Điệu xòe Thái trong chương trình khai mạc Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò 2019 vừa diễn ra tại tỉnh Yên Bái - Ảnh: HỒ ĐIỆP
Hội thảo do Bộ VH-TT&DL phối hợp với 4 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La tổ chức ngày 4-10 tại Hà Nội, có sự tham dự của các học giả quốc tế và hơn 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng Di sản quốc gia và đại diện cộng đồng - những người trực tiếp thực hành nghệ thuật xòe Thái.
Khi ban nhạc BTS mang múa cổ tới công chúng trẻ
Góp ý vào hội thảo, GS.TS So Inhwa (Trung tâm quốc gia Gugak - trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc) đã mang tới những thông tin cho thấy Hàn Quốc rất quan tâm tới việc giữ gìn văn hóa truyền thống.
Ngay từ năm 1951, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm Bảo vệ văn hóa dân gian Hàn Quốc. Năm 1962, chính phủ ban hành Bộ luật bảo vệ di sản văn hóa Hàn Quốc.
Đáng chú ý, năm 2016, quốc gia này đưa ra Bộ luật bảo vệ di sản văn hóa sửa đổi bởi họ nhận thức rằng nghệ thuật truyền thống cũng "cần thay đổi để bắt kịp những thay đổi của xã hội".
Kể từ năm 2016, các chính sách của Hàn Quốc liên quan tới bảo vệ di sản phi vật thể được dẫn dắt bởi quan điểm di sản phi vật thể cũng cần có sự bồi đắp thêm theo sự phát triển của đời sống.
Một thông tin thú vị, GS Inhwa cho biết ban nhạc giải trí BTS nổi tiếng ở Hàn Quốc cũng từng có hẳn một chương trình biểu diễn riêng "cải biên" từ nghệ thuật múa trống cổ của đất nước, và sô diễn đã rất thành công trong việc đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến với thế hệ trẻ vốn là fan của BTS.
Theo bà, cách làm của BTS là cách hiệu quả và linh hoạt trong việc nuôi dưỡng di sản trong đời sống đương đại.
Cải biên "thiếu cân nhắc" sẽ giết di sản
Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu lại không ủng hộ việc cải biên di sản. GS Trịnh Hiểu Vân (Viện hàn lâm Vân Nam, Trung Quốc) cho biết đang có sự thay đổi của điệu xòe trong chính cộng đồng người Thái ở Trung Quốc do ảnh hưởng của du lịch.
Ngay cả nhạc nền cho điệu xòe Thái người ta cũng không còn dùng âm nhạc từ nhạc cụ truyền thống nữa, mà sử dụng nền nhạc hiện đại hơn hoặc phối hợp với nhạc cụ các dân tộc khác.
Nhưng ngoài phục vụ du lịch, người Thái vẫn có nhu cầu biểu diễn trong làng xã của họ và họ đều mong muốn được tôn trọng, duy trì văn hóa của mình. GS.TS Lưu Quốc Nhất (Học viện Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc) cũng cho biết nhiều nghệ nhân múa cổ không ủng hộ cải biên.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nghệ nhân xòe Thái Lò Văn Bến (Yên Bái) cũng bày tỏ quan điểm ông không ủng hộ những cải biên "quá đà", làm "mất hết cái cổ", di sản thì phải được bảo tồn nguyên gốc.
GS.TS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) trong chia sẻ bên lề hội thảo cũng có những lo ngại tương tự về cách ứng xử với xòe Thái.
Theo ông, cải biên thiếu cân nhắc sẽ làm tổn thương tính toàn vẹn của di sản và ông cho rằng khách du lịch không phải ai cũng thích xem nghệ thuật truyền thống được cải biên, mà nhiều người muốn xem di sản gốc.
Ông Bình đồng ý việc có thể rút ra những tinh hoa của các loại hình văn hóa phi vật thể để quảng bá, nhưng khi đó phải gọi nó là sản phẩm cải biên.
Với riêng nghệ thuật xòe Thái, ông Bình cũng không ủng hộ sân khấu hóa, bởi các kết quả khảo sát mới đây cho thấy xòe Thái vẫn đang sống trong cộng đồng và tiếp tục được truyền cho thế hệ trẻ.
Sáng nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về kinh nghiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật xòe Thái.
Chờ được công nhận là di sản của nhân loại
Nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, và một hồ sơ quốc gia cũng mới được bộ đệ trình UNESCO xét duyệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hội thảo mang tới những trao đổi kinh nghiệm quý giá để chuẩn bị cho việc ứng xử với nghệ thuật này, sau khi nó được công nhận di sản phi vật thể của nhân loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận