Các em học sinh Ấn Độ tại một trường cấp II công lập tại Delhi tham gia buổi học hạnh phúc - Ảnh: WASHINGTON POST
Tôi không biết liệu hạnh phúc có học được không, nhưng nó có thể luyện tập được. Thế nên một khi bạn đã bắt đầu thực hành cách sống hạnh phúc, nó sẽ là một phần đời của bạn
Ông Sisodia
Chính quyền thành phố Delhi chủ trương đưa vào khóa học này nhằm thay đổi quan điểm và nhận thức của toàn xã hội: thay vì chăm chú vào thành tích và điểm số của học sinh, cần giúp các em được vui vẻ, hạnh phúc hơn khi tới lớp.
Đề cao trí tuệ cảm xúc
Người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô Delhi, ông Manish Sisodia, là người chịu trách nhiệm về khóa học "phi truyền thống" này.
"Nó sẽ giúp giải quyết nỗi lo đang ngày một lớn hơn - đó là mức độ hạnh phúc, khỏe mạnh thì giảm trong khi sự căng thẳng, lo lắng và trầm cảm lại tăng" - ông Sisodia chia sẻ quan điểm trên Twitter khi khởi động chương trình vào đầu tháng 7-2018.
Ông Sisodia là một trong những người đồng tình quan điểm cho rằng những áp lực học hành có liên quan tới tỉ lệ tự tử cao của học sinh Ấn Độ.
"Trong khoảng từ 40-50 năm qua, hệ thống giáo dục đã sản sinh ra các công nhân công nghiệp" ở mọi cấp độ giáo dục, ông từng nói như thế trong một lần trả lời truyền thông Mỹ. Cũng theo ông, môi trường học thuật cứng nhắc và chuộng sách vở, từ chương của Ấn Độ đã khuyến khích lối học vẹt, dẫn tới kiểu nhồi nhét, căng thẳng, bỏ qua phát triển sáng tạo cũng như các kỹ năng xã hội.
Theo báo cáo năm ngoái của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 1/4 trẻ em Ấn Độ trong độ tuổi 13-15 đối mặt với chứng trầm cảm. Bà Alexandra Fleischmann, một điều phối viên dự án của WHO, cho biết tại Nam Ấn, họ đã quan sát thấy sau các kỳ thi cử, số ca tự tử đã tăng cao hơn trong nhóm các em học sinh thi hỏng.
Bản thân cũng là con của một giáo viên, ông Sisodia nổi tiếng là người có những chính sách giáo dục phi truyền thống, trong đó có chuyện cổ xúy cho giáo dục công lập thay vì tư thục.
Ông cũng đã vận động thành công để thành phố dành tới 26% ngân sách cho giáo dục, tạo điều kiện triển khai những sáng kiến kiểu như khóa học hạnh phúc.
Tại Ấn Độ, các trường đại học danh giá nhất đòi hỏi điểm số kiểm tra trung bình của sinh viên phải đạt trên 98%. Áp lực điểm số và thành tích cũng là nguyên nhân dẫn tới các bê bối gian lận thi cử khi nhiều cuộc thi cuối cấp trung học có sự tham gia dàn xếp của cả các thầy cô giáo và quan chức trong trường.
WASHINGTON POST
Học hạnh phúc là học gì?
Lớp học hạnh phúc không có sách giáo khoa, không chấm điểm, không bài tập về nhà và cũng không phải làm bài kiểm tra. Trong bài học từ 30-45 phút mỗi ngày, giáo viên sẽ hướng dẫn các em học thiền định và tham gia các hoạt động sáng tạo như kể chuyện, chơi trò chơi.
Giáo viên sẽ hướng dẫn các em nhắm mắt lại, chăm chú lắng nghe âm thanh quanh mình. Các em được yêu cầu ghi nhận các âm thanh nghe được và phân biệt từng âm thanh, cuối cùng là tập trung lắng nghe, cảm nhận hơi thở của chính mình.
Khóa học sẽ bắt đầu từ trường mầm non với trẻ từ 3-4 tuổi và theo chúng cho tới năm lớp 8. Các em cũng được học theo các nhóm tuổi: nhóm từ mầm non tới lớp 2, nhóm lớp 3 tới lớp 5 và nhóm từ lớp 6 tới lớp 8.
Những người chịu trách nhiệm về chương trình như ông Sisodia hi vọng có thể trang bị cho các em học sinh kỹ năng sống hạnh phúc để các em biết duy trì trạng thái sống tích cực này cả trong và ngoài lớp học, ngay cả khi không thể đạt được những kỳ vọng thành tích.
Ông Rajesh Kumar, người đứng đầu ủy ban lên kế hoạch cho chương trình học hạnh phúc, cho rằng sự thành công của môn học sẽ bắt đầu từ quan điểm của người thầy. "Anh phải bước vào lớp với một nụ cười.
Làm sao mà một giáo viên không biết tiếng Hindi lại có thể dạy tiếng Hindi?" - ông Kumar ví von để nói rằng một người thầy không hạnh phúc sẽ khó có thể lan tỏa tinh thần hạnh phúc cho các học trò.
Cho tới nay, theo cơ quan giáo dục của thủ đô Delhi, đã có 20.000 giáo viên thuộc 1.000 trường học được đào tạo để dạy môn hạnh phúc cho 1 triệu trẻ em trong khuôn khổ chương trình mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận