LTS: Không chỉ bạn trẻ VN băn khoăn về chính mình trước lúc vào đời (“Nói về chúng tôi” - TTCT 28-6) những người cùng tuổi với họ trên thế giới cũng đang phải đối phó với các vấn đề tương tự: cái tôi đang được chắp cánh bởi công nghệ và những điều kiện xã hội của thế giới phẳng. TTCT mời bạn cùng nhận dạng những vấn đề này. Phóng to Ảnh: Time Mỹ: Tác giả Joel Stein trên tờ Time số ra tháng 5-2013 có bằng chứng cho nhận định này. Theo Viện Quốc gia sức khỏe Mỹ, tỉ lệ những người có tính yêu mình quá mức (narcissistic) hiện gấp gần ba lần so với những người nay đã tuổi 65 hoặc cao hơn khi ở độ tuổi 20 như họ. 58% sinh viên đại học tự chấm điểm họ yêu mình hơn năm 2009 so với năm 1982. Những người thuộc thế hệ “millennial” nhận nhiều lời khen ngợi thành công khi lớn lên nên 40% tin rằng họ cần phải thăng chức hai năm mỗi lần, bất kể khả năng thực hiện công việc thế nào. Họ cũng bị sự nổi tiếng ám ảnh: số học sinh nữ cấp II muốn lớn lên thành trợ lý của người nổi tiếng nhiều gấp ba lần trong khảo sát năm 2007. Sự phát triển của họ cũng như ngưng lại. Theo khảo sát năm 2012 của ĐH Clark về những người trưởng thành đang nổi lên, nhiều người tuổi từ 18-29 sống với bố mẹ hơn với vợ/chồng. Và họ lười nữa! Viện Việc làm và gia đình (Families and Work Institute) cho biết năm 1992, 80% những người dưới 23 tuổi muốn một ngày nào đó họ sẽ có công việc đảm nhận nhiều hơn trách nhiệm; 10 năm sau chỉ có 60% muốn thế. Cuộc sống của những người “millennial” đơn giản hơn: họ lớn lên không cần phải giải toán nhiều nhờ máy tính. Với 80 triệu người thuộc nhóm tầm 20 tuổi này ở nước Mỹ, họ thuộc nhóm tuổi lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tự bơm mình như bóng bay Những “millennial” ở các nước đều khác nhau, nhưng vì toàn cầu hóa, sự xuất khẩu của văn hóa phương Tây và tốc độ tăng trưởng, “millennial” trên thế giới trở nên giống nhau nhiều hơn so với thế hệ lớn hơn họ ở cùng một quốc gia. “Millennial” giao tiếp cả ngày, nhưng hầu hết qua màn hình. Theo Hãng Pew, họ dùng điện thoại liên hệ với nhau hằng giờ, trung bình có 88 tin nhắn mỗi ngày, và bị ảnh hưởng rất lớn từ bạn bè, dù theo GS Mark Mauerlein thuộc ĐH Emory: “Áp lực từ bạn bè làm triệt tiêu trí thông minh”. Bạn dễ gặp “millennial” ở quán cà phê, ngồi cạnh nhau và nhắn tin. Trong họ có vẻ bình tĩnh nhưng thật ra đang rất lo lắng vì sợ có thể bị bỏ qua điều gì đó hay ho quanh mình. 70% số đó kiểm tra điện thoại hằng giờ, nhiều người có hiện tượng lúc nào cũng nghĩ điện thoại đang rung trong túi. Nhưng “millennial” hiểu làm thế nào để biến mình thành thương hiệu. “Mọi người đều đang tự bơm mình như bóng bay trên Facebook” là nhận định của W.Keith Campbell, GS tâm lý tại ĐH Georgia. Khi ai cũng thông tin với bạn về kỳ nghỉ của họ, tiệc tùng, lên chức, bạn bắt đầu phải cố gắng để đời mình cũng không kém chị kém em. Nếu bạn làm tốt trên Instagram, YouTube và Twitter, bạn có thể trở thành một microcelebrity (người nổi tiếng nho nhỏ trong giới của mình). “Millennial” muốn mọi người ủng hộ mình ngay cả với bức hình chụp thử đồ khi đi mua sắm. Họ rất lo mình lạc hậu hay không cập nhật từ mới. Họ coi trải nghiệm cái mới quan trọng hơn tích trữ của cải. Những kẻ chẳng thèm buồn “Millennial” lớn lên xem truyền hình thực tế, và hầu hết những chương trình này về cơ bản đều về những người yêu bản thân mình. Truyền thông đã làm mạnh hơn giấc mơ tự yêu mình, khát khao nổi tiếng, khuyến khích người thường xác định bản thân giống như ngôi sao nên họ trở nên ghét đám đông và càng khó chấp nhận sự vô vị của cuộc sống. Nhưng “millennial” không phải sinh vật mới, chúng chỉ tiến hóa để thích nghi với môi trường. Ví dụ, “tự cho mình có nhiều quyền” với cuộc sống không phải do họ quá được bao bọc, mà do để thích nghi với cuộc sống thừa mứa. “Twixter” - lớp người chưa trưởng thành hẳn nhưng cũng không còn trẻ con nữa - nói họ có vô số lựa chọn nghề nghiệp, có nhiều việc trước đây không hề tồn tại. Vậy nếu họ có thể nhảy việc bảy lần trước tuổi 26 thì việc gì phải cố gắng nỗ lực đi từ nấc thang thấp nhất trong công ty? Họ cũng không cần phải cưới ai đó ở cùng quê vì họ có khả năng kết nối bạn bè khắp thế giới. Vì tuổi thọ tăng quá nhanh và công nghệ cho phép phụ nữ có bầu ở tuổi 40 nên họ quyết định việc trọng đại trong đời trễ hơn. Thực tế, rất nhiều đặc tính tiêu biểu của “millennial” y như cách trẻ con nhà giàu cư xử. Internet đã dân chủ hóa cơ hội cho nhiều người trẻ, giúp họ tiếp cận với thông tin từng chỉ dành cho nhà giàu. “Millennial” bây giờ ít quan tâm tới bổn phận công dân và cũng ít tham gia chính trị hơn thế hệ trước. Họ không tôn trọng chính quyền, họ cũng chẳng ghét bỏ gì chính quyền hay oán hận. Đó là lý do họ sẽ không nổi loạn. Họ thậm chí chả thèm buồn nữa. Thế giới phẳng tới mức “millennial” chẳng có lãnh đạo. Đó là lý do các cuộc cách mạng từ Chiếm lấy Phố Wall tới quảng trường Tahrir có ít cơ hội thành công hơn những vụ nổi loạn trước đó. Họ không đam mê, họ có đủ thông tin nhưng không hành động. “Millennial’” có thể là thế hệ đỉnh cao mới của những doanh nhân lạc quan hay chỉ suốt ngày khóc lóc thất vọng vì xã hội không đáp ứng kỳ vọng của họ? Nhưng sự vĩ đại của một thế hệ không bị quyết định bởi dữ liệu như trên, mà phụ thuộc vào họ ứng phó ra sao trước thách thức với mình. Điều quan trọng là những thành phần khác trong xã hội đối xử thế nào với họ? Thế giới phẳng khiến không chỉ ở phương Tây mà cả tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc (TQ) chẳng hạn, nơi gia đình quan trọng hơn cá nhân, thì Internet, đô thị hóa và chính sách một con cũng đã tạo ra thế hệ quá tự tin và chỉ nghĩ cho mình như kiểu phương Tây. Không chỉ trẻ nhà giàu mà ngay cả con nhà nghèo cũng có tỉ lệ tự yêu bản thân, theo chủ nghĩa vật chất và nghiện công nghệ. Theo nhật báo Thanh Niên Trung Quốc (TNTQ), chính sách một con và điều kiện khá giả của kinh tế TQ khiến không ít phụ huynh vì muốn con em có cuộc sống tốt đã luôn thỏa mãn yêu cầu của con cái một cách vô tội vạ, cho dù yêu cầu đó có vượt khỏi khả năng kinh tế, thậm chí đó là yêu cầu bất thường họ vẫn cố mà làm. Nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đã được bố mẹ mua nhà, muốn gì được nấy, người khác có gì họ cũng muốn có ngay cái đó, chờ đợi một phút cũng không được. TNTQ gọi họ là những người “muốn có ngay”. Một điều tra của tờ báo này cho thấy có đến 80% (trong số 2.293 người) được hỏi cho rằng xã hội TQ có hiện tượng “muốn có ngay”, trong đó thế hệ 8X chiếm đến 40,9%. Dẫn một trường hợp ông bố họ Lý hứa với con khi nào điểm trung bình học kỳ đạt 8,5 điểm sẽ mua iPad, nhưng khi được thưởng, đứa trẻ không hề tỏ ra phấn khởi hay cảm động (dù để mua được món quà đó, ông tốn hết cả tháng lương). TNTQ nói giới trẻ ngày nay không biết thế nào là hạnh phúc, yêu cầu của họ ngày càng cao, cảm giác thỏa mãn ngày càng thấp. Họ hoàn toàn không thể hiểu được thế nào là ngày tháng còn dài, làm tốt mới có báo đáp. Trong cuộc sống hôn nhân, giới trẻ xem việc ly hôn là chuyện rất bình thường. Nguyên nhân họ được bố mẹ yêu thương vô bờ bến nên không quyến luyến với gia đình nhỏ, cho dù ly hôn thì vẫn được bố mẹ bảo bọc. Trong hôn nhân, họ luôn lấy mình làm trung tâm, muốn được nhận chứ không muốn cho đi. Họ xem việc kết hôn, ly hôn là chuyện cá nhân, trong khi bố mẹ cho rằng họ ích kỷ, không nghĩ đến gia đình, con cái. Nhận định về thế hệ “muốn có ngay” này, tờ Hồ Nam Nhật Báo cho biết thế hệ trẻ có yêu cầu cao hơn khi tìm việc, chú trọng cảm giác bản thân, không thích làm lao động bình thường, làm bảo vệ hay nhân viên làm tóc. Họ thích công việc thoải mái, được tôn trọng, có không gian tưởng tượng. Thậm chí, giới trẻ 9x có thể bỏ việc chỉ vì đồng phục quá xấu, áp lực lớn, không thoải mái, không tạo điều kiện cho họ thể hiện cái tôi. Chinanews cho rằng giới trẻ TQ sinh ra, lớn lên trong thời kỳ đất nước thịnh vượng nên có khát vọng mãnh liệt về sự thành công, hứng thú với xu hướng và quan niệm phương Tây. Quan niệm việc làm đang thay đổi từ việc “không mang dấu ấn riêng, chấp nhận hi sinh cơ hội để tìm kiếm công việc ổn định, lấy công việc làm đầu, giúp công ty sinh lợi” chuyển sang “khát vọng công việc có cá tính, không sợ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, cho rằng công việc và cuộc sống đều quan trọng như nhau”. Tiến sĩ Khương Nhữ Tường phát biểu trên trang Sohu.com nhận xét khi chọn việc làm giới trẻ TQ quá chú trọng vật chất, nếu không được trả công tương xứng họ sẽ nghỉ việc, không như thế hệ cha ông vì lý tưởng có thể chịu đựng 10, 20 năm. Họ theo đuổi những gì tốt đẹp và cho rằng đương nhiên phải được trả công xứng đáng, nếu không thì không thể gọi là tốt đẹp. Có thể gọi đó là sự ích kỷ, cũng có thể là độc lập, chịu trách nhiệm về lựa chọn việc làm của mình. Chữ Y trong tiếng Anh đọc là why, tức tại sao. Thế hệ Y gần như tự chất vấn mọi thứ! Phóng to Ảnh: genyhub.com Lãnh đạo phát biểu có luôn đúng và có ích? Tại sao không thể hòa hợp cuộc sống gia đình và nghề nghiệp? Doanh nghiệp có quyền gây hại môi trường?... Theo nghiên cứu của Viện Trendence ở Berlin (Đức), địa vị xã hội và danh tiếng đứng cuối danh sách gồm 19 điểm ưu tiên của thế hệ Y, trong khi hình thức tổ chức quyền lực giao quyền điều hành cho nhiều người và sự phát triển cá nhân là hai điểm dẫn đầu. Theo nhà nghiên cứu Klaus Hurrelmann ở Berlin, tính từ năm 1945 nước Đức có ba thế hệ. Đầu tiên là những người hoài nghi mang những tổn thương của chiến tranh và đã giúp hồi sinh nước Đức. Kế đó là thế hệ Golf, tức những đại diện cho tiêu dùng và luôn bận rộn trong thời kỳ thịnh vượng. Và nay là thế hệ Y với đặc điểm muốn có tất cả cùng lúc: một gia đình cộng với thời gian rảnh, một công việc có ý nghĩa cùng với quan hệ bạn bè. Họ thích tự tổ chức công việc theo hướng linh hoạt. Không hi sinh cuộc sống cho công việc Thế hệ Y... muốn có tất cả cùng lúc: một gia đình cộng với thời gian rảnh, một công việc có ý nghĩa cùng với quan hệ bạn bè. Họ thích tự tổ chức công việc theo hướng linh hoạt. Ingo Kucz, 32 tuổi, là một trường hợp. Anh làm việc ở bộ phận chiến lược của Deutsche Bahn. Buổi sáng, trước khi đến công ty, anh đưa con gái 4 tuổi đến trường và đưa con trai 1 tuổi đến người giữ trẻ. Kucz về nhà lúc 5g chiều và có thể dành cho con hai tiếng đồng hồ rồi ngồi vào bàn làm việc buổi tối. Kucz làm việc 40 giờ/tuần, đôi khi nhiều hơn. “Nếu không thể có lịch làm việc linh hoạt như ở Deutsche Bahn, có lẽ tôi sẽ tìm công việc khác” - anh nói. Khi con bệnh, anh làm việc tại nhà. Không phải Kucz không muốn dấn thân trong nghề, thậm chí anh đang theo học chuyên ngành xã hội học. “Tôi chỉ không sẵn sàng hi sinh cuộc sống gia đình cho công việc và địa vị xã hội mà thôi” - Kucz giải thích. Ông bố trẻ này thuộc một thế hệ mới muốn mọi thứ đều khác. Trước khi đến Deutsche Bahn, Kucz làm cho một tập đoàn công nghiệp. Viễn cảnh nghề nghiệp tốt, lương cao, nhưng cách quản lý không thích hợp với anh: quá nặng nề về cấp bậc, mệnh lệnh nhiều hơn là giải thích. Trong một thời gian dài, các tập đoàn ở Đức hoạt động theo văn hóa mệnh lệnh và vâng lời, nhưng những người như Kucz từ chối hệ thống này. Không phải giám đốc nào cũng thông cảm những nhân viên mới ngay từ buổi phỏng vấn xin việc đã tìm hiểu về khả năng nghỉ không lương, nghỉ để làm nghĩa vụ gia đình... Họ thường bị đánh giá là lo nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn là công việc. Nhưng các cuộc điều tra không cho thấy thế hệ Y làm việc ít hơn. Pha lẫn giữa quản trị và... Disneyland! Theo thống kê của một viện nghiên cứu ở Đức, nếu thời gian làm việc trung bình của lứa tuổi dưới 30 trong những năm 1980 là 814 ngày, chỉ trong vòng hai thập niên con số đó giảm xuống còn 536 ngày (khoảng 18 tháng). Tại Hamburg, trụ sở của Google ở Đức thu hút 350 nhân viên có độ tuổi trung bình 35. Hãng công cụ tìm kiếm này đại diện cho phần trên của thế hệ Y với phong cách làm việc pha lẫn giữa quản trị và... Disneyland, khi các cuộc họp diễn ra trong những cái giỏ bãi biển khổng lồ hoặc cabin máy bay giả. Tại đây có cả bể bơi, phòng tập yoga, hip-hop và tập quyền anh hoàn toàn miễn phí. “Khi tôi cảm thấy thoải mái thì doanh nghiệp được lợi” - Eva Krüger nói. Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế truyền thông và từng làm tiếp thị trên mạng cho một nhà xuất bản, nay cô giúp khách hàng trong lĩnh vực thời trang đăng quảng cáo trên Google. “Chúng tôi đều có mục đích tự đặt ra mỗi quý và muốn đạt chỉ tiêu. Ở đây người ta không trả lương để tôi ngồi tại chỗ mà vì tính sáng tạo của tôi” - cô giải thích. Kucz và Krüger giống nhau ở chỗ cả hai làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. “Trước kia, người ta tưởng thưởng bằng thăng chức” - giám đốc nhân sự Wilfried Porth của Daimler nhấn mạnh. Nhưng ngày nay, khi được trả lương người lao động muốn cảm thấy có ích. Công việc chỉ thu hút khi người ta có thể tạo ra cái mới và làm thay đổi thế giới. Chính vì biết Daimler có xe chạy bằng điện nên khi phỏng vấn xin việc, các ứng viên thường tìm hiểu đề tài này vì họ muốn đóng góp vào việc làm cho chiếc xe hơi tương lai ít gây tác hại đến môi trường. Một trong những lý do khiến thế hệ Y muốn có những đảm bảo về chất lượng sống chủ yếu là vì nhà tuyển dụng không thể và cũng không muốn hứa hẹn việc làm suốt đời. Họ không trông mong những lời hứa vì họ biết rằng nền kinh tế thời toàn cầu hóa bấp bênh ra sao. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải tự tổ chức lại theo hướng linh hoạt hơn. Chẳng hạn tại Trumpf, cứ mỗi hai năm nhân viên có thể xác định lại thời gian làm việc trong tuần tùy theo nhu cầu cá nhân và nguyện vọng của họ. Tại công ty tư vấn doanh nghiệp McKinsey có độ tuổi nhân viên trung bình là 30, để giữ được những người giỏi nhất, công ty đề nghị nghỉ ba tháng liên tục. Năm ngoái, trong số sáu tư vấn viên thì có một người tận hưởng chế độ nghỉ này. Tags: Bạn trẻCâu chuyện cuộc sốngMillennialThế hệ tôi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.