Các cựu tù Hỏa Lò năm xưa cùng với các chiến sĩ cảnh sát trẻ tham quan trưng bày Cung trầm tháng 7 - Ảnh: T.ĐIỂU
Trưng bày Cung trầm tháng 7 được Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò khai mạc hôm nay, 20-7, với sự tham gia của nhiều cựu tù Hỏa Lò nay đã là những cụ ông, cụ bà cao tuổi, và các bạn trẻ.
Trưng bày giới thiệu tới người xem câu chuyện cảm động về cuộc đời hoạt động cách mạng, ý chí kiên cường của những chiến sĩ yêu nước, các nhà cách mạng khi bị địch bắt, giam trong ngục Hỏa Lò và hy sinh sau đó.
Trưng bày gồm ba phần: Khát vọng non sông, Dưới ngọn cờ hồng và Mãi mãi khắc ghi.
Khát vọng non sông kể những câu chuyện về gương lẫm liệt của các chí sĩ yêu nước từng bị giam trong nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ 20, những sự hy sinh làm gióng lên "Tiếng chuông gọi tỉnh hồn nước".
Cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Tiến Hà tham quan trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU
Đó là sự hy sinh lẫm liệt của các chiến sĩ trong vụ đầu độc binh lính Pháp tại Hà Nội (vụ Hà Thành đầu độc) năm 1908.
Hay 7 chí sĩ trong nhóm Việt Nam Quang Phục Hội do nhà yêu nước Phan Bội Châu đứng đầu, bị thực dân Pháp xử chém ngay trước cổng nhà tù Hỏa Lò ngày 24-9-1913.
Phần trưng bày cái chết oai hùng của các chí sĩ Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Vũ Ngọc Thúy, Phạm Đệ Quý, hai anh em Phạm Hoàng Triết và Phạm Hoàng Quế, Phan Văn Tiền được thể hiện không phải từ sử sách của "quân ta", mà trích từ báo Pháp, bài "Tử hình những kẻ vô chính phủ chống đối lại người Pháp" đăng trên báo L’avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ).
Phần trưng bày này còn mang tới câu chuyện xúc động về tinh thần yêu nước quật cường, hiên ngang trước cái chết của 13 yếu nhân Việt Nam Quốc Dân Đảng bị hành quyết tại Yên Bái năm 1930, trong đó có các ông Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính.
Đọc những câu thơ cuối cùng của Nguyễn Thái Học trong trưng bày sẽ là bài học lay động về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ:
"Bao năm mơ tưởng đoạn đầu đài
Như nguyện ngày nay thật không sai.
Máu đổ tốt tươi mầm cách mạng,
Đầu rơi nảy nở giống anh tài".
Phần trưng bày Dưới ngọn cờ hồng giới thiệu những tấm gương anh dũng vì nợ non sông, từng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò từ sau khi có ngọn cờ hồng của Đảng dẫn đường.
Đó là những gương hy sinh của Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Quang Thái, Hoàng Ngân, Trần Bình, Phạm Hướng…
Diễn hoạt cảnh cuộc gặp mẹ cuối cùng tại nhà tù Hỏa Lò của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh - Ảnh: T.ĐIỂU
Dự khai mạc trưng bày cùng các đồng chí của mình, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - trưởng Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò 1930-1954 - cho biết ông rất xúc động khi những ngày tháng 7 này được nhớ về các đồng chí đã anh dũng hy sinh của mình và nhớ về chính quãng thời gian bị tù đày ở Hòa Lò từ 1950-1953.
Xem hoạt cảnh về buổi gặp gỡ cuối cùng của hai mẹ con nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Đức Cảnh tại nhà tù Hỏa Lò trước khi ông bị xử tử, ông Hà lại nhớ về những năm gian khổ của mình ở nơi này, gia đình đều đã "đi kháng chiến", không có người thân thăm nuôi nhưng đổi lại, rất nhiều đồng bào, nhân dân đến thăm nuôi đồng thời giúp bắt nối thông tin với bên ngoài.
Ông Hà thay mặt các chiến sĩ cách mạng năm xưa cũng kiến nghị lên Chính phủ quan tâm, có chính sách cấp thẻ thương binh cho những người từng bị địch bắt, tù đày dù không để lại vết thương thực thể nhưng mang những vết thương âm ỉ cả đời vì những đòn roi tra tấn thâm độc của địch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận