12/05/2013 09:00 GMT+7

Có nên truy đuổi người vi phạm nhẹ?

C.MAI - G.MINH - L.HOÀI ghi
C.MAI - G.MINH - L.HOÀI ghi

TT - Thời gian qua, nhiều trường hợp lái xe máy vi phạm giao thông hoặc không đội mũ bảo hiểm theo quy định, bị thổi phạt rồi bỏ chạy dẫn tới những cuộc truy đuổi giữa người thi hành công vụ và người vi phạm. Không ít vụ việc đã để lại hậu quả đáng tiếc.

F7TJYNhb.jpgPhóng to
Nếu xử lý tốt đã không xảy ra cảnh đụng độ căng thẳng giữa người dân và chiến sĩ công an như thế này - Ảnh cắt từ video clip

Vậy nên hay không nên truy đuổi trong trường hợp này? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của những người trong và ngoài ngành công an, và mong bạn đọc góp thêm ý kiến về vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này.

* Đại tá Nguyễn Đức Chung (giám đốc Công an Hà Nội):

Không khuyến khích CSGT bám cần gạt nước, leo nắp capô

Bản thân tôi và ban giám đốc Công an thành phố đã quán triệt với cán bộ chiến sĩ ngành giao thông là không ủng hộ việc cảnh sát giao thông (CSGT) cứ đu người bám vào cần gạt nước, vì như thế rất nguy hiểm tính mạng của chính bản thân người làm nhiệm vụ. Thứ hai, làm thế sẽ khiến giảm uy tín của lực lượng công an.

Với những trường hợp chống đối, lực lượng CSGT còn nhiều biện pháp khác, ví dụ như dùng bút ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm sau đó cung cấp cho lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc, truy xét, xử lý. Trong các cuộc họp, hội nghị nghiệp vụ, ban giám đốc luôn quán triệt lực lượng công an trong quá trình thực thi công vụ phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo vừa xử phạt nghiêm minh, đúng đối tượng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc pháp luật phải được thượng tôn.

* Trung tá Đỗ Chí Hà (đội CSGT Công an Q.8, TP.HCM):

Không cần thiết

Việc chúng tôi tập trung kiểm tra, xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH không có tem chứng nhận hợp chuẩn theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền là cần thiết. Tuy nhiên, việc có truy đuổi người vi phạm lỗi không đội MBH, đội MBH không có tem hợp chuẩn chất lượng khi họ không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT thì cần cân nhắc. Theo quan điểm của tôi, việc truy đuổi là không cần thiết. Không chỉ lỗi không đội MBH mà ngay cả những lỗi vi phạm thông thường khác, nếu không phải lỗi gây nguy hiểm trực tiếp cho người đi đường hoặc không phải tội phạm đang bỏ trốn, cũng không cần thiết phải truy đuổi.

Các tổ tuần tra của chúng tôi không chỉ có một vị trí, vì vậy khi phát hiện người vi phạm bỏ chạy, chúng tôi có thể thông tin cho các tổ, nhóm khác để phối hợp chặn bắt, xử lý. Khi biện pháp phối hợp chặn bắt không hiệu quả, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi hoàn toàn có thể ghi nhận đặc điểm, nhận dạng của người điều khiển phương tiện, dấu hiệu của xe và biển số đăng ký để gửi giấy mời về tận nhà người vi phạm, lập biên bản, ra quyết định “phạt nguội”.

* Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (tòa hình sự TAND TP.HCM):

Cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn

Việc CSGT dùng xe công vụ để đuổi theo người vi phạm sau khi đã có hiệu lệnh dừng xe mà người vi phạm vẫn tiếp tục bỏ chạy là cần thiết, để đảm bảo kỷ cương, trật tự xã hội. Nếu người vi phạm nào cũng cố tình phớt lờ, không chấp hành hiệu lệnh, việc kiểm tra của CSGT thì trật tự xã hội sẽ không còn. Không thể để tình trạng CSGT yêu cầu dừng xe mà người đi đường thích thì dừng, không thích thì cứ tự do bỏ đi. Dù chưa biết yêu cầu dừng xe của CSGT là đúng hay không nhưng CSGT là những người được Nhà nước trao quyền để thực thi công vụ thì trách nhiệm công dân là phải chấp hành trước đã.

Trong những trường hợp người vi phạm cố tình bỏ chạy khiến CSGT buộc phải đuổi theo mới chịu dừng xe thì cũng cần coi là tình tiết tăng nặng để đưa ra mức xử phạt cao hơn những người chấp hành hiệu lệnh. Tuy nhiên vi phạm giao thông chỉ là vi phạm nhỏ, không phải là tội phạm có khả năng gây nguy hiểm đến nỗi CSGT phải truy bắt bằng được. Việc quyết định các tình huống truy đuổi, CSGT cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực, đúng pháp luật. Có nhiều trường hợp vì tức giận mà CSGT đã có thái độ thiếu tôn trọng, xúc phạm người dân hay đánh, đạp xe, gây nguy hiểm cho người vi phạm thì những CSGT này cần phải bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự do hậu quả mình gây ra.

* Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không nên

CSGT không cần thiết phải truy đuổi người vi phạm nhẹ như không đội MBH khi đi đường, vượt đèn đỏ hay các lỗi vi phạm đơn giản khác. Người dân không đội MBH chỉ vi phạm Luật giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm nên tuyệt đối CSGT không được dùng vũ lực để trấn áp khi truy đuổi. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong quá trình truy đuổi của CSGT phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng các loại công cụ hỗ trợ này.

Những người vi phạm với lỗi nhẹ nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT được quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn. Những việc này đều đã được quy định trong quy trình về kiểm tra, kiểm soát giao thông.

Không đuổi bắt khi không cần thiết

Như Tuổi Trẻ ngày 9-5 đã thông tin, ngày 8-5 trên mạng Internet xuất hiện đoạn video clip ghi lại hình ảnh vụ xô xát giữa lực lượng CSGT huyện Đắk Mil (Đắk Nông) với một nhóm thanh niên sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm tại xã Đắk N’Rót (Đắk Mil) ngày 30-4 tại đường liên thôn khu vực giáp ranh thôn 4 và thôn 8. Vụ xô xát này khiến Hoàng Văn Hợp (22 tuổi, trú tại thôn 8, xã Đắk N’Rót) bị thương ở mặt phải nhập viện.

Trung tá Đinh Văn Hiếu, đội trưởng đội CSGT Công an huyện Đắk Mil, nói sự việc chiều 30-4 tại địa bàn xã Đắk N’Rót là rất đáng tiếc và nếu xử lý tốt đã không xảy ra cảnh đụng độ căng thẳng giữa người dân và chiến sĩ công an. Ông Hiếu cũng cho biết về nguyên tắc, với vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu..., CSGT không cần thiết phải đuổi bắt bằng được người vi phạm vì đó chỉ là vi phạm về hành chính. Nếu người vi phạm không chấp hành yêu cầu dừng xe của CSGT mà bỏ chạy thì có thể quay phim, chụp hình lại biển số xe để phối hợp với chính quyền, công an địa phương xử lý chứ không rượt đuổi gây nguy hiểm cho người vi phạm và người đi đường. Đội CSGT huyện Đắk Mil đã chỉ đạo tất cả cán bộ chiến sĩ phải thống nhất không đuổi bắt người vi phạm giao thông khi không cần thiết. Còn đối với những trường hợp lực lượng CSGT đang tuần tra trên đường phát hiện đối tượng hình sự như trộm cắp, cướp giật thì phải đuổi bắt đến cùng.

TR.TÂN ghi

C.MAI - G.MINH - L.HOÀI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên