15/08/2014 10:18 GMT+7

Có nên “cởi trói” cho bệnh viện công?

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Bộ Y tế vừa trình Chính phủ một số mô hình và cơ chế, chính sách để đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao.

 ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)
Ông Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)

​Trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung này, ông Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), nói:

- Trong phát triển y tế tư nhân thì thiếu nhất là vấn đề nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phải trải qua đào tạo, tuyển chọn mới có được. Thu hút những nhân lực ấy như thế nào? Đề án này khuyến khích những cơ sở y tế công có nhân lực chất lượng cao hợp tác với tư nhân

* Thưa ông, những mô hình hợp tác công - tư nào có thể được triển khai?

- Các mô hình có thể là cho phép bệnh viện công góp vốn với nhà đầu tư, vốn có thể là thương hiệu, đất, tiền và thành lập một đơn vị mới trong bệnh viện, cả bệnh viện công và nhà đầu tư tư nhân cùng quản lý nhưng đất vẫn thuộc về bệnh viện công, liên doanh liên kết nhưng chỉ có thời hạn, sau thời hạn đó phải trả đất cho bệnh viện.

Một mô hình nữa rất được khuyến khích là cho phép bệnh viện công phối hợp với nhà đầu tư xây dựng bệnh viện mới ngoài khuôn viên bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng đang triển khai mô hình này.

Trong đó, đất được Nhà nước cấp theo nghị định 69 là cấp đất sạch để xây dựng bệnh viện hoặc có nhà đầu tư có đất, ví dụ như đất trong khu đô thị và phối hợp xây dựng bệnh viện.

Một mô hình phối hợp nữa là bệnh viện công, Trường ĐH Y dược có thể liên doanh liên kết bằng cách cử cán bộ sang bệnh viện tư làm việc.

Hiện nay mô hình này đã được triển khai nhưng chưa rõ ràng về cơ chế, có khi bệnh viện công và tư cũng ký kết hợp tác đấy nhưng kết quả cũng chưa được nhiều.

Bộ Y tế cũng đang đề nghị chuyển một số bệnh viện chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa cao như Bệnh viện mắt, Bệnh viện Răng hàm mặt sang mô hình doanh nghiệp công ích, tức là cung cấp dịch vụ công nhưng không vì mục đích lợi nhuận.

* Thưa ông, nhìn mô hình này người ta rất dễ lo ngại ngành y tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn lẫn lộn công - tư, khi mà trong công có “tư” thì bệnh viện dễ chú trọng hơn cho các mô hình liên doanh liên kết về đầu tư, về nhân lực giỏi để thu lợi cho mô hình liên doanh?

- Khi phối hợp công - tư luôn đảm bảo nguyên tắc bệnh viện phải có trách nhiệm đảm bảo hoạt động chuyên môn thường xuyên của mình.

Ví dụ bệnh viện có 100 bác sĩ, cử 20 bác sĩ sang mô hình liên kết thì họ lại phải lấy 20 bác si vào đào tạo, nghề y này đào tạo bằng cầm tay chỉ việc là hiệu quả nhất, chứ nếu không có bệnh viện mới, tối đa cơ sở cũ chỉ nhận được bằng ấy bác sĩ thôi thì 20 bác sĩ mới kia bao giờ mới có cơ hội?

Cho phép chia sẻ nhân lực là vì ngành y tế mong việc san sẻ người giỏi, người nòng cốt để đào tạo nâng cao cho những cơ sở mới, nếu không tập trung tất cả những người giỏi vào một chỗ thì những chỗ khác sẽ không có cơ hội phát triển về nhân lực.

Hiện nay có quy định về vị trí việc làm, bệnh viện có 100 giường thì phải có bao nhiêu bác sĩ, y tá, chứ không phải liên doanh liên kết rồi thì bác sĩ sang hết chỗ bệnh viện liên doanh.

* Có một vấn đề là viện phí đã tăng năm 2012, 2013 và cả 2014 này, nhưng chất lượng dịch vụ thì vẫn rất bị kêu ca. Người đồng nghiệp của chúng tôi mới đây vào Trung tâm ung bướu Bệnh viện Bạch Mai thì một phòng bệnh năm giường có hàng chục bệnh nhân.

Nếu mô hình mới chất lượng cao ra đời nhưng vẫn thuộc bệnh viện công thì liệu có chuyện “giá tư, dịch vụ công” không?

- Thông tư 04/2012 hiện hành về giá dịch vụ khám chữa bệnh được xây dựng trên cơ sở các chi phí cấu thành nên dịch vụ, ví dụ như một phim X-quang thì chi phí phim, nhân công, điện nước, bảo trì bão dưỡng máy móc… nhưng hiện người ta mới thu 3/7 cấu phần tạo nên giá dịch vụ ấy và nhiều địa phương cũng mới thu 60-70% của ba cấu phần ấy thôi.

Nếu thu 100% thì đáp ứng đủ chi phí, giờ thu 60-70% thì ngân sách phải bù vào cho đủ, nếu ngân sách không bù thu không đủ chi thì bệnh viện lại có chuyện này chuyện kia.

Chúng tôi mong nhất là ngân sách không cấp cho bệnh viện nữa, mà cấp thẳng bằng bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già… 

Lộ trình đã được Chính phủ cho phép là đến năm 2018 là tính đúng thu đủ viện phí, giờ thì không thu đủ được vì bảo hiểm y tế mới bằng 4,5% lương cơ bản, nếu thu đủ là vỡ quỹ ngay.

* Trở lại chuyện phối hợp công tư, thưa ông, thực tế có chuyện bệnh viện tập trung khai thác máy liên doanh liên kết, để máy nhà nước đầu tư hỏng hóc không thèm sửa chữa khiến người dân tốn thêm tiền cho dịch vụ tư.

Nếu liên doanh kiểu mới thì những câu chuyện này có giải quyết được?

- Trong hai loại máy nhà nước đầu tư và máy liên doanh thì đúng là máy nhà nước thu theo giá nhà nước, còn máy xã hội hóa còn có thêm phần lợi nhuận cho nhà đầu tư, khấu hao máy móc nên giá máy liên doanh cao hơn.

Nhưng khi viện phí tính đúng thu đủ thì giá công bằng giá tư, không có chênh lệch nữa, mà không có lợi thì không ai đầu tư.

Quy định hiện hành (thông tư 15 của Bộ Y tế) nếu bệnh viện không được xã hội hóa nếu trang thiết bị đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Ví dụ như một máy CT một ngày chụp 10-15 ca, nếu bệnh viện có 10-15 người chụp CT/ngày và đã có một máy thì không được xã hội hóa nữa, nếu làm đúng quy định ấy thì sẽ không xảy ra những hệ lụy như cố tình để máy nhà nước đầu tư bị hỏng.

* Bệnh viện công hiện nay ở VN có những “quyền lực” rất lớn, nhiều bệnh viện tư mời bác sĩ công sang làm lương 60-70 triệu đồng/tháng mà bác sĩ cũng không đi, dù ai cũng kêu là lương thầy thuốc thấp.

Sẽ chỉ nâng được chất lượng nếu có những mô hình cạnh tranh được với bệnh viện công, nay Bộ Y tế cho phép Bệnh viện công xây dựng mô hình công chất lượng cao, như vậy thì làm gì có ai cạnh tranh với bệnh viện công được nữa?

- Nếu xây dựng được các Trung tâm điều trị theo nhu cầu thì sẽ có những người có khả năng sang điều trị tại khu vực theo yêu cầu, như vậy là giảm tải cho khu vực còn lại. Hiện có nhiều loại hình bảo hiểm trả bảo hiểm nằm viện đến hàng triệu/ngày.

Các mô hình chất lượng cao sẽ thu hút những bệnh nhân này. Đúng là phải có cạnh tranh mới nâng chất lượng, thì Bộ Y tế đang cho phép bệnh viện tư mượn bác sỹ giỏi ở bệnh viện công sang đây.

Bây giờ y tế tư đang thiếu bác sỹ trẻ giỏi tay nghề, nếu có cơ chế để các bác sỹ ấy một tuần làm việc tại bệnh viện tư mấy giờ thì bác sỹ cũng sẵn sang làm việc, chứ nếu mà sang hẳn thì đúng là còn nhiều vấn đề còn băn khoăn khiến bác sỹ không sang.

Khi bác sỹ giỏi sang làm ở bệnh viện tư thì sẽ giúp đào tạo nhân lực ở khu vực tư, lúc đó sẽ có cạnh tranh công tư, chỗ nào tốt thì người ta vào thôi.

Chính phủ sẽ có nghị quyết về khám, chữa bệnh chất lượng cao

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã có tờ trình về một số mô hình và cơ chế, chính sách để đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Về tờ trình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết căn cứ vào nội dung Nghị quyết Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, xuất phát từ các mô hình cũng như thực tiễn hoạt động y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, giảm quá tải bệnh viện; minh bạch tài chính y tế … chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về nội dung này để tổ chức thực hiện.

Thủ tướng lưu ý các cơ sở y tế xã hội hóa được xây dựng theo mô hình hợp tác công – tư, mô hình doanh nghiệp bệnh viện là để phục vụ chữa bệnh theo yêu cầu, phục vụ cho người bệnh có khả năng chi trả; còn người nghèo, đối tượng chính sách sẽ do Nhà nước đảm bảo chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế.

V.V.THÀNH

 

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên