17/10/2015 13:15 GMT+7

Có một Sài Gòn nghĩa tình - 4: Bếp cơm nghĩa tình Bình Trưng Đông

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, dù đi bán vé số ở đâu Khánh cũng canh giờ trưa mà đi bộ về tòa nhà ban điều hành khu phố 5 (phường Bình Trị Đông, quận 2, TP.HCM)...

Bốn chị em Thảo, Hiền, Cảnh, Phụng vui mừng khi nhận được phần cơm mang về cho cả nhà - Ảnh: Mai Hương
Bốn chị em Thảo, Hiền, Cảnh, Phụng vui mừng khi nhận được phần cơm mang về cho cả nhà - Ảnh: Mai Hương

Non giờ trưa, cậu bé Trần Quốc Khánh, 12 tuổi, rảo bước thiệt nhanh trên con đường Bình Trưng. Khi tòa nhà ban điều hành khu phố 5 (phường Bình Trị Đông, quận 2, TP.HCM) hiện ra trước mặt cũng là lúc mắt em hoa lên vì đói.

Trong văn phòng ban điều hành khu phố 5, mấy dì, mấy cô đang múc thịt, cá ra khay. Mùi thịt kho nước dừa làm Khánh tỉnh táo hơn một chút.

Những đứa trẻ chờ cơm

Các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, dù đi bán vé số ở đâu Khánh cũng canh giờ trưa mà đi bộ về đây. Ở đây có mấy dì, mấy cô nấu cơm cho ăn, rót trà đá cho uống. 12 tuổi, Khánh đen nhẻm, gầy gò, nặng chưa đầy 28 kg do thường xuyên phải bỏ bữa.

Em sống với ông bà, hằng ngày đi bán vé số dạo từ 5g sáng với cái bụng rỗng không. “Bữa nào còn cơm nguội thì trưa con ghé về ăn, không còn thì con nhịn luôn tới chiều”- Khánh kể về cái hồi “bếp cơm nghĩa tình” phường Bình Trưng Đông này chưa có.

Gần 10g30, văn phòng ban điều hành bắt đầu đông đúc. Cô bé Nguyễn Thị Mai Thảo dắt theo ba đứa em tới chờ. Trên cổ mỗi đứa đeo một tấm thẻ ép nhựa - đó là phiếu nhận cơm miễn phí cho cả nhà. Nguyễn Thị Thảo Hiền, em gái Thảo, lí lắc chạy đi thám thính một vòng rồi về “hồi báo”: “Bữa nay có canh cải, su xào, thịt kho trứng, cá kho cà, có thịt sườn chiên nữa”.

Những món ăn bình thường đó ngày trước với mấy chị em Mai Thảo là cả một niềm ước ao. Thảo chỉ mấy đứa nhỏ kể: “Thằng Phụng, thằng Cảnh là em bà con của con. Ba mẹ nó đi làm cả ngày, buổi trưa anh em nó ở phòng trọ ăn cơm nguội. Mà cô biết tụi nó ăn làm sao hông? Nó bới cơm ra, chan vô miếng nước - nước trắng mình uống chớ hổng phải nước canh, xịt chút nước tương. Vậy là xong. Có bữa nó ăn cơm không với chút đường”.

Nghe vậy, thằng bé Cảnh tròn miệng giải thích: “Tại ăn cơm không hơi khô, bị mắc nghẹn nên con chế nước vô cho nó mềm bớt”.

Xếp hàng nhận đủ 10 hộp cơm cho cả đại gia đình, bốn chị em Thảo, Hiền, Cảnh, Phụng chạy ù đem về nhà trọ gần đó cho cha mẹ, anh chị của chúng trưa đi làm về ăn. Xong xuôi, cả bốn đứa trở lại văn phòng, ngoan ngoãn chọn chiếc bàn trong góc phòng ngồi chờ mấy cô dọn cơm ăn tại chỗ với lý do “con thích ăn ở đây vừa vui vừa mát, lại được ăn cơm thêm”.

Ngồi ở bàn kế bên, hai bé Tuyết Ngân và Anh Chiêu cũng đang ăn cơm ngon lành. Mỗi đứa xúc từng muỗng cơm trắng bỏ vô miệng nhai rồi cầm ly trà đá tợp một ngụm. Hỏi sao không ăn miếng thịt sườn kho thơm lừng trong khay, Chiêu nói: “Con để dành thịt lát nữa xin thêm cơm ăn”.

Ở “quán cơm” tình thương này, chuyện mấy đứa con nít ốm nhách, đen thủi, nhỏ xíu mà mỗi đứa ăn một lần 2 hộp cơm hoặc xin cơm thêm 2-3 lần không phải là chuyện lạ.

Ký ức về những ngày chỉ có cơm trắng chan nước lã khiến cho bữa cơm có thịt, được ăn thật no, uống thật căng bụng với các em là một niềm hạnh phúc. Những “khách hàng nhí” của quán phần đông là con em của những gia đình nghèo, hộ trong diện cận nghèo, những hộ nhập cư đến ở trọ trên địa bàn phường.

Người dân đến nhận cơm tại bếp cơm nghĩa tình phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM - Ảnh: Mai Hương
Người dân đến nhận cơm tại bếp cơm nghĩa tình phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM - Ảnh: Mai Hương

Bếp của yêu thương

Bếp cơm nghĩa tình này chỉ mới hoạt động cách nhật thường xuyên từ tháng 3-2014. Chứ thật ra bếp đã khởi phát vào năm 2011, từ sáng kiến của mấy chị em phụ nữ, mấy bà nội trợ ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông.

Hồi đó, mấy chị rủ nhau thứ bảy, chủ nhật hằng tuần quét dọn, vệ sinh nhà cửa, khu phố, sẵn gom luôn ve chai, phế liệu đem bán lấy tiền gây quỹ. Có tiền, các chị nấu nồi cháo dinh dưỡng đem tặng người nghèo, người già, người bệnh, mấy em nhỏ suy dinh dưỡng. Rồi từ bếp cháo, các chị nâng cấp thành bếp cơm từ thiện.

Thấy chị em hăng hái, nhiệt tình, còn bà con nghèo thì khen quá xá, từ đầu năm 2014 UBND quận 2 mới đề nghị Hội phụ nữ phường đứng ra tổ chức thành bếp ăn tình thương cho quy củ. Chị Võ Thị Thanh Huyền, hội trưởng Hội phụ nữ phường Bình Trưng Đông, trực tiếp điều hành, chịu trách nhiệm về bếp.

“Lúc đó chúng tôi phải lập đề án, xây dựng phương thức thực hiện, rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn, tìm nguồn thực phẩm, chuẩn bị nhân sự cơ hữu... Tất cả đều phải rõ ràng, chi tiết” - chị Huyền cho biết.

Để bếp hoạt động một tuần 3 ngày, nhân sự cần có khoảng 30 chị, phân làm 3 ca. Mỗi ca có bếp chính, bếp phụ đàng hoàng. “Quán” mở cửa các ngày thứ ba, năm, bảy thì các ngày thứ hai, tư, sáu các chị đã đi chợ chọn thực phẩm, sơ chế thịt cá, rau củ bỏ tủ lạnh.

Tầm hơn 5g sáng, các chị đã đỏ lửa nấu nướng, đến khoảng 9g cơ bản nấu xong để múc canh vô bịch, bới cơm ra hộp.

Tầm 10g-10g30, bà con đến nhận cơm canh mang về. Ngồi kiên nhẫn vô bịch từng phần canh, cô Phạm Thị Nguyệt bảo: “Các cô ở đây đều là tình nguyện viên, không nhận thù lao chi cả. Riêng tôi, con cái lớn cả rồi. Hai vợ chồng già ở nhà ăn uống cũng đơn giản nên tôi đến đây phụ với chị em. Đem lại niềm vui cho mọi người mình cũng thấy hạnh phúc”.

Phát xong hàng trăm phần cơm, đến 11g “quán” bắt đầu phục vụ cơm tại chỗ. Những bộ bàn ghế vốn dành để hội họp khu phố được xoay, ghép thành bàn ăn. Những bác thợ hồ, chị công nhân vệ sinh, em bé bán vé số ghé ngang, lần túi lấy ra tờ 2.000 đồng nhăn nhúm, vuốt cho phẳng phiu rồi mang đến đổi một suất cơm có đủ món: canh, xào, mặn, tráng miệng, trà đá.

Chị Thanh Huyền cho biết: “Học tập mô hình quán cơm 2.000 đồng ở nội thành, lãnh đạo quận cũng gợi ý chúng tôi thu mỗi phần cơm 2.000 đồng gọi là tượng trưng. Riêng những gia đình có trong danh sách hộ cận nghèo, hộ khó khăn thì được phát cơm miễn phí. Người nào khỏe mạnh còn ra nhận được thì ra đây, các cụ bệnh đau, già yếu thì chúng tôi đem tới tận nhà”.

Mỗi ngày, bếp cung cấp khoảng 400 suất cơm miễn phí và có thu phí (2.000 đồng/suất).

Trên vách tường của bếp cơm nghĩa tình treo chi chít rất nhiều tấm bảng. Có bảng dành gắn hình hoạt động của khu phố, bảng ghi danh sách nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, danh sách những trường hợp cần quan tâm sẻ chia và nhiều bảng dành tri ân những tấm lòng vàng.

Những tấm lòng vàng đó cũng chẳng ở đâu xa, đều là anh chị em cán bộ trong phường, trong quận, bà con khu phố ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít: chị Chín 200.000 đồng, chị Được 300.000 đồng, chị Hà tổ 4 góp 100 ký gạo, anh Minh đảng ủy góp 50 ký đường... Hơn một năm nay, bếp luôn đỏ lửa là nhờ những tấm lòng như thế.

Còn anh Sơn Lợi, một khách quen của quán, thì nhận xét: “Mấy chị mấy cô ở đây tốt lắm, để có được bữa cơm tươm tất họ phải thức khuya dậy sớm. Nói thiệt người nghèo tụi tui hay mặc cảm lắm. Chỉ cần ai nói nặng một chút thì mình ngửa tay nhận miếng ăn cũng thấy tủi cực trong lòng. Còn mấy cô ở đây làm cực mà lúc nào cũng nhẹ nhàng, tươi cười khiến khách nghèo bước vô quán đều thấy ấm lòng mát dạ”.

Từ thành công của bếp cơm nghĩa tình phường Bình Trưng Đông, vừa rồi UBND quận 2 “khai trương” thêm một bếp cơm tình thương nữa của quận. Bếp nấu vào các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần, cung cấp 2 bữa cơm sáng/chiều cho những hộ gia đình khó khăn trong quận. Bếp cơm hoàn toàn miễn phí. Thực phẩm cung cấp cho bếp được lấy từ siêu thị và các nguồn hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vậy là có thêm bao phận nghèo ấm lòng mát dạ...
_______________

Kỳ tới: Bà Chung “lá chắn”

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên