Nếu những người bệnh luôn mong đợi đội ngũ y bác sĩ trong sạch lại cứ phong bì, quà cáp thì đến bao giờ bộ trưởng Bộ Y tế mới trả lời được câu hỏi: “Khi nào ngành y tế hết tiêu cực?” |
Trước khi vào viện, tôi có nỗi ám ảnh những “tai tiếng” của ngành y tế gần đây. Hơn nữa, tôi có nỗi lo sợ của đợt nằm viện vì bệnh viêm xoang gần 10 năm trước.
Thái độ của y bác sĩ đến nay tôi vẫn chưa quên. Hộ lý nạt nộ bệnh nhân như con, mỗi lần làm vệ sinh phòng cứ khua ầm ầm, miệng lầm bầm rủa sả bệnh nhân không biết giữ vệ sinh chung (mà theo những người chung phòng thì muốn nhẹ nhàng hãy giúi cho họ ít chục...).
Sợ nhất là đến giờ hút xoang, nếu không rón rén nhét vào túi áo màu trắng kia đôi “tờ” là y như rằng cái ống đút vào mũi chọc đau tới óc, chưa kịp quay người theo ý bác sĩ là những câu mệnh lệnh ngắn hết cỡ, nặng nề cũng hết cỡ lại được huy động tối đa, để rồi khi bước xuống phòng làm thuốc là bệnh nhân xây xẩm mặt mày...
Ngày 28-7-2014, tôi nhập viện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM với tấm thẻ bảo hiểm y tế và được xếp lịch mổ vào hôm sau. Cô y tá vui vẻ đưa tôi và ba người khác cùng lịch mổ đi làm các xét nghiệm, X-quang, điện tim...
Vừa đi chúng tôi vừa nói chuyện rất vui vẻ khiến tôi phần nào bớt lo lắng và căng thẳng. Tuy nhiên, đêm trước khi mổ tôi vẫn lo sợ thức trắng đêm.
Tôi sang phòng bên hỏi dò những người đã mổ xong xem cách thức “phong bì” thế nào, đưa cho ai... nhưng tất cả bảo không cần, chẳng thấy ai làm điều đó nên cũng không làm, tôi nửa tin nửa ngờ...
Buổi sáng, vừa được y tá đến gọi vào phòng mổ, tôi lập cập chân nọ đá chân kia đi theo họ, người nhà lặng lẽ theo sau (tôi quên cả chiếc phong bì đã chuẩn bị).
Qua cửa phòng gây mê - phẫu thuật, một bác sĩ (tôi đoán còn rất trẻ) đon đả đỡ vai tôi vào phía trong. Khi tôi đang loay hoay chưa biết làm gì thì bác sĩ đã nhẹ nhàng hướng dẫn tôi làm theo yêu cầu.
Tôi được gây tê tủy sống, một nửa thân người vẫn tỉnh táo để có thể trò chuyện cùng họ, được xem công việc họ đang làm qua màn hình tivi nhỏ bên cạnh và giải thích tỉ mỉ từng tí.
Tôi không còn cảm giác sợ hãi... Ca phẫu thuật gần một giờ mới hoàn thành, tôi được đưa ra phòng hồi sức. Y tá, điều dưỡng theo dõi chu đáo, hỏi han tận tình tình trạng sức khỏe của tôi.
Một ngày, một đêm trong phòng mổ và phòng hồi sức tôi mới thấy hết sự nhọc nhằn của các y, bác sĩ. Tôi thấy áy náy và chưa thôi suy nghĩ đến chiếc “phong bì” để cảm ơn họ.
Những ngày nằm viện tôi thấy được sự đổi thay ở các y bác sĩ trong cách đối xử với bệnh nhân. Mỗi ngày, hộ lý đến làm vệ sinh phòng bệnh cũng rất nhẹ nhàng, họ lặng lẽ quét lau, dù có đôi người còn thiếu ý thức vứt bừa túi nilông, vỏ chai nước ngọt ra hành lang.
Khi tôi trao đổi nhận xét này, nhiều bệnh nhân nằm cùng phòng tôi là những cán bộ nghỉ hưu đã nhiều lần điều trị tại bệnh viện này cũng thừa nhận sự tiến bộ rõ rệt trong thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.
Xuất viện, tôi ngồi ở ghế đá dự tính có ít quà để vào cảm ơn các bác sĩ, y tá đã giúp đỡ tôi. Rồi tôi lại phân vân.
Có phải chăng tôi và nhiều người đang chờ đợi sự thay đổi như thế này từ lâu lắm rồi? Có phải chăng tất cả y bác sĩ đều vòi vĩnh bệnh nhân, hay chỉ là những người bệnh đã tự mặc định về điều này để rồi tiếp tay làm vấy bẩn màu áo trắng của họ?
Nếu những người bệnh luôn mong đợi đội ngũ y bác sĩ trong sạch lại cứ phong bì, quà cáp thì đến bao giờ bộ trưởng Bộ Y tế mới trả lời được câu hỏi: “Khi nào ngành y tế hết tiêu cực?”.
Tôi quả quyết ra về, không gửi phong bì, không biếu quà cáp. Tôi chỉ gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến người trực tiếp theo dõi và điều trị bệnh cho tôi với niềm tin rằng “cây y đức đã đơm hoa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận