Họa sĩ Phạm Bình Chương đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân: Xuống phố (2004), Câu chuyện bên lề đường (2005), Xuống phố 2 (2007), Golden Place (2012)… |
Sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội (phố Hàng Gà), họa sĩ Phạm Bình Chương nói, anh bị Hà Nội “hút hồn”. Bởi những cái cũ nhuốm màu thời gian thường gợi cho ta nhớ về quá khứ.
Đặc biệt, theo anh, ánh sáng ở Hà Nội, đặc biệt ở khu phố cổ rất huyền ảo vì nó là ánh sáng gián tiếp, qua cây, qua sự phản chiếu, hoặc le lói do nhiều vật cản.
Có lẽ do Hà Nội nhiều cây và phố nhỏ nên nó bí ẩn, quyến rũ và rất thân thương.
Gắn bó máu thịt với khu phố cổ, vì thế, không lạ, khi trong tranh của anh, Hà Nội hiện ra ở các góc phố xưa, ô cửa cũ. Nhưng lạ, thậm chí sững sờ, không tin vào mắt mình, là khi đứng trước những bức tranh của anh, được vẽ theo lối hiện thực.
Những bức tranh sống động, như thật khiến người ta có cảm giác như vừa bắt gặp đâu đó, vừa lướt qua…
Hoặc cũng có những bức tranh, như khi Phạm Bình Chương vẽ về hiệ sách cũ góc đường Thi Sách, thì nhiều người rưng rưng một trời ký ức.
Ở đó, một tuổi thơ chắt chiu tiền quà sáng để ra thuê những cuốn truyện cũ về đọc. Ở đó, là một ấu thơ trong trẻo, và hiệu sách đó mở ra biết bao không gian, biết bao câu chuyện đẹp đẽ về tình bạn, tình người…
Tôi quan niệm họa sĩ phải nên chọn một con đường riêng, và bền. Ngoài ra nó phải khó, phải kỳ công. Khi tôi bắt đầu vẽ hiện thực phố thì chưa có ai trước đó vẽ cả, và tôi thích sự độc đáo đó. |
Phạm Bình Chương |
Bức tranh đầu tiên Phạm Bình Chương vẽ theo hiện thực là vẽ phố Hàng Đường. Sau đó, những góc phố cổ đi vào trong tranh của anh rất nhiều.
Đặc biệt, một loài cây của Hà Nội hiện ra, vừa xao xác vừa ám gợi, trong tranh của Phạm Bình Chương, đó là cây bàng. Chương nói, anh thích cây bàng vì đây là loài cây gắn với Hà Nội từ xưa, và nó cũng gắn với văn thơ nhạc về Hà Nội.
“Cây bàng rất thú vị vì nhìn nó là biết đang là mùa gì: mùa xuân lá non nhú xanh lá mạ, mùa hạ lá to xanh biếc, mùa thu lá đỏ và mùa đông thì trụi lá. Mùa nào bàng cũng đẹp và tôi đã vẽ hết các mùa rồi mà không chán”, họa sĩ nói.
Chọn chất liệu sơn dầu và theo đuổi trường phái hiện thực, mỗi bức tranh của Phạm Bình Chương đều mang tới cảm giác chân thực, sống động.
Để hoàn thành một bức tranh, anh thường trải qua 4 công đoạn là: ký họa, chụp ảnh, lên bàn dựng và vẽ. Ký họa nhanh để nắm bắt bố cục. Sau đó là chụp ảnh để lấy chi tiết.
Còn màu sắc thì hoàn toàn sáng tạo theo cảm xúc riêng, đó chính là ký ức đó, máy tính cũng giúp nhiều thứ, khỏi mất thời gian, ví dụ thêm bớt hình ảnh, thay đổi màu sắc, sắc độ…
Say mê với những góc phố Hà Nội, họa sĩ Phạm Bình Chương đã từng thử chuyển đề tài khi vẽ về Hội An, và TP. HCM.
Anh chia sẻ: "Hiện tôi đang sống ở TP.HCM như người dân thành phố. Phải nói cuộc sống quá vui, quá dễ chịu, nhưng nó quá “mới”. Chắc là do thời tiết khô nên đố bạn tìm được ngôi nhà nào có “mái ngói thâm nâu” đấy. Nó thiếu cái “nước thời gian”.
"Hội An thì bình yên mãi như một thời đã có, TP.HCM thì ngày một giàu đẹp. Hà Nội thì mong manh, cái cũ ngày một mất đi (thậm chí rất đột ngột) để lại tiếc nuối, và đó chính là cảm hứng cho tôi vẽ. Sáng tác như là sự chạy đua với thời gian, và bức tranh vẽ xong lại trở nên quý. Tuy nhiên cảm xúc người sáng tác rất khó đoán, có thể chỉ ngày mai tôi lại vẽ về Sài Gòn thì sao? Không ai biết được, kể cả tôi”, Phạm Bình Chương cho biết.
Phạm Bình Chương chia sẻ, anh bị nhiều người “vu” cho là vẽ theo lối cực thực (hyperrealism). Thực tế, anh đi theo “hiện thực” (realism). Sau thất bại ở triển lãm chung đầu tay với bạn bè, trong khi bạn bán được tranh còn tranh mình không ai mua, Phạm Bình Chương bắt đầu tìm cho mình một lối đi riêng. |
Xem tranh của Phạm Bình Chương vẽ Hà Nội:
Kể cả khi vẽ tranh với đề tài con người, cảnh sinh hoạt, họa sĩ Phạm Bình Chương vẫn chọn những nội dung gợi hình ảnh xưa cũ. Trong ảnh là tác phẩm Dáng mẹ. |
Tác phẩm Góc phố bình yên khiến những người đang sống xa Hà Nội muốn được về, ngồi xuống quán nước trà nóng giữa mùa đông có chút nắng vàng |
Trong tranh của Phạm Bình Chương cây bàng xuất hiện nhiều lần, lúc khẳng khiu, khi đỏ rực, lúc nhú xanh những chùm lá xanh non. Trong ảnh là tác phẩm Mùa đông. |
Màu vàng thường xuất hiện trong những bức tranh “như thật” của Phạm Bình Chương. Trong ảnh là tác phẩm Những ô cửa |
Hà Nội là chủ đề gắn bó với Bình Chương. Trong khoảng năm năm trở lại đây, anh vẽ khoảng 100 bức tranh với đề tài phố cổ Hà Nội. Trong ảnh là tác phẩm Quán bên hè. |
Hà Nội là chủ đề gắn bó với Bình Chương. Trong khoảng năm năm trở lại đây, anh vẽ khoảng 100 bức tranh với đề tài phố cổ Hà Nội. Trong ảnh là tác phẩm Quán cũ. |
Hiệu cho thuê sách cũ ở số 2 phố Thi Sách khiến nhiều người rưng rưng nhớ về một thuở |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận