17/08/2019 19:51 GMT+7

Có nên giữ quỹ bảo trì đường bộ?

HOÀNG DŨNG ghi
HOÀNG DŨNG ghi

TTO - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bãi bỏ hoặc có lộ trình bãi bỏ quỹ bảo trì đường bộ. Kiến nghị này được các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải đồng tình. Nhưng bỏ ngay có ổn không?

Có nên giữ quỹ bảo trì đường bộ? - Ảnh 1.

Mặt đường trên quốc lộ 1A, Q.12, TP.HCM bị xuống cấp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Và nếu giữ có nên thay đổi phương thức thu quỹ? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Anh Trần Đăng Khoa (chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Q.7, TP.HCM):

Khổ vì phí chồng phí

Hầu hết doanh nghiệp vận tải vô cùng bức xúc vì mỗi năm phải chịu "phí chồng phí" để xe lăn bánh. Hàng chục loại thuế phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ, phí xăng dầu, phí bình ổn xăng dầu, phí kiểm định ôtô, phí bảo hiểm, phí trông gửi xe, phí bảo trì đường bộ... 

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ thắc mắc tại sao chủ xe vừa phải đóng phí đường bộ hằng năm, vừa bị thu thêm phí khi qua trạm thu phí đường bộ BOT.

Trong khi đó các trạm thu phí BOT mọc lên ngày càng nhiều, rải khắp các tỉnh bủa vây doanh nghiệp. Thậm chí, có những con đường cứ vài chục cây số lại thấy một trạm BOT. 

Ví dụ cụ thể như doanh nghiệp của tôi chủ yếu vận tải hàng từ TP.HCM - Bình Phước (và ngược lại). 

Chỉ tính trên tuyến đường ĐT741 từ thị xã Phước Long về TP.HCM có tới 6 trạm thu phí gồm trạm Bù Nho, Đồng Xoài, Tân Lập, Bố Lá, Suối Giữa và Lái Thiêu, khoảng cách giữa các trạm này dài nhất là 58km, ngắn nhất chỉ 17,2km...

Không chỉ vậy, tuyến đường đặt trạm thu phí ĐT741 bị hư hỏng trầm trọng, đường có nhiều ổ voi, ổ gà nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông. 

Chỉ tính sơ sơ, doanh nghiệp của tôi mỗi năm phải mất hơn 1 tỉ đồng để trả phí khi đi qua các trạm chứ không ít.

Các loại thuế và phí đều tăng cùng với giá xăng dầu tăng làm giá thành vận tải tăng, giá cước vận tải biến động tăng liên tiếp tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của ngành vận tải ôtô. 

Trước thực trạng này, không ít doanh nghiệp lao đao, đành bán xe, giải thể doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc bãi bỏ quỹ bảo trì đường bộ, các bộ ngành cũng cần rà soát giảm thiểu một số loại thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp giảm đi gánh nặng.

Chúng ta cũng có thể nghiên cứu theo phương án giữ lại quỹ bảo trì đường bộ cho địa phương tự thu, tự chi, dẹp bỏ bớt các trạm thu phí BOT.

Ông Lê Thành Thảo (chủ doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM):

Thu phí hằng tháng và tăng cường công tác quản lý

Việc bãi bỏ hay tiếp tục duy trì hoạt động quỹ bảo trì đường bộ không quan trọng. Vấn đề cốt lõi là phải quản lý và sử dụng nguồn quỹ này sao cho hiệu quả, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch.

Các doanh nghiệp vận tải đóng quỹ bảo trì đường bộ thường niên nhưng chúng tôi không rõ quỹ này hoạt động như thế nào, kinh phí sử dụng vào mục đích gì. 

Nếu cơ quan quản lý có thể công khai thông tin số tiền trong quỹ và hiệu quả sử dụng bảo trì đường sá, hạ tầng thì tiếp tục duy trì quỹ.

Khi quỹ tiếp tục hoạt động, phương thức thu quỹ nên có sự thay đổi. Chẳng hạn, nên quy định thu phí hằng tháng, quý, năm với các loại phương tiện. 

Riêng đối với phương tiện kinh doanh vận tải áp dụng mức thu phí hằng tháng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì hoạt động vận tải.

Song song với việc thu phí để bảo trì đường bộ, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi phí giao thông, chất lượng công trình giao thông đường bộ sao cho giá cả hợp lý và chất lượng phù hợp thì phí bảo trì đường bộ sẽ thấp đi.

Khi áp dụng thu phí bảo trì đường bộ phải dỡ bỏ ngay các trạm thu phí do Nhà nước quản lý, bỏ phí bảo trì đường bộ trên giá vé của các trạm thu phí BOT.

Ông Nguyễn Văn Quyền (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN):

Cần cơ chế chi ngân sách linh hoạt

Theo tôi, bỏ quỹ bảo trì đường bộ nhưng vẫn tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết vì việc thu phí bảo trì đường bộ đang thực hiện theo điều 49 Luật giao thông đường bộ.

Hơn nữa, việc duy trì phí bảo trì đường bộ nhằm bảo đảm lợi ích chung, đáp ứng các yêu cầu bảo trì đường bộ, bảo trì hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.

Nhưng việc giao ngân sách theo kế hoạch thường chậm so với yêu cầu của công tác quản lý bảo trì đường bộ.

Việc quản lý bảo trì đường bộ lâu nay linh hoạt nên các cơ quan quản lý có thể lên kế hoạch bảo trì đường bộ từ cuối năm trước, thực hiện bảo trì ngay từ đầu năm để tận dụng thời tiết mùa khô, giảm chi phí.

Nếu thực hiện các bước theo Luật ngân sách nhà nước thì việc giao kế hoạch vốn bảo trì sẽ khoảng tháng 4 hằng năm và thời điểm bảo trì sẽ rơi vào mùa mưa, tốn kém hơn.

Việc chuyển sang quản lý theo quy định của Luật ngân sách nhà nước là cần thiết nhưng phải có một cơ chế linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo trì đường bộ.

ĐẶNG TUÂN ghi

Chủ xe ủng hộ bỏ Quỹ bảo trì đường bộ

TTO - Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bãi bỏ hoặc có lộ trình bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ. Bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ là hoàn toàn hợp lý bởi quỹ này hoạt động không hiệu quả.

HOÀNG DŨNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên