Đại biểu phát biểu tại hội thảo sáng 13-12 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hội thảo khoa học chuyên đề "Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên" do Văn phòng chương trình khoa học giáo dục - Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức tại sáng 13-12 đã có nhiều ý kiến tranh luận khá sôi nổi về chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Bà Khiếu Thị Nhàn - chánh văn phòng chương trình khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã ban hành và thực thi nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển đội ngũ giáo viên, trong đó chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có nhiều tác động tích cực.
Tuy nhiên, trên thực tế những năm gần đây một số ngành sư phạm có điểm chuẩn đầu vào tương đối thấp dẫn đến sự lo lắng, băn khoăn về chất lượng đào tạo sư phạm.
"Vì vậy câu hỏi đặt ra là chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm có thực sự còn hiệu quả trong giai đoạn hiện nay? Thông qua các tham luận, ý kiến trao đổi trực tiếp của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tại hội thảo này để có thể đề xuất các giải pháp mang tính khả thi cao, kiến nghị lên Bộ GD-ĐT và các cấp cao hơn", bà Nhàn nói.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1998, tuy nhiên đến nay hầu như chưa có công trình nghiên cứu có hệ thống và chuyên sâu nào về tác động của chính sách này đối với động cơ học tập của sinh viên sư phạm.
"Cần xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc, công bằng và thấu đáo về chính sách này. Khuynh hướng điều chỉnh chính sách bằng những giải pháp khác là điều cần cân nhắc.
Tuy nhiên cần đảm bảo hướng đến chính sách cho đầu ra về lương bổng song song với sự chuyển đổi hình thức hay chọn lọc trọng điểm cho nhóm sinh viên có tiềm lực trở thành giáo viên giỏi sẽ có thể là lựa chọn hiệu quả.
Đây là vấn đề quan trọng mà chính sách không thu học phí sinh viên sư phạm ở Việt Nam cần xem xét và định hướng điều chỉnh hay thay đổi cấp thiết", ông Sơn kiến nghị.
Trong khi đó, TS Trần Lương - khoa sư phạm Trường ĐH Cần Thơ, lại cho rằng chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm không những có tác động thu hút mà còn tạo cơ hội, điều kiện cho một số lượng khá đông sinh viên theo học ngành sư phạm.
"Nếu chính sách này không còn được tiếp tục áp dụng sẽ khó thu hút sinh viên vào ngành sư phạm hơn", ông Lương khẳng định.
Đồng thời, ông Lương nêu ra kết quả nghiên cứu cho thấy có 50,5% sinh viên chọn ngành sư phạm do được miễn học phí. Nếu ngành sư phạm sẽ phải đóng học phí, có 55,8% sinh viên nói học sẽ bỏ học. 22,1% sinh viên khẳng định họ vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí.
Tương tự, bà Đồng Anh Đào - giáo viên Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ cũng khẳng định: "Việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm để thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục có thể duy trì. Nhưng cũng cần xem xét những hạn chế của chính sách này trên bình diện áp dụng song song với việc xem xét sự tương tác với các điều kiện thực tiễn để có những điều chỉnh thực sự thuyết phục".
Theo bạn, trong tình hình hiện tại có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm? Nếu không miễn, liệu ngành sư phạm có "ế" người học? Mời bạn gửi ý kiến ở ô Bình luận dưới bài, email đến địa chỉ [email protected] (vui lòng gõ tiếng Việt có dấu) hoặc tham gia Thăm dò ý kiến bên dưới. Cảm ơn bạn!
Thăm dò ý kiến
Với việc điểm đầu vào ngành sư phạm tương đối thấp, có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận