Trong nhiều báo cáo tổng kết kinh tế 2023, lãi suất hạ về mức rất thấp được nhắc đến như một điểm nhấn cả năm.
Năm qua, Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt được ví như "cơn gió ngược" khi hầu hết các nền kinh tế lớn duy trì lãi suất cao, thậm chí liên tục tăng lãi suất.
Lãi suất huy động thấp là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí vốn nền kinh tế, thúc đẩy các thị trường khác phát triển.
Hồi kết cuộc đua hạ lãi suất năm 2023
Dữ liệu từ WiGroup, tính đến ngày 30-12, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng toàn hệ thống đã về mức 5%, giảm 3,3 điểm phần trăm so với đầu năm.
Kết thúc "cuộc đua" hạ lãi suất huy động năm 2023, mặt bằng chung đã về vùng thấp lịch sử, thấp hơn cả thời COVID-19.
Trước khi hạ về mức thấp kỷ lục, lãi suất huy động tại các ngân hàng từng được đẩy lên rất cao từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay.
Biến động lãi suất huy động toàn hệ thống từ năm 2018 đến nay - Dữ liệu: WiGroup, Tuổi Trẻ Online
Dữ liệu cũng cho thấy ở kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng thương mại lớn giảm về mức thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại nhỏ với 0,44 điểm phần trăm.
Cụ thể, đến ngày cuối năm 2023, lãi suất huy động bình quân nhóm ngân hàng thương mại lớn đã về 4,78%; trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 5,22%.
Nhìn lại lịch sử dữ liệu, xu hướng lãi suất cao hơn tại các ngân hàng thương mại nhỏ được duy trì qua nhiều năm. Họ cần tăng sức cạnh tranh trong huy động tiền gửi bằng lãi suất hấp dẫn hơn.
Lãi suất các ngân hàng cao - thấp ra sao?
Bảng thống kê từng ngân hàng thể hiện lãi suất huy động thấp nhất vẫn thuộc về Vietcombank với 1,9%/năm kỳ hạn 1 - 2 tháng. Ở kỳ hạn một năm, ngân hàng này duy trì lãi suất 4,8%.
Đáng chú ý, cuối năm một số ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại như PGBank và ABBank. Sau khi bất ngờ tăng trở lại, PGBank đang là ngân hàng có một số kỳ hạn tiền gửi hấp dẫn nhất hệ thống.
Cụ thể, từ ngày 27-12, ABBank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 8 tháng lần lượt lên mức 5,3%/năm và 5%/năm khi gửi trực tuyến.
Còn PGBank tăng lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt lên 4,9% và 5,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,8%, còn 18 tháng trở lên đều vượt 6%/năm.
Về PGBank, sau khi Petrolimex thoái toàn bộ vốn, nhà băng này đã đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển.
Ngân hàng này cũng đã có thay đổi lớn về nhân sự khi có chủ tịch mới là ông Phạm Mạnh Thắng, bà Đinh Thị Huyền Thanh được bổ nhiệm là thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc.
Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận sau thuế quý 3-2023 PGBank giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 45 tỉ đồng. Nguyên nhân giảm chủ yếu do giảm thu nhập lãi thuần.
Theo giải thích PGBank, việc giảm chỉ tiêu này do tình hình hoạt động chung quý 3 của ngành ngân hàng khó dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.
Lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm
Trong khi lãi suất huy động giảm thấp kỷ lục, lãi suất cho vay do độ trễ, mới chỉ giảm khoảng 2 - 2,25% so với đầu năm, theo KBSV.
Việc lãi suất huy động hạ thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường. Do vậy, KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 với khoảng 4,85 - 5,35%. Còn lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75 - 1%.
Các yếu tố tạo dư địa để lãi suất cho vay giảm thêm được chuyên gia đưa ra, như cầu tín dụng phục hồi nhưng khó có đột biến vì khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để. Kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6%.
Bởi vậy, KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt mức quanh 12 - 13%, thấp hơn mức bình quân 14,5% trong 10 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận