Việc này có gây ảnh hưởng gì tới nhà tôi không? Tôi có thể yêu cầu xóa thông tin địa chỉ nhà tôi trên căn cước công dân người này không?
Bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Vấn đề bạn nêu, căn cứ quy định pháp luật xin được phân tích một số trường hợp liên quan, như sau:
- Trường hợp bạn không phải là chủ sở hữu, chủ hộ trong hộ khẩu tại địa chỉ nhà bạn đang ở, bạn cần biết một số quy định liên quan việc đăng ký thường trú:
Điều 20 Luật cư trú quy định điều kiện đăng ký thường trú
1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó.
b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Như vậy, theo điều 20, tại một địa chỉ nhà ở có thể đăng ký nhiều hộ khẩu, nhiều nhân khẩu thường trú nếu đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
Trường hợp này có thể bạn không phải là chủ hộ trong hộ khẩu, chủ sở hữu của nhà bạn đang ở nên người này đã được chủ sở hữu, chủ hộ đồng ý đăng ký thường trú mà bạn không biết và căn cước của người đó có ghi nội dung đăng ký thường trú tại nhà bạn là đúng quy định.
- Trường hợp bạn là chủ sở hữu, chủ hộ, bạn chưa đồng ý cho người đó đăng ký thường trú tại địa chỉ nhà bạn thì có thể quá trình thu thập dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân của cơ quan công an có sai sót hoặc chính người đó khai nhầm.
Để bảo đảm nguyên tắc thông tin căn cước công dân là phải đầy đủ, chính xác, tránh phiền phức, rủi ro về sau, bạn trình báo đến công an xã, phường nơi bạn đang ở để họ biết. Cơ quan công an có trách nhiệm xác minh và yêu cầu người đó làm thủ tục điều chỉnh thông tin chính xác theo thẩm quyền.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận