Khó phủ nhận trong bối cảnh hiện tại sự thành công, thành đạt của một số người đã thúc đẩy ước mơ của không ít bạn trẻ. Mong muốn thành công, thành đạt không hề sai nếu không muốn nói rằng phải khuyến khích khi cách đạt được mong muốn theo chuẩn mực xã hội, đúng pháp luật.
Nhưng tâm lý FOMO (Fear out of missing out) - sợ bị nhỡ cũng là một phần trong tác nhân thúc đẩy các bạn trẻ cố gắng thực hiện đam mê trong khi hiểu chưa đúng bản chất của việc học cũng như định nghĩa về sự thành công.
Bản chất việc học chiếu theo định nghĩa của UNESCO chính là "Học để biết, học để làm việc, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác".
Điều này từng được TS Giáp Văn Dương chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ. Có thể hiểu việc học là xuyên suốt và phải học suốt đời.
Trong khi niềm đam mê tạm hiểu là ham thích. Có nhiều sự ham thích mà theo thời gian, lứa tuổi, sự ham thích ấy sẽ thay đổi. Niềm đam mê được nuôi nấng trong thời gian đủ dài, vượt qua thử thách thì có thể thành lý tưởng.
Trong khi thành công tạm gọi là đạt kết quả tốt mục tiêu của bản thân ở giai đoạn cụ thể nào đó trong cuộc đời. Vì có khi từng đạt kết quả ưng ý mục tiêu nào đó trong một giai đoạn cụ thể làm chúng ta vui quá rồi ngộ nhận thành công này là mãi mãi rồi nghĩ không cần rèn giũa bản thân hay phải "học tập suốt đời".
Thực tế đã có không ít người vì hoàn cảnh nào đó không thể tiếp tục việc học nhưng với tinh thần tự học, học tập suốt đời họ vẫn trở thành một người thành công.
Thế nên, sự học hay học để làm gì cần được hiểu rộng lớn hơn thay vì chỉ chăm chăm học để có tấm bằng. Sự học phải là xuyên suốt mà Nhà nước đã có chủ trương xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay cấp tiểu học, các cháu bước vào trường, vô lớp đã thấy câu nói nổi tiếng "Học, học nữa, học mãi" của Lênin. Tinh thần ấy và với thái độ học tập chủ động sẽ giúp chúng ta làm chủ cuộc đời mình hơn là chỉ so sánh với những thứ tạm gọi thành công trong một giai đoạn nào đó.
Tôi nhớ đến phát biểu của Bill Gates mà chắc nhiều người đã từng đọc được. Khi quay trở lại ĐH Harvard vào ngày 7-6-2007, Bill Gates đã phát biểu rằng: "Tôi là một tấm gương xấu. Đó là lý do tại sao tôi được mời tới phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các bạn. Nếu tôi nói với các bạn từ khi các bạn mới bắt đầu định hướng cho tương lai, sẽ chẳng có mấy ai trong số các bạn ở đây hôm nay".
Có nên bỏ học theo đuổi đam mê? Câu hỏi sẽ không là vô cớ với nhiều người trong chúng ta. Xin mời cùng chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi và vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận