TTCT - Về một bức tranh của Nguyễn Tường Tam và con dấu “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường” - một vết tích lý thú cần được tìm hiểu kỹ hơn. Một bức tranh khắc gỗ với dấu ấn 8 chữ triện “大南高等美術學堂” (Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường) đã được nhà Drouot đưa lên sàn với giá ước lượng 4.000 - 6.000 euro và chỉ bán được với giá 4.000 euro (4-2019).Một bức tranh chưa được nhận raBức tranh "La Tonkinoise et la vieille femme", 73x45cm.Trong phần cước chú, bức tranh được đặt tên La Tonkinoise et la vieille femme, định khoảng thành tranh vào năm 1935, nhà Drouot đã căn cứ vào con dấu 8 chữ tên trường nên xác định đây là tác phẩm xuất xứ từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng do không đọc được tên tác giả trong dấu triện nên chỉ ghi “Dấu tên họa sĩ ở góc dưới trái” (Catalogue, tr.71) [1].Có thể do không rõ tên tác giả, nên bức tranh được bán chỉ với giá 4.000 euro (hơn 100 triệu đồng VN), đây đúng là cái giá rất rẻ đối với tác phẩm hiếm hoi độc đáo, cũng là tác phẩm thứ 2 của Nguyễn Tường Tam xuất hiện trên thị trường quốc tế.Trước đây 10 năm, bức tranh lụa Cảnh phố chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois) [2] của Nguyễn Tường Tam (ký tên Tam, chữ quốc ngữ) ở sàn Sotheby’s ước lượng giá 25.000 - 32.000 USD và đã bán được với giá 75.000 USD.Cảnh phố chợ Đông Dương (~1926 - 1929), lụa, 51x92cmBức tranh này có hai hàng chữ Hán Nôm (nhất thời chưa dịch ra) ở góc trên phải, còn ở góc dưới trái là con dấu tên trường “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường” đặt trên con dấu 4 chữ “阮祥三印” (Nguyễn Tường Tam ấn), cạnh bên là hàng chữ “南民畫意” (Nam dân họa ý/Bức vẽ người dân Nam); thêm một hàng chữ rất nhỏ khó nhận rõ nét, có thể đoán là “第五之百本” (Đệ ngũ chi bách bản/ Bức thứ 5 trong 100 bức)?Dấu nền đen: Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường; dấu đỏ: Nguyễn Tường Tam ấn; hàng chữ đen: Nam dân họa ý, đệ ngũ chi bách bản (?).Con dấu “Nguyễn Tường Tam ấn” được thực hiện bởi kiểu chữ triện khó nhận dạng, trong 4 chữ thì có 2 chữ dễ đọc là chữ “Tường” (dưới phải) và chữ “ấn” (dưới trái); chữ “Nguyễn” (trên phải) vừa bị vết mực lem vừa được dựng nét khác với các kiểu chữ triện thông dụng, nếu so chữ “Nguyễn” này với chữ “Nguyễn” trong con dấu “阮文巳印” (Nguyễn Văn Tỵ ấn, trên bức sơn mài Chợ Bờ, Catalogue, tr.109) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sẽ nhận thấy điểm tương đồng; chữ “Tam” (trên trái) phỏng theo kiểu triện Sử Lựu biến cổ với đặc điểm tạo nét uốn trùng điệp, có dạng gần với vài loại quan ấn và đa số ấn của đạo sĩ.Nguyễn Văn Tỵ ấn (chữ Nguyễn ở góc trên trái)Đây là trường hợp một con dấu phối hợp nhiều kiểu chữ triện, không giống dấu triện của các tác gia Trung Hoa thường được khắc với kiểu chữ nhất quán.Nguyễn Tường Tam ấn (chữ Nguyễn ở góc trên phải)Để xác định chắc chắn hơn về con dấu “Nguyễn Tường Tam ấn”, những người trong gia tộc Nguyễn Tường có thể coi lại trong số di vật lưu niệm của ông, có giấy tờ sách vở nào được đóng con dấu này, có khi may mắn gặp con dấu đã từng đóng lên tranh còn nằm lẫn trong hộp tráp vật dụng văn phòng.“Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường”Về dấu ấn 8 chữ “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường” đóng lên tranh, ngoài bức của Nguyễn Tường Tam, còn thấy trên bức tranh khắc gỗ Bến thuyền sông Hồng (1931) của An Sơn Đỗ Đức Thuận (1898 - 1970).Những phiên bản Bến thuyền sông Hồng hiện thấy được có nhiều điểm bất đồng. Trên trang Artnet [3] cả 2 bức Bến thuyền sông Hồng đều có tên hiệu tác giả 4 chữ “安山杜子” (An Sơn Đỗ Tử) và con dấu 8 chữ “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường” ở góc phải dưới, với kích thước tranh ghi nhận 48x43,5cm.Còn ở 2 phiên bản Bến thuyền sông Hồng trong 2 sách Tranh khắc gỗ Việt Nam (nxb Văn Hóa, 1978) và Tranh khắc gỗ Việt Nam (nxb Mỹ Thuật, 1998) thì không có 4 chữ tên hiệu tác giả và con dấu 8 chữ tên trường, với kích thước tranh ghi nhận 48x42cm; ở một phiên bản khác nữa, trong sách Trường Mỹ thuật Đông Dương, Lịch sử và nghệ thuật (NXB Mỹ Thuật, 2015) thì góc phải dưới tranh cũng không có tên hiệu “An Sơn Đỗ Tử”, không có dấu tên trường, nhưng lại có con dấu tên hiệu và tên họ với 8 chữ “安山道人杜德順記” (An Sơn Đạo Nhân Đỗ Đức Thuận ký), kích thước tranh ghi nhận 48x43cm.Qua 5 phiên bản Bến thuyền sông Hồng, có thể thấy con dấu “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường” chỉ được đóng lên 2 bức tranh trên sàn đấu giá hải ngoại, và vì sao 3 bức được chụp lại trong những cuốn sách in trong nước không có con dấu này?Hình dạng và nét chữ triện của con dấu 8 chữ tên trường trên tranh Nguyễn Tường Tam và Đỗ Đức Thuận rất giống nhau (dấu hình chữ nhật đứng, nét chữ âm văn, hai hàng dọc mỗi bên 4 chữ), có thể nhận định là cùng một con dấu đóng lên tranh của hai tác giả, có nên đặt giả thiết rằng Trường Mỹ thuật Đông Dương từng tồn tại một con dấu “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường”, và nó đã/chỉ được đóng lên những bức tranh lưu ở trường.Tại sao không là Đông Dương (Cao đẳng Mỹ thuật học đường) mà là Đại Nam, nếu bàn một chút về cách gọi tên trường khá lạ này, có thể nghĩ rằng họa sĩ Nam Sơn, hoặc là hai họa sĩ khóa đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Tường Tam và Đỗ Đức Thuận đã bởi nghiêng nặng về tinh thần quốc gia, chọn cách dịch sang chữ Hán không sát với tên gọi chính thức (Ecole des Beaux-Arts de I’Indochine). Dùng chữ Đại Nam với nghĩa quốc hiệu trong dấu triện cá nhân hàm ý xác định nguồn gốc, dù hiếm hoi nhưng cũng có thể kể trường hợp Mai Trung Thứ, trên bức Cô gái gảy đàn tỳ bà thấy họa sĩ này đóng con dấu 4 chữ “大南枚栨” (Đại Nam Mai Thứ/Mai Thứ người Đại Nam).Dù đúng sai ra sao, thì con dấu “Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường” vẫn là một vết tích lý thú cần được tìm hiểu kỹ hơn.■Tham khảo: [1] March-April 2019 CATALOGUEvertsionfinaleBassedef2019, bản PDF do Hà Vũ Trọng gởi cho.[2] http://www.artnet.com/artists/nguyen-tuong-tam/[3] http://www.artnet.com/artists/do-duc-thuan/ Tags: TranhTranh Việt NamMỹ thuật Đông DươngNguyễn Tường TamCao đẳng mỹ thuật học đườngĐại Nam Cao đẳng mỹ thuật học đường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.