vụ việc với người mua cũ chưa xử lý xong thì căn nhà đã được sang tên cho người khác trong khi cả gia đình chủ nhà đang sinh sống ở đó không hề hay biết. Có 3 bản án đã được tuyên (sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm), nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa xong bởi còn nhiều uẩn khúc.

Nhất là sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, Bộ Tư pháp yêu cầu Cục Thi hành án dân sự phải xem xét kỹ và xác minh lại theo đơn tố cáo của công dân.

Ký hợp đồng mua bán nhưng không trả hết tiền

Theo hồ sơ, tháng 12-2008, vợ chồng ông Trương Văn Hùng và bà Lê Thị Mỹ Hạnh (ngụ khu phố 3, phường Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) thỏa thuận bán cho vợ chồng bà Đinh Thị Hồng (cùng ngụ khu phố 3) căn nhà 88/4 đường Hà Huy Giáp (khu phố 3, phường Thạnh Xuân) với giá 2,5 tỉ đồng.

Nhưng do vướng quy hoạch nên hai bên thỏa thuận là ngày 3-12-2008 bên bán nhận tiền cọc là 600 triệu đồng và hai bên ra phòng công chứng số 7 ký hợp đồng mua bán nhà, đồng thời bên bán giao giấy tờ nhà cho bên mua.

Hai bên thỏa thuận nếu quá 30 ngày kể từ ngày 1-4-2009, vợ chồng bà Hồng không thanh toán tiền nhà thì vợ chồng ông Hùng được quyền bán nhà cho người khác.

Ngay sau đó, bà Hồng đã lập một hợp đồng vay nợ bà Hạnh với số tiền là 1,9 tỉ đồng, lãi suất 1,3%/tháng. Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy tờ nhà bà Hồng không trả tiền, cũng không hủy hợp đồng mua bán nhà. Sau đó ông Hùng có trình báo ra Công an Q.12 để yêu cầu giải quyết.

Bất ngờ, năm 2012, gia đình ông Hùng nhận được thông báo của TAND Q.12 về việc thụ lý giải quyết tranh chấp liên quan đến ngôi nhà trên với ông Nguyễn Hữu Đạt. Lúc này gia đình ông Hùng mới tá hỏa khi biết từ năm 2009 bà Hồng đã dùng giấy tờ nhà đi kê khai nộp thuế, đăng bộ sang tên căn nhà trên rồi bán lại cho ông Đạt với giá 1,5 tỉ đồng.

Do căn nhà này gia đình ông Hùng đang ở nên bà Hồng không giao cho ông Đạt được, nên ông Đạt kiện buộc vợ chồng ông Hùng giao nhà (!?).

Có nguy cơ mất nhà vì… bị tòa quên quyền lợi - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Hùng, bà Hạnh trước 3 kiôt không có trong bản án - Ảnh: HÀ CHÂU

Sau đó, ông Hùng cũng kiện ngược lại bà Hồng yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà giữa ông và bà Hồng nhưng bị hai cấp tòa bác yêu cầu. Cụ thể, bản án sơ thẩm bác vì bà Hồng không có ở nơi cư trú, bản án phúc thẩm bác vì ông Hùng không đóng án phí.

Đồng thời, TAND Q.12 và TAND TP.HCM cùng tuyên buộc vợ chồng ông Hùng phải giao nhà cho ông Đạt. Lý do mà các cấp tòa đưa ra là việc mua bán nhà đã hoàn tất do khoản tiền 1,9 tỉ đồng đã được chuyển sang nợ vay, việc kê khai và nộp thuế đăng bộ sang tên là đúng pháp luật, việc bán nhà từ bà Hồng sang cho ông Đạt cũng đúng pháp luật.

Nhiều khuất tất trong việc mua bán

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, Viện KSND cấp cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, theo nhận định của cơ quan này thì hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà giữa vợ chồng ông Hùng và bà Hồng mới chỉ hoàn thành về thủ tục chứ chưa hoàn thành về nguyên tắc hợp đồng dân sự mua bán tài sản vì bà Hồng chưa trả đủ tiền nên đã chuyển sang ghi nợ thành hợp đồng vay.

Nhưng đến tháng 6-2009, bà Hồng vẫn cam kết hẹn trả đủ tiền nợ mua nhà và đất sau một tháng (giấy viết tay). Sau đó bà Hồng không trả theo thỏa thuận. Do đó, phía ông Hùng không giao nhà là đúng với những thỏa thuận và đúng với pháp luật.

Viện KSND cấp cao cho rằng việc tòa sơ thẩm và phúc thẩm tách rời quyền và nghĩa vụ của phía ông Hùng với bà Hồng là không đúng pháp luật, vì là hợp đồng song vụ các bên cùng phải thực hiện nghĩa vụ với nhau. Trong trường hợp này cần phải giải quyết chung trong một vụ án tranh chấp giữa ông Đạt và vợ chồng ông Hùng.

Từ dẫn chứng trên, Viện KSND cấp cao nhận định việc chuyển nhượng giữa bà Hồng và ông Đạt cũng chỉ trên giấy tờ, còn thực tế diễn ra thế nào thì không rõ. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hồng không có mặt, tại phiên phúc thẩm (năm 2016) thì bà Hồng đã qua đời, hai cấp tòa chỉ căn cứ vào lời khai của ông Đạt là đã trả tiền xong (không có giấy tờ biên nhận gì) để khẳng định việc mua bán hoàn thành là thiếu cơ sở vững chắc… 

Do đó, cần hủy bỏ hai bản án để xét xử lại.

Sau quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử giám đốc thẩm tuyên không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND cấp cao, giữ nguyên hai bản án sơ và phúc thẩm.

Có nguy cơ mất nhà vì… bị tòa quên quyền lợi - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Hùng, bà Hạnh ở căn nhà mà họ sắp bị đuổi ra đường - Ảnh: HÀ CHÂU

Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị xem xét kỹ

Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, cơ quan thi hành án Q.12 đã có quyết định thi hành án. Gia đình ông Hùng tiếp tục có đơn gửi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét vì ông bà cho rằng việc mua bán có dấu hiệu lừa đảo.

Tháng 6-2019, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có công văn gửi chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Q.12 đề nghị xem xét, làm rõ một số nội dung liên quan đến đơn khiếu nại và tố cáo của đương sự. 

Ngoài ra, công văn này cũng nêu rõ, bản án sơ thẩm tuyên tài sản tranh chấp là một căn nhà 1 tầng, diện tích xây dựng là 139m2, tường gạch, mái tôn. Tuy nhiên, thực tế ngoài căn nhà nói trên, gia đình ông Hùng có xây dựng thêm một dãy kiôt cho thuê nằm trên diện tích sân của ngôi nhà. Các kiôt nói trên không có trong hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Hùng với bà Hồng và giữa bà Hồng với ông Đạt.

Không tài liệu nào thể hiện việc xây dựng kiôt được thực hiện khi nào, từ trước khi có bản án hay sau khi có các bản án. Do đó, thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng cần phải thận trọng khi thi hành bản án, tránh những hậu quả xấu khó khắc phục có thể xảy ra.

Nhà đang ở bỗng bị… sang tên

Tại trang bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất đã ghi nhận, ngày 12-12-2008 bà Hồng được cập nhật sang tên thì ngày 4-2-2009 giấy này được thế chấp để bảo lãnh cho Công ty TNHH xây dựng Tân Lục Phát để vay tiền.

Sau khi giải chấp, ngày 6-3-2009 bà Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Đạt với giá 1,5 tỉ đồng, sau đó ngày 25-6 ông Đạt cập nhật sang tên cho mình trong khi ngôi nhà vẫn do vợ chồng ông Hùng và các con đang ở.

TTO - Nhiều người mua nhà, đất do không tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của bất động sản dẫn đến “tiền mất tật mang”...

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên