Carolina - tên cô nhân viên tiếp tân - giải thích: “Các cuộc tấn công khủng bố liên tục ở Manchester và tại London khiến chúng tôi rất sợ khi đến những nơi công cộng, các chỗ đông người. Thậm chí mấy bữa nay tôi không dám đi làm bằng các phương tiện công cộng mà nhờ chồng lái xe chở đến đây. Không có việc quan trọng, chúng tôi chẳng muốn ra đường. Tôi nghĩ nhiều cư dân London cũng có tâm lý sợ sệt như vậy”.
Chúng tôi muốn xem những gì Carolina nói có đúng không bằng cách chọn xe buýt và tàu điện ngầm - hai trong số những phương tiện công cộng ở London - để đến London Bridge, nơi xảy ra cuộc tấn công khủng bố hôm thứ Bảy (3-6).
Quả thực, dù là ngày đầu tuần và đúng giờ cao điểm đi làm nhưng các trạm xe buýt và ga tàu rất vắng người. Bước lên con tàu ở ga Waterloo, nhìn cảnh thưa thớt người, anh bạn đi cùng còn nói đùa: “Anh cứ tha hồ chọn chỗ nằm đi”.
Rảo quanh các khu vực mua sắm, siêu thị... khu vực trung tâm London, chúng tôi cũng chứng kiến tình cảnh rất vắng khách.
Manthis - một cư dân sinh ra và lớn lên ở London - cho biết chưa bao giờ dân London rơi vào trạng thái tâm lý khó khăn như lúc này, đó là lo sợ tai họa khủng bố ập đến bất ngờ với mình mỗi khi ra đường.
“Bạn thử nghĩ xem, mình xuất hiện ở nơi đông người và một tiếng nổ lớn vang lên... Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra vào lúc này” - Manthis nói.
Ana - sinh viên ngành luật - cho biết tuần tới cô sẽ bay về quê nhà tại Hungary, chờ xem tình hình ở London thế nào rồi mới cân nhắc quay trở lại đây theo đuổi chuyện học.
Các cuộc tấn công khủng bố ở London đã gây ảnh hưởng đến công việc làm ăn, buôn bán của người Việt ở thủ đô London. Anh Trần Văn Sử - chủ chuỗi nhà hàng Miền Tây bán đồ ăn Việt nổi tiếng ở London - cho biết những ngày qua, lượng khách đến nhà hàng anh giảm khoảng 20%.
Anh Sử chia sẻ: “Các nhà hàng của tôi còn cầm cự được, chứ những nhà hàng, tiệm ăn ở khu vực trung tâm London rất ế khách vì cư dân London rất sợ xuất hiện ở những khu vực đó”.
Chị Ngọc Trinh - chủ một tiệm làm móng - cũng nói lượng khách của chị giảm đáng kể từ sau cuộc tấn công khủng bố cuối tuần rồi dù hè là mùa “kiếm cơm” rất tốt của nghề làm móng.
Cuộc sống người dân London vẫn chưa thật sự bị đảo lộn nhưng vết thương tâm lý của họ sau các cuộc tấn công khủng bố vẫn còn đó. Nhưng làm sao để chữa lành vết thương này khi mà không ai chắc chắn London đã an toàn tuyệt đối với các cuộc tấn công khủng bố?
Có lẽ chỉ còn một cách như lời của Carolina: “Hãy cầu nguyện để London luôn yên bình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận