19/02/2012 04:12 GMT+7

Có một nhà hát Nón Lá

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Sáu năm trước, trong góc nhìn nhạy bén của một nhà kinh doanh văn hóa tư nhân, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf đã nghĩ đến việc xây dựng những nhà hát chuyên phục vụ du lịch.

Trong những nhà hát đó sẽ có rối nước, cải lương, chèo, tuồng, hát bội, ca trù, ca Huế, đàn bầu, đàn đá, đàn t’rưng... - gọi chung là những đặc sản âm nhạc riêng có của dân tộc Việt.

vuKJRL7D.jpgPhóng to

Tiết mục ca trù trong Ngọc Việt show của nhà hát Nón Lá -Ảnh: H.O.

Các tiết mục sẽ được dàn dựng gọn gàng, ít lời nhiều nhạc, diễn thường xuyên hằng đêm và có bản hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng để phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của du khách nước ngoài. Và trong sáu năm qua dù tất bật duy trì thương hiệu sân khấu Idecaf nhưng bầu Tuấn vẫn không quên nuôi dưỡng giấc mơ của mình.

Giữa năm 2007, anh khai trương một nhà hát rối nước có tên Rồng Vàng trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Tháng 2-2012, anh vừa trình hội đồng phúc khảo chương trình Ngọc Việt show gồm 13 tiết mục âm nhạc dân tộc của nhà hát Nón Lá sẽ chính thức mở màn vào ngày 20-2.

Nhà hát Nón Lá được xây dựng trên nền một CLB bida cũ của Cung văn hóa Lao động TP.HCM, nằm khuất sau những sân bóng rổ, cầu lông. Năm ngày là khoảng thời gian để ban giám đốc cung văn hóa quyết định ký hợp đồng giao đất cho Huỳnh Anh Tuấn xây nhà hát. Sự nhanh chóng này có được một phần là nhờ hoạt động...không hiệu quả của CLB bida, nhưng phần lớn nhờ vào quyết tâm làm văn hóa quảng bá du lịch của những người có trách nhiệm. Hiện nhà hát đã xây xong khán phòng 350m2 với sân khấu trang trí hoa sen, mái đình, hệ thống 220 ghế ngồi bằng mây tre, hệ thống đèn lồng với những chiếc nón lá cách điệu... Ngoài ra, một khu vực nhà ăn rộng rãi cũng đang được hoàn thiện để phục vụ miễn phí cho du khách vào xem sô những món ăn truyền thống VN: phở, chả giò, gỏi cuốn...

Nhưng có một bài học nhãn tiền: nhà hát Rồng Vàng đã mất hơn hai năm đầu thua lỗ, có những suất chỉ có năm khán giả mua vé vào xem! Bởi các công ty du lịch vẫn chưa tin cách làm tư nhân, họ cần thời gian để khảo sát địa điểm, đánh giá chương trình rồi sau đó mới đưa vào tour, giới thiệu và chào giá với khách du lịch. Vậy nên bầu Tuấn dự đoán nhà hát Nón Lá mới của mình cũng sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong những bước đầu tiên. Nhưng anh vẫn giữ vẻ lạc quan thường trực bảo: "Sau hai năm xơ xác, bây giờ nhà hát Rồng Vàng đã có khán giả ổn định với bốn suất mỗi ngày. Tôi tin nhà hát Nón Lá sẽ không phải mất đến hai năm đâu. Chúng tôi đã gửi công văn giới thiệu đến hơn 300 công ty du lịch rồi".

Và ba năm là khoảng thời gian hiệu lực của hợp đồng "mượn đất xây nhà hát" mà Huỳnh Anh Tuấn đã ký. Nhiều người bảo anh thật liều khi dám bỏ tiền tỉ để tự mình xây nhà hát và có thể chỉ sử dụng trong vòng ba năm. Nhưng với một chương trình gồm những tiết mục như hát Ru con Nam bộ, múa Lục cúng hoa đăng, độc tấu đàn đá Âm vang đất nước, múa hầu đồng Cô đôi thượng ngàn hay hò Huế Lý mười thương... lẽ ra từ lâu đã phải được trình diễn thường xuyên trong một nhà hát phục vụ du lịch do Nhà nước đầu tư. Vậy nên với những điều mà bầu Tuấn đã làm với nhà hát rối nước Rồng Vàng, đang làm với nhà hát dân tộc Nón Lá và sắp làm với một nhà hát nổi trên sông nước miền Tây chuyên biểu diễn nhạc tài tử cải lương, thì dù có thành công hay không cũng rất đáng được ủng hộ và tiếp sức.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên