Theo bà Trần Thị Ánh Tuyết - hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê II, nơi tổ chức lễ tổng kết năm học "như tiệc cưới" - chi phí cho bữa liên hoan này chỉ khoảng 12 triệu đồng do đơn vị cho thuê địa điểm đài thọ 100% chi phí, không thu tiền của phụ huynh.
Bà Tuyết cũng cho biết bữa tiệc chỉ là một phần trong chuỗi hoạt động tổng kết cho học sinh cuối cấp chứ không phải buổi lễ tổng kết được thay thế bằng bữa tiệc.
"Khá phổ biến"
Việc tổ chức liên hoan hoành tráng cho học sinh cuối cấp gồm học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 trước khi các em ra trường, chuyển cấp hoặc kết thúc thời phổ thông khá phổ biến ở nhiều nơi.
Chị Hằng Nga - trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một trường THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết thời điểm này đặt chỗ ở những hệ thống nhà hàng nổi tiếng, có không gian rộng rất khó vì đã kín chỗ.
Có những trường tổ chức nhiều hoạt động tại trường và kết thúc bằng bữa tiệc hoành tráng.
Nhưng như trường nơi con chị Nga đang học, mọi hoạt động gồm lễ tổng kết năm học, lễ tri ân trưởng thành, gala sinh nhật tuổi 18 đều được chọn tổ chức tại một nhà hàng nổi tiếng. "Năm nay rất nắng nóng nên để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, trường quyết định chọn địa điểm trong nhà, có điều hòa" - chị Hằng Nga cho biết.
Việc ăn tiệc hoành tráng trong sự kiện chia tay của học sinh cũng có những quan điểm khác nhau.
Anh Việt Hoàng - một doanh nhân có con học lớp 9 và lớp 12, trưởng ban đại diện cha mẹ nơi con học lớp 12 - cho biết phần lớn cha mẹ đều đồng thuận với việc tổ chức một buổi liên hoan cho học sinh.
"Trong những hoạt động khác nhau thì tổ chức một bữa ăn cũng không có gì ghê gớm như dư luận chỉ trích. Bọn trẻ được đánh chén một bữa, được quậy hết mình, để xả stress sau những tuần ôn tập, trước khi bước vào kỳ thi. Nhìn vào mặt tích cực thì cũng tốt.
Dĩ nhiên nhà trường và ban đại diện sẽ phải xem xét đến yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, cách thức tổ chức để không khiến một bộ phận học sinh gặp khó khăn về kinh phí" - anh Hoàng bày tỏ.
Trái ngược với quan điểm của anh Hoàng, nhiều phụ huynh không đồng tình với việc tổ chức các hoạt động tốn kém cho học sinh cuối cấp.
Theo phụ huynh một trường khác ở Hà Nội có con học lớp 12 thì nhiều hoạt động của trường, lớp khá tốn kém.
"Riêng việc chụp ảnh kỷ yếu chi phí tới 70 triệu đồng. Tiền tổ chức liên hoan ra trường 500.000 đồng/học sinh. Phụ huynh đi theo phải đóng thêm tiền. Điều cơ bản tôi không thấy có ý nghĩa gì với những việc quá tốn kém như vậy" - đây là ý kiến một phụ huynh trong nhóm lớp và ý kiến này cũng gây tranh cãi.
Số đồng quan điểm với phụ huynh này ít hơn nhiều so với số muốn chiều các con "ăn chơi hoành tráng".
Để có hoạt động ý nghĩa cho học sinh
Cô Phạm Thanh Thủy - phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - cho biết hoạt động dành cho học sinh lớp 12 của trường không phải chỉ gói gọn trong một sự kiện mà là một chuỗi sự kiện.
Trong đó có những sự kiện do học sinh tự lên ý tưởng, chuẩn bị với sự phối hợp của ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo. Mỗi hoạt động mang tới một cảm xúc, ý nghĩa và đều hướng tới mục đích để lại một dấu ấn đẹp đẽ trước khi học sinh chia tay "ngôi nhà thứ hai" của mình.
Cô Thủy cho biết chuỗi sự kiện của trường dành cho học sinh khối 12 năm nay có chủ đề "Thanh âm ký ức".
Trong đó có loạt hoạt động sôi động như "đại chiến bóng nước", các sự kiện văn nghệ, trò chơi để học sinh được xả mọi mệt mỏi, căng thẳng.
Ký ức tuổi học trò cũng được ghi lại qua hình thức chia sẻ tâm sự qua link form và được phát thanh qua loa trước toàn trường vào giờ ra chơi 15 phút hằng ngày của tuần học cuối cùng. Hay các buổi ký lưu bút, checkin ghi lại khoảnh khắc đẹp của tuổi học trò trên sân trường…
Theo cô Thủy, bên cạnh các hoạt động vui vẻ, trường cũng có những sự kiện mang nhiều ý nghĩa khiến học sinh trải nghiệm những khoảnh khắc thiêng liêng, rưng rưng.
Đó là lễ chào cờ cuối cùng trên sân trường và lễ tri ân trưởng thành để học sinh bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, chia sẻ với bạn bè những tình cảm ngọt ngào, sâu lắng.
Cô Cao Tố Nga - hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) - "bật mí" một trong những điều ngọt ngào mà chính các em học sinh tự làm cho sự kiện "chia tay để bước tiếp".
Đó là video ghi lại những khoảnh khắc gần 1.000 ngày của khóa học sinh ra trường năm nay. Mở đầu video này là lời trích dẫn từ bản tin truyền hình "Hà Nội có ca COVID-19 đầu tiên và là ca thứ 17 của cả nước".
Nó khiến nhiều người được nhắc lại khóa học sinh ra trường năm nay rất đặc biệt vì các em có hơn hai năm vừa học vừa ứng phó với đại dịch.
Những khó khăn đã đi qua lại trở thành kỷ niệm về sự đồng sức đồng lòng, sự chia sẻ, thấu hiểu của phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh.
Sự sáng tạo của học sinh được thầy cô hưởng ứng, hỗ trợ là cách để các trường tạo ra những hoạt động ý nghĩa.
Nhìn lại kỷ niệm với thầy cô, cha mẹ
Không giống với buổi tổng kết, bế giảng năm học, lễ tri ân trưởng thành là sự kiện được hầu hết các trường THPT tổ chức nhiều năm qua.
Nhưng có một số trường chỉ dừng lại ở sự kiện văn nghệ, giải trí cho học sinh. Một số trường khác đã biến sự kiện thành "tiết học cuối cùng" mang nhiều cảm xúc về lòng biết ơn.
Cụ thể, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) dành nhiều thời gian của buổi lễ để học sinh nhìn lại kỷ niệm với từng thầy cô, với cha mẹ qua những chia sẻ nhiều chiều của cha mẹ với con, thầy cô với học sinh và học sinh với thầy cô, cha mẹ của mình.
Ở sự kiện của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), bài học cuối cùng dành cho học sinh cũng được cô hiệu trưởng dẫn dắt.
Có những điều giản đơn như nói lời "cảm ơn, xin lỗi" hay cất tiếng nói "con yêu bố, mẹ", hay một vòng tay ôm thân thiết lại vô cùng khó khăn. Nhưng nó đã được cất lên, được thể hiện tự nhiên, cảm xúc ở "tiết học cuối cùng"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận