TTO - Có những khoảnh khắc không bao giờ muốn đối diện. Có những chuyến xe chẳng bao giờ muốn ngồi lên. Có những thước phim không một lần dám xem lại. Có đi, chứng kiến và một lần ngồi lên chuyến xe như vậy mới hiểu thế nào là nỗi đau đến tận cùng…

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 1.

Ngày 26-5-2019

Chiều cuối tuần. Ngoài trời mưa rả rích.

18h15

"Hiện có bé về huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu - Phòng ICU Bệnh viện Ung Bướu", tin nhắn đến.

"Quyết định nhanh, 45 phút nữa xe đi", tin nhắn tiếp tục.

19h kém

Tài xế xe công nghệ chở tôi lao trên đường.

Xe cấp cứu sẽ đến đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Chen giữa dòng người. Điện thoại vẫn reo liên hồi. Như một cuộc đua.

19h

Chiếc xe cấp cứu đậu bên đường Mai Chí Thọ, đoạn rẽ vào cao tốc. Mở cửa xe, tôi bước lên.

Em bé nhỏ xíu, nằm lọt thỏm trên băng ca. Mền đắp ngang người, chiếc mũ len che mặt.

Một người phụ nữ tuổi khoảng 40 ngồi cạnh, sắc mặt nhợt nhạt. Chị đang khóc. Cô con gái ngồi cạnh bên mẹ, thỉnh thoảng đưa tay chùi nước mắt.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 2.


- "Thằng nhóc nhà anh mất rồi. Lúc 6h kém 15. Anh đang đưa bé về", chồng chị nói qua điện thoại.

- "Hả!?" - tiếng thốt lên trong máy.

Vợ anh ngồi bên, không cầm lòng được, khóc to hơn: "Nó là đứa khỏe nhất trong mấy đứa cùng vào với nó. Mấy đứa kia vô tới tủy hết rồi, nó mới vô tới máu thôi. Vậy mà… ".

"Tự nhiên chiều nay thằng bé cứ giật bình oxy ra. Nó không chịu. Nó cứ nói mẹ cho con ngồi dậy đi, con không nằm nữa đâu. Em mới chạy đi xin bình oxy để cháu thở bằng miệng. Bố nó mới nói chắc chiều nay chơi nhiều nên mệt. Thằng bé cứ thở dồn, được một lúc thì trợn mắt lên.

Em chạy đi kêu bác sĩ. Bác sĩ tới nơi là xong hết rồi. Cháu đi mà chảy hai giọt nước mắt", chị kể với một người bác, rồi lại khóc to hơn trong khoang xe cấp cứu.

Anh thì điềm tĩnh hơn, chậm rãi kể:

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 3.

Anh nói như an ủi chính mình.

Chị vẫn ngồi thừ ra khóc. Đằng sau chị, bên ngoài cửa sổ, trời tháng 5 mù mịt ướt.

Chiếc xe hú còi ầm ĩ chạy giữa cao tốc, lao nhanh về ấp Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP.HCM tầm 70km.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 4.

Tân Thành là quê vợ anh, chị Đỗ Thị Thay. Anh là Lưu Công Nguyên, quê Nam Định. Anh và chị mưu sinh ở TP.HCM.

"Đưa cháu về nhà bà ngoại rồi mai ông nội và bác từ ngoài Bắc vào. Thằng bé là cháu đích tôn. Ông nội còn chưa biết mặt cháu vì mấy năm nay chưa có điều kiện về", giọng anh nghe như hơi thở dài.

"15 năm mới có được nó đó", rồi anh nhìn con, nói mà như khóc.

Em ra đi khi chưa tròn hai tuổi rưỡi. Đi sau ba tuần bác sĩ chẩn đoán em bị "ung thư cấp tạo huyết".

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 5.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 6.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 7.


Sau khi sinh được đứa con gái đầu, một thời gian dài, chị không thụ thai được. Hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi, ai chỉ đâu đi đó, theo như lời người thân thì "uống không biết bao nhiêu loại thuốc".

15 năm chạy chữa, hai vợ chồng mới sinh được một bé trai kháu khỉnh làn da trắng ngần, đặt tên là Lưu Công Minh. Em ra đời trong niềm vui khôn xiết của cả hai bên gia đình. Là đứa cháu trai duy nhất, là cháu đích tôn của nhà nội ở ngoài Bắc.

Từ ngày sinh em, mẹ em - chị Thay sức cũng yếu dần đi. Hai chân không đi lại được nhiều, không đi xe máy được, chị nghỉ hẳn ở nhà để vừa chăm con vừa điều trị bệnh.

Suốt hai năm qua, em ăn uống, vui chơi bình thường như bao đứa trẻ khác, cho đến đợt lễ 30-4 vừa rồi. Tự nhiên em hay sốt. Chị Thay mua thuốc sốt cho con. Uống thuốc vào, em hạ sốt. Đến chiều hôm sau em lại "hầm hầm".

Mẹ đưa em đi khám bác sĩ. Nhưng người em cứ trắng bệch. Ba mẹ đưa em vào Bệnh viện Nhi Đồng. Kiểm tra, xét nghiệm, bác sĩ nói vợ chồng chị "chuyển cháu qua Bệnh viện Ung Bướu gấp".

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 8.

Mọi thứ như sụp đổ dưới chân. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Anh nghỉ làm. Cả gia đình dọn đồ vào vào phòng 5 Bệnh viện Ung Bướu. Cô con gái 17 tuổi ở nhà tự lo cơm nước, tự đi học. Học xong thì bắt xe lên thăm em.

Vài ngày sau, anh chị được bác sĩ gọi vào. Cả hai chẳng nhớ gì nhiều, chỉ nhớ qua trao đổi, bác sĩ có nói "bệnh của cháu có thể chữa trị được, cháu bị thiếu tiểu cầu".

Anh chị nhớ mang máng như vậy, và đoạn từ phòng bác sĩ về lại căn phòng số 5 trong bệnh viện bỗng gần hơn bao giờ hết. Hai vợ chồng tiếp tục chăm con, với một niềm hi vọng cực kỳ lớn.

Để rồi bây giờ, trong tiếng khóc nấc, chị lại nhắc câu nói của cậu bé hai tuổi rưỡi sau khi được tiêm thuốc: "Mẹ ơi, bác sĩ nói Minh ngoan lắm. Minh khám bệnh xong là Minh về nhà chứ không phải vào đây".

Nhớ những khoảnh khắc của con, nhớ giọng lanh lảnh của cậu bé trên này chỉ làm hai vợ chồng thêm đau đớn, lặp đi lặp lại: "Cháu nó đi đột ngột quá. Hay là số phận nó vậy rồi…!".

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 9.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 10.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 11.

20h15

Xe cấp cứu về tới nhà. Người thân rọi đèn ra đón. Tài xế mở cửa xe. Anh Nguyên bế con lên, ôm trọn vào lòng. Miệng anh lẩm nhẩm: "Về nhà nghen con trai cưng của bố! Về tới nhà rồi nghen con".

Thoáng chốc, anh ôm bé vào tới trong nhà, đặt con nằm lên chiếc giường xếp. Chị Thay được dìu vào trong nhà. Tới cửa, chị ngồi bệt xuống. Mấy cháu gái cứ giữ tay, vừa lay vừa xoa để chị tỉnh táo.

Bà ngoại gần 70 tuổi lụi cụi chuẩn bị. Họ hàng bắt đầu đến, tầm 10 người. Họ ngồi quanh, từ hiên nhà đến phòng khách. Mấy người đàn ông gọi hỏi quan tài. Những người phụ nữ thì ngồi gần chị, động viên gia đình...

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 12.

Choàng tay lên người em trai, cô bé Lưu Đỗ Kiều Trinh thút thít khóc. Có tiếng nói: "Nước mắt rơi vào người em bây giờ". Cô bé vẫn không rời đi. Lại có tiếng la mắng, cô bé vừa nói vừa khóc: "Con có làm gì đâu. Em con sao không cho con gần".

"Đi ra đi con. Rơi nước mắt vào thì tội em. Để em đi cho an yên", tiếng chị Thay cất lên. Lúc này cô bé mới lùi xuống phía dưới chiếc giường.

"Cái bệnh đó là vứt đi rồi. Chỉ là chuyện nay mai, sớm hay muộn thôi. Mình phải xác định trước", giọng một người đàn ông nói vọng vào, vừa xót, vừa cáu.

Ngồi ở bậu cửa, chị Thay bắt đầu kể: Vô bệnh viện ngày nào cũng truyền hai bịch máu, cứ rút rồi bơm bao nhiêu thứ vào người. Cứ bơm vào là thằng bé run hết người. Rồi tới truyền kháng sinh, lấy máu, lấy tủy. Thằng bé mệt, lừ đừ, cứ gục trên vai bố mẹ.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 13.

"Nhìn người ta lấy tủy con mà mình đau xé lòng. Từ ngày con vô bệnh viện đến giờ là ba tuần mà 5-7 đứa mất. Thấy con người ta mà lòng dạ mình không yên. Tối qua tự nhiên thằng bé tiểu ra máu. Người thâm tím hết. Bụng mỗi lúc một to và cứng. Người ta nói gan và lá lách sưng".

"Sáng tỉnh dậy thì chân răng chảy máu. Thằng bé nuốt hết vào, không để ba mẹ thấy. Trào ra bố mẹ mới lau. Khôn lắm. Chiều nay thằng bé nói tới ba lần, ‘mẹ ơi, mẹ bế Minh đi bác sĩ đi’", chị không kiềm được nước mắt.

Càng kể chị càng khóc. Không ai ngăn được. Nói như để vơi đi nỗi đau của người mẹ mất con trong phút chốc. Nỗi đau không bút lực nào có thể nào diễn tả nổi. Nỗi đau của người mẹ đang từng phút giây cùng con giành lấy sự sống nhưng rồi vẫn bất lực nhìn con đối diện với số phận.

"Nghĩa vụ của cha mẹ là bảo vệ đứa con, giữ cho nó an toàn. Đó là lý do vì sao cái chết của một đứa con lại có tác động khủng khiếp như vậy tới cha mẹ. Họ cảm thấy bơ vơ và bất lực. Cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin của họ bị phá hủy. Cái tôi của họ bị vỡ vụn. Họ cảm thấy thất bại ở mức độ sâu sắc nhất", những lời này cứ vọng lên trong tôi khi chứng kiến chị lúc này.

Nhà tâm lý học Ann G.Smolen đã viết về nỗi đau mất con như vậy trong một cuốn sách và được một tác giả người Việt dẫn lại trong bài viết của mình.

Cái bất lực, đau đớn, vỡ vụn sâu sắc đó, ngay lúc này, tôi cảm nhận được ở chị. Cả ở anh. Một người cha suốt chuyến xe đã bao lần phải ngừng lại để ghìm đi những giọt nước mắt sắp chực trào khi nói về đứa con trai.

Đến lúc này anh mới đến ngồi bệt xuống cạnh con.

Anh khóc. Nước mắt tuôn trào.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 14.

Anh luồn tay vào chăn nắm lấy tay con trai. Bàn tay cậu bé trắng bệch.

Anh giở tờ giấy trắng che mặt, vuốt ve lên mặt con.

Anh mở clip trong điện thoại, con bi bô nói cười.

Anh chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ. Nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt. Anh che mặt lại khóc.

Tiếng bập bẹ nói cười của thằng bé vẫn cứ lanh lảnh hòa trong tiếng khóc nấc của anh, của mọi người.

Cô bé ngồi đối diện, nhìn bố rồi cũng gục đầu xuống giường khóc.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 15.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 16.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 17.

22h

Chiếc quan tài được khiêng vào nhà. Anh ngồi dậy, khuôn mặt đỏ bừng. Anh ngước mặt lên trần nhà để nước mắt không chảy xuống. Tay anh gõ liên hồi vào quan tài. Vài người ở nhà thờ ghé hỗ trợ gia đình tẩm liệm.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 18.

Anh không cho ai thay bộ đồ mà con anh đang mặc. Theo lời chị gái, bộ đồ siêu nhân nhện màu đỏ này còn có mặt nạ nữa, em cứ suốt ngày mặc vào múa chân múa tay cho giống siêu nhân. Vừa múa vừa khoái chí cười nắc nẻ.

Mọi người lật em lên để tắm rượu mới thấy tấm lưng em thâm tím hết. Lúc bế em lên để mặc lại quần áo, máu bầm cứ từ mũi em chảy ra. Bố vừa lau xong lại trào ra.

Anh Nguyên cúi xuống vừa chùi cho con, vừa nói: "Con đừng ra máu nữa, để đẹp trai giống như bố nha". Lúc này, máu không chảy ra nữa.

Tiếng kinh cầu nguyện vang lên giữa đêm tối tĩnh mịch.

Ngày 27-5-2019

11h trưa

Ông nội tới nơi. Vừa tới cửa nhà, ông gục xuống khóc. Rồi ông bấu tay vào quan tài, gục mặt xuống tấm gương nhìn mặt cháu nội, khóc nghẹn: "Đau quá con ơi. Sao ra đến mức này hả con?"…

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 19.

Thiên thần ấy không còn phải đau đớn, không phải bị truyền thuốc đến run người, bị rút tủy đến kiệt sức nữa. Thiên thần bé nhỏ đã không còn phải chịu đau đớn nữa. Em nằm đấy với giấc ngủ an yên. Miệng cười chúm chím.

Đến mẹ em khi tỉnh cơn khóc, cũng phải thừa nhận: "Nhìn con nằm mà cứ thấy nó sung sướng gì đâu. Ở bệnh viện, nó ngủ mà cứ chau mày lại, khó chịu lắm. Đâu có được như vầy".

Hôm nay, có một thiên thần bay về trời.

Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 20.
Có một thiên thần đã bay về trời - Ảnh 21.
dt

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục nhận đóng góp của cộng đồng dành cho bệnh nhi ung thư:

- Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (số 60A hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. HCM) và các văn phòng đại diện.

- Bạn đọc có thể chuyển khoản cho báo Tuổi Trẻ (ghi rõ nội dung chuyển khoản là "Ủng hộ chương trình Ước mơ của Thúy":

+ Từ trong nước: tài khoản số 113000006100 tại ngân hàng Công thương – CN3, TP. HCM cho chủ tài khoản Báo Tuổi Trẻ

+ Từ nước ngoài: tài khoản USD 0071370195845 hoặc tài khoản EUR 0071140373054 tại ngân hàng Vietcombank, Ho Chi Minh City cho chủ tài khoản Tuoi Tre Newspaper (Swift code: BFTVVNVX007)

- Từ Ví điện tử MoMo: bạn đọc chọn biểu tượng hoặc tìm kiếm từ khóa "Chung tay cùng Tuổi Trẻ" tại màn hình chính rồi chọn chương trình Ước mơ của Thúy, nhập số tiền kèm lới nhắn, kiểm tra và xác nhận để hoàn tất đóng góp.


UYÊN TRINH
UYN, HỒNG PHÚC
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0