Có nên dạy cầu thủ trẻ tiểu xảo?

ANH NGỌC 07/01/2017 02:01 GMT+7

TTCT - Phút bù giờ của trận đấu gặp U-21 Myanmar tại Giải U-21 báo Thanh Niên 2016, phóng viên bắt gặp hình ảnh HLV Phạm Minh Đức ra sức chỉ đạo các tuyển thủ U-21 VN câu giờ bằng cách đưa bóng về cột cờ góc.

Hình ảnh HLV Phạm Minh Đức vừa chỉ tay vào đồng hồ vừa kêu gọi các cầu thủ U-21 VN câu giờ ở cuối trận đấu với U-21 Myanmar-N.K.
Hình ảnh HLV Phạm Minh Đức vừa chỉ tay vào đồng hồ vừa kêu gọi các cầu thủ U-21 VN câu giờ ở cuối trận đấu với U-21 Myanmar-N.K.


 Đối phương gỡ hòa ở giây cuối và vị HLV này tỏ ra bực tức vì học trò không làm đúng ý đồ của ông. Sau trận, ngay trên đường pitch, ông Đức thậm chí còn mắng cả đội: “Nếu nghe lời tôi thì các bạn đã không thua”.

Một phần của bóng đá

Thực tế không phải U-21 VN không có ý câu giờ để bảo toàn tỉ số cách biệt một bàn. Họ làm theo đúng yêu cầu của HLV Minh Đức, nhưng chỉ có một lần chuyền bóng đến đúng vị trí cần thiết. Có vẻ những cầu thủ trẻ này chưa sẵn sàng cho những tình huống cần phải dùng đến thủ thuật như vậy.

“Khi đào tạo trẻ, không ai hướng cầu thủ đến cái phi bóng đá hay phạm luật - HLV Phan Thanh Hùng, người từng có thời gian dài dẫn dắt đội trẻ Đà Nẵng với hai chức vô địch U-21 quốc gia, trao đổi - Tiểu xảo là tự phát của cầu thủ, chứ chẳng HLV nào dạy những thứ đó cả. Họ phải dành thời gian rèn những yếu tố khác cho các em”.

Quan điểm của khá nhiều HLV lứa trẻ ở VN là không để các học trò làm quen với những tiểu xảo, ví dụ như câu giờ, ăn vạ hay đá xấu trong các buổi tập thường ngày.

Tư tưởng đó là rất hợp lý, nhưng việc cách ly các cầu thủ với mặt xấu của cuộc chơi trong quá trình rèn luyện liệu có phải là cách làm thật sự hiệu quả?

Trên một góc độ nào đó, có thể chính điều này đã dẫn đến sự xuất hiện tự phát của những pha bóng xấu ở mỗi cầu thủ.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế lại cho rằng: “Các HLV thường tập trung vào việc dạy cầu thủ cách đá bóng. Khi ra sân họ sẽ làm đúng như vậy và phải tự mình “sáng tạo”, ví dụ như vào bóng thế này thế kia”.

Tất nhiên không thể đòi hỏi tất cả các đội phải thi đấu cống hiến một cách hồn nhiên. Các cầu thủ trẻ sẽ quen dần với khía cạnh xấu xí của bóng đá khi tăng cấp độ thi đấu, với sự chi phối của mục tiêu thắng thua.

Thậm chí việc chơi không đẹp có thể trở thành một phần của chiến thuật thi đấu và sẽ không có gì sai nếu các cầu thủ thực hiện mà không phạm luật.

“Khó có thể nói đó là tốt hay xấu. Nó vẫn nằm trong luật, vấn đề là mức độ ra sao” - HLV Đinh Thế Nam của Trung tâm đào tạo Viettel cho biết, dù vẫn khẳng định ông không khuyến khích điều đó trong luyện tập.

Khi đội U-19 AS Roma đến VN dự giải giao hữu cách đây hai năm, HLV của họ là ông Alberto de Rossi từng chia sẻ riêng với chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (khi đó là phó chủ tịch) về việc dạy tiểu xảo ở cấp độ trẻ.

Ông nói rằng ở Ý, các cầu thủ sớm hiểu được rằng ở những đấu trường chính thức thì cần phải chơi thật “quái” và sẵn sàng “xấu xí” khi cần thiết. Việc được chuẩn bị từ trước giúp họ tránh được việc đi quá giới hạn trong những tình huống buộc phải làm như vậy.

Dạy cho các cầu thủ trẻ biết về mặt tối của cuộc chơi không phải là để “vẽ đường cho hươu chạy”, mà đơn giản là cho họ biết rằng đấy là một phần của bóng đá, thậm chí là một phần không thể thiếu.

Biết để tiết chế bản năng

Trở lại với VN, các HLV có thể cách ly học trò của mình với mặt không đẹp của bóng đá trong các buổi tập, nhưng bản thân họ lại đẩy cầu thủ vào thế tự phát khi thi đấu.

Còn nhớ ở Giải U-15 quốc gia năm 2015, HLV Võ Quốc Ninh của đội Kiên Giang nhận án phạt nặng khi đã chỉ đạo cầu thủ “đá gãy giò” đối phương trong một phút nóng giận. Tất nhiên các cầu thủ hiểu là phải chơi “rắn” hơn, nhưng vấn đề là mức độ nào?

Ở tuổi 15, các em khó lòng tiết chế được bản năng khi các thầy không đề cập đến giới hạn của việc chơi xấu trong quá trình rèn luyện trước đó. Các em có thể còn không biết được phải thực hiện một cú xoạc bóng như thế nào để vừa đủ độ quyết liệt nhưng không phải nhận thẻ trong một thế trận như vậy.

Một trận đấu bóng đá luôn có mặt xấu mà các cầu thủ phải sẵn sàng chấp nhận. Việc xem điều đó là cấm kỵ trong luyện tập hằng ngày dường như đang phản tác dụng với quá trình đào tạo của các đội bóng tại VN.

Vấn nạn chơi xấu ở V.League có lẽ không phải do cầu thủ được cổ xúy như vậy, mà bởi họ không được dạy cách tiết chế bản năng của mình.

Thậm chí chính các HLV, những người từ chối nói về mặt tối của cuộc chơi trên sân tập, cũng đã ứng xử tự phát trên sân khi bị trận đấu chi phối, mà phản ứng có phần cay cú của ông Minh Đức sau khi đội nhà bị thủng lưới vì “không đá câu giờ như tôi bảo” là ví dụ điển hình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận