03/07/2016 09:13 GMT+7

​Có nên xem quá nhiều đáp án tham khảo sau khi thi?

TUẤN MINH
TUẤN MINH

TTO - Thi xong mỗi môn, thí sinh lại liên tục cập nhật đáp án tham khảo từ rất nhiều nguồn khác nhau. Đúng thì mừng, nếu sai, thí sinh sẽ mất tinh thần chuẩn bị cho các môn thi khác.

Thí sinh nên tập trung để làm tốt nhất có thể ở môn thi sau thay vì bị phân tâm sau khi xem đáp án tham khảo và biết mình đã làm sai vài chỗ - Ảnh: Tấn Đạt

Thay vì tạo tâm lý thoải mái để chuẩn bị cho các môn thi tiếp theo, nhiều thí sinh lại liên tục ấn “F5” để liên tục cập nhật các đáp án tham khảo từ thầy cô, bạn bè và các trang thông tin trên mạng rồi đem so sánh với bài làm của mình.

Thí sinh cùng nhau thảo luận lại đáp án sau khi vừa hoàn thành bài làm - Ảnh: Tấn Đạt

Thậm chí, ngay khi bước chân ra khỏi phòng thi, phụ huynh đã có trong tay đáp án tham khảo trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng để hỏi xem con mình có làm giống vậy không.

Thí sinh Lê Kiều Ngân (20 tuổi, ngụ quận 3, thi tại trường Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết đây là lần thứ 2 dự thi THPT Quốc gia. Năm ngoái, Ngân cũng liên tục cập nhật đáp án môn Toán thì biết mình đã làm sai phần tích phân.

“Từ đó, em cứ lo sợ và tiếc hùi hụi. Em nằm cân đong đo đếm môn Toán mất ngần này điểm thì phải gỡ lại bao nhiêu điểm ở các môn còn lại cho đủ ít nhất là điểm trúng tuyển năm vừa rồi. Nặng đầu thêm! Buổi chiều đi thi em thấy áp lực kinh khủng và mất hết tự tin”, Ngân chia sẻ. Rút kinh nghiệm năm nay, Ngân không xem đáp án nữa mà về nhà nghỉ ngơi, ăn uống và thư giãn để chuẩn bị cho những môn thi sau.

“Xem đáp án cũng không giải quyết được vấn đề vì bài cũng đã làm rồi, nộp rồi. Đúng hay sai thì môn sau vẫn phải cố gắng thi để đạt được điểm cao nhất có thể. Đó mới là điều quan trọng nhất. Vậy thì tại sao phải khiến đầu óc phân tâm bởi các bài giải tham khảo rồi làm bản thân mất tinh thần ở những môn thi sau?”, Trần Công Ninh (18 tuổi, ngụ quận 5, thi tại ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết sau khi vừa hoàn thành bài thi môn Toán.

Đừng nhồi nhét ở phút thứ 89

Lê Thị Hồng Hà (sinh viên năm 3, ĐH Sư phạm TPHCM) các môn khoa học tự nhiên thì có thể biết khá sát điểm do đúng sai rất rõ ràng.

Tuy nhiên, các môn khoa học xã hội thì giám khảo chấm bài ngoài ba-rem điểm thì họ còn rất linh động, không phải có hết ý trong ba-rem là điểm cao mà thiếu ý là điểm thấp, không nhất thiết phải cứng nhắc như đáp án. Vì thế, thí sinh nên tập trung để thi tốt các môn học sau và đợi đáp án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Kinh nghiệm của mình là cứ thi xong hết một môn thì thư giãn đầu óc, không xem đáp án quá nhiều rồi phân tâm, lo sợ nếu làm không giống đáp án. Đặc biệt, thí sinh không nên chỉ còn vài tiếng đồng hồ mà tranh thủ nhồi nhét vào phút thứ 89, cố học thêm những kiến thức mới rồi làm xáo trộn lung tung, nhớ nhớ quên quên các kiến thức đã học. Mất cả chì lẫn chài như chơi!”, Hồng Hà nhấn mạnh.

“Những kì thi quan trọng như vậy phải được trau dồi, thấm dần kiến thức, rèn luyện kĩ năng qua thời gian lâu dài. Nó không phải là những kì thi học vội, học hên xui, học đại lỡ may trúng đề nên vài tiếng nhồi nhét thêm chỉ làm thí sinh thêm rối trí”, Hồng Hà nhận xét.

Ngoài việc tạo tâm lý thoải mái bằng cách ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng, trước giờ “ra trận”, điều thí sinh nên làm là nghe rõ quy định phòng thi, mang đầy đủ giấy tờ và bút viết.

“Chứ không phải là cứ chăm chăm giữ kiến thức trong đầu vì sợ nó bay đi mất. Càng cố gắng nhớ theo kiểu không hiểu bài, nhớ bằng cách thuộc lòng, học vẹt thì càng nhanh quên hoặc bị nhầm lẫn với những kiến thức có nội dung gần giống nhau”, Hồng Hà chia sẻ.

TUẤN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên