TTCT - Ở lần thống kê gần nhất của Đại học Yale (2015), thế giới có hơn 3.000 tỉ cây xanh. Con số này dù đã cao hơn khoảng 7 lần so với ước tính trước đây, song hành tinh này vẫn cần thêm cây xanh hơn bao giờ hết. Ảnh: 9NewsSáng 30-4, hơn 50 nhân viên tòa thị chính, các đối tác và tình nguyện viên từ cộng đồng địa phương cùng trồng cây mới dọc theo vài con đường lớn ở trung tâm thành phố Eugene (bang Oregon, Mỹ). Cả chính quyền lẫn người dân địa phương đều thấy rằng mảng xanh đô thị ở khu vực trung tâm vẫn còn chắp vá. Họ hy vọng những cây mới trồng sẽ lấp đầy khoảng trống.Đây là hoạt động điển hình, trong rất nhiều chiến dịch tưng bừng trồng cây khác diễn ra ở Mỹ cuối tháng 4 và đầu tháng 5, nhân Arbor Day, tức Ngày trồng cây. Đây là ngày lễ chính thức ở Mỹ, và được nhiều quốc gia khác hưởng ứng. Tất cả bắt đầu từ ý tưởng của một nhà báo, chính trị gia yêu môi trường cách đây 1,5 thế kỷ.Một nhà báo yêu câyKhi trở thành bang đầu tiên ở Mỹ tổ chức sự kiện Arbor Day vào ngày 10-4-1872, Nebraska vẫn là một vùng thảo nguyên hầu như không có cây cối. Nhưng ước tính 1 triệu cây mới đã được trồng vào hôm đó - Ngày trồng cây đầu tiên trong lịch sử. Sự kiện hiện thực hóa mong mỏi của J. Sterling Morton, một người đa nghệ: chính trị gia, cán bộ nông nghiệp, và biên tập viên của báo Nebraska.Morton thường viết về nông nghiệp và chia sẻ đam mê cây cối với độc giả. Với vai trò phó chủ tịch Hội đồng nông nghiệp bang, tại một cuộc họp tháng 1-1872, Morton đề xuất chọn một ngày để toàn dân trồng cây và trao giải cho địa phương hay cá nhân trồng nhiều cây nhất vào ngày đó. Hội đồng gật đầu.Trong cuốn sách Planting Nature (Trồng thiên nhiên, 2004), tác giả Shaul E. Cohen nhắc lại Morton từng giải thích lý do cần có ngày trồng cây, ngoài các lợi ích mà cây xanh mang lại: đó là dịp con người làm phong phú tinh thần của bản thân và thể hiện tính bình đẳng. Những người chủ đất nghèo nhất trong bang non trẻ này (Nebraska thành lập năm 1867, bang thứ 37 của Mỹ) cũng có thể trồng cây, và "mưa nắng và bốn mùa sẽ là bạn đồng hành của họ... như với bất kỳ triệu phú nào".Theo tạp chí Time, Morton không phải là người duy nhất thúc đẩy việc trồng cây vào thời điểm đó, nhưng ý tưởng về ngày hội trồng cây của ông đã nhanh chóng được thực hiện ở Nebraska và các bang khác. Năm 1885, Arbor Day chính thức thành ngày lễ ở Nebraska, và để tri ân Morton, ngày được chọn là sinh nhật ông 22-4. Arbor Day nhanh chóng lan khắp nước Mỹ.Một trường học ở New York tham gia Arbor Day năm 1908. Ảnh: Thư viện Quốc hội MỹNgày nay, Arbor Day thường được tổ chức vào ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 4, nhưng nhiều bang sẽ dời ngày để có thể trồng cây vào ngày thời tiết thích hợp nhất. Chẳng hạn, Florida tổ chức vào ngày thứ sáu thứ ba của tháng 1, còn Alaska chọn ngày thứ hai thứ ba của tháng 5.Còn ở thành phố Hannibal (bang Missouri), hoạt động mừng Ngày trồng cây năm nay bị hoãn đúng một tuần - diễn ra hôm 3-5 thay vì 26-4 - vì thời tiết bất lợi. Theo đài địa phương WGEM, hàng chục học sinh lớp 4 từ nhiều trường khác nhau đã cùng trồng chung một cây đoạn mỹ (Tilia americana) ở khu phức hợp thể thao Norfolk and Southern. Hoạt động mang tính biểu tượng này nhằm giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của cây.Nhiều nước cũng theo tinh thần đó mà có Ngày trồng cây, dù là khác ngày và đôi khi khác tên gọi. Theo trang chủ của Arbor Day Foundation, Brazil vốn tổ chức Dia da Arvore vào ngày 7-6 nhưng đã chuyển sang 21-9 để khớp với ngày đầu tiên của mùa xuân ở nam bán cầu; Úc tổ chức National Tree Day vào cuối tuần cuối cùng của tháng 7. Đức có ngày Tag des Baumes (25-4), Trung Quốc có Tết trồng cây 12-3 - ngày mất của lãnh tụ Tôn Trung Sơn (1866-1925).Theo Time, năm 1887, trong bài phát biểu nhân ngày này tại Đại học Lincoln, Morton nhấn mạnh vì sao ngày hội do mình đề xuất không giống với những hội hè lễ lạt khác: "Những ngày lễ kia đều quay về quá khứ, còn Ngày trồng cây hướng tới tương lai. Nó không chiêm nghiệm vẻ đẹp của thế hệ trước mà vạch ra, phác thảo và đặt nền tảng cho những thời đại rực rỡ hơn sẽ tới".Điều ông không biết là ngày nay, nhắc tới trồng cây, người ta buộc phải hoài nghi nhiều hơn và lý trí hơn, nhất là chuyện nhiều dự án trồng cây rầm rộ bị bỏ lơ, trồng sai cây... tóm lại là hoàn toàn hình thức chứ không thật sự có ý nghĩa.Sterling MortonMáy điều hòa tự nhiên mất khả năng làm mátTrái đất nói chung và các đô thị nói riêng vẫn đang rất cần thêm cây, nhưng còn những mối lo khác. "Trái đất đang nóng lên quá nhanh so với tốc độ thích nghi của cây cối" - Manuel Esperon-Rodriguez, nhà sinh thái học tại Đại học Western Sydney, chuyên nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với cây cối, nói trên trang Grist ngày 24-4.Các nghiên cứu cho thấy cây xanh có thể làm mát các thị trấn và thành phố tới 10oC, giúp giảm thiểu tình trạng nắng nóng khắc nghiệt đôi khi gây chết người. Nhưng cây có tác dụng làm mát không chỉ vì chúng cho bóng râm.Theo Mac Martin, trưởng chương trình rừng đô thị thuộc cơ quan kiểm lâm Texas, khi lá chuyển đổi ánh nắng mặt trời thành năng lượng, chúng giải phóng hơi nước thông qua các khí khổng (stomata - những lỗ nhỏ trên mặt lá). Quá trình này làm mát không khí xung quanh, một kiểu "điều hòa không khí" của thiên nhiên.Nhưng đấy là trong điều kiện bình thường. Khi nhiệt độ tăng cao, cây sẽ mất khả năng này. Cụ thể, như Martin giải thích với Grist, thời tiết cực nóng và khô sẽ khiến các khí khổng đóng lại, ngăn nước thoát ra ngoài. Nếu những cây đang "căng thẳng" này không được tưới nước, lá của nó sẽ quá nóng và chết trước khi rụng. Ngược lại, khi thời tiết cực ẩm, không khí đã có sẵn nhiều hơi nước nên không thể hấp thụ thêm từ cây nữa, lá sẽ ứ nước và úng.Dù cây có thể trông vẫn khỏe mạnh, những thay đổi ở phần lá này khiến chúng không thể làm mát các thành phố được nữa. Tệ hơn, những cây "căng thẳng" này lại dễ bị sâu bệnh như sâu đục thân tấn công hơn.Theo các chuyên gia, cây bản địa - vốn chiếm đa số các loài cây đô thị - đặc biệt dễ bị "căng thẳng vì khí hậu". Dù có trồng mới thì cũng phải mất ít nhất 10 năm để các cây này lớn lên, và có thể thích nghi với khí hậu mới. Vấn đề trước mắt, vì vậy, là tìm nguồn cây thay thế, với sức chống chịu tốt hơn."Mọi người đều đang tìm kiếm loài cây thần kỳ đó" - Mac Martin nói. Mà không chỉ một loài mới là đủ, phải có thật đa dạng các loài cây có thể sống tốt trong tình hình khí hậu mới, thích ứng tốt với kiểu khí hậu nóng bức mà các thành phố đang trải qua.Do đó, các nhà khoa học phải đi khá xa, hoặc rất xa. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu ở Canada đang nhìn sang Mỹ, đi tìm các loài cây đang trồng ở khu vực có khí hậu tương tự Vancouver và Ottawa. Giới lâm nghiệp đô thị ở Sydney thì chỉ tìm trong nước: thành phố Grafton, cách Sydney hơn 600 cây số.Cuối năm 2023, Kevin Martin - quản lý các bộ sưu tập cây tại vườn bách thảo Royal Botanic Gardens, Kew (London, Anh) - vượt ngàn dặm để tìm cây mới, chuẩn bị phủ xanh thành phố thủ đô trong 30 năm tới. Tại Romania, anh vào rừng, đo nhiệt độ và lượng nước trong đất để tìm cây thích hợp. Anh lý giải: cây trồng trên đất ẩm ở rừng mưa nhiệt đới hoặc gần sông sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả trong điều kiện nóng bức, và đó là những gì London cần trong tương lai.Kevin Martin trở lại Anh với hạt giống của 7 loại sồi khác nhau. Chúng được trồng vào các chậu riêng ở vườn ươm của Royal Botanic Gardens. Giờ thì anh chỉ còn chờ - ít nhất hai năm nữa để hạt nảy mầm và mọc thành cây con, rồi mới có thể kiểm tra tính chống chịu để xem chúng có thích hợp với khí hậu London năm 2050 và cả sau đó hay không. Ảnh: The TimesKỳ vọng cho chỗ hạt mang từ phương xa về xứ sở sương mù này là rất cao: chúng phải chịu được mùa đông khắc nghiệt, rồi phát triển mạnh trong mùa xuân, để sẵn sàng cho mùa hè nóng bức - điều mà nhiều cây sồi Anh hiện tại chưa làm được.Trong thời trồng cây gần như là chiêu trò tẩy xanh (greenwash), các nhà khoa học luôn nhấn mạnh thông điệp trồng cây không phải là viên đạn bạc cho các vấn đề về sinh thái và biến đổi khí hậu. Cây mới trồng cần nhiều năm mới có thể thành bể hấp thụ carbon hiệu quả. Một cách để sử dụng thời gian và tài nguyên tốt hơn là chăm lo cho rừng và mảng xanh sẵn có. Một số chuyên gia cho rằng những hoạt động như Ngày trồng cây vẫn luôn được chào đón, nhưng song song đó cần đầu tư vào grow tree - giúp cây lớn mạnh, hơn là plant tree - chỉ trồng cây (rồi bỏ đó). Và tất nhiên là tránh đốn hạ, di dời những hàng cây ở dọc đường này hay con phố nọ. Nhất là giữa mùa nắng nóng. 100 năm sau ngày trồng cây đầu tiên ở Nebraska, năm 1972, tổ chức phi lợi nhuận Arbor Day Foundation được thành lập. Họ cho biết đã giúp trồng hơn 500 triệu cây tại hơn 50 quốc gia trong nửa thế kỷ qua. Tổ chức này công nhận danh hiệu Tree City cho các thành phố ở Mỹ đáp ứng 4 tiêu chí: có ủy ban về cây; có quy chế về cây cộng đồng; chi ít nhất 2 USD/đầu người cho cây đô thị; và có tổ chức Ngày trồng cây. Chuyên mục Việt Nam xanh của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Biến đổi khí hậuTrồng câyNắng nóngCâyLịch sử
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.