16/08/2017 16:03 GMT+7

Cỏ máu không phải là 'thần dược'

HỒNG LY
HỒNG LY

TTO - Trên mạng xã hội, cây cỏ máu đang được rao bán tràn lan và được gọi là “thần dược” với những lời giới thiệu có cánh: “thoát kiếp gầy nhờ cây cỏ máu” hay “tăng cân - bổ máu - đẹp da - lợi sữa”….

Cây cỏ máu đang đươc rao bán trên mạng, khi nấu lên nước cây có màu đỏ - Ảnh: HỒNG LY
Cây cỏ máu đang đươc rao bán trên mạng, khi nấu lên nước cây có màu đỏ - Ảnh: HỒNG LY

Thực phẩm… đa chức năng?

Chủ một trang trên Facebook rao bán cỏ máu quảng cáo là hàng từ quê Thanh Hóa gởi vào, với nhiều tác dụng: giúp ngủ ngon, mát gan, da dẻ hồng hào.... Giá 10 gói, mỗi gói 1 gam, là 220.000 đồng. Chị cho biết hiện đang có "đợt khuyến mãi" nên khách mua sẽ được tặng 2 gói.

“Mặt hàng này hiện nay bán rất chạy. Có nhiều khách đến lấy sỉ về để bán lại. Thông thường, ngoài cỏ máu thì chị thường kết hợp thêm lạc tiên, cỏ béo để đáp ứng nhu cầu người mua.” - chủ trang trên Facebook cho biết.

Tương tự, chị N.K.H, đang kinh doanh cỏ máu trên mạng, cho biết cỏ được nhập từ quê Quảng Bình vào nên "đảm bảo chất lượng".

“Uống cỏ máu giúp tăng cân. Tùy tạng người, nếu hợp thì một tháng có thể tăng 2 - 3 kg. Cây có tác dụng bổ huyết, mát gan, giúp cơ thể mình thấy khỏe, ăn uống được nên giúp tăng cân. Ngoài ra, có thể dùng nước cỏ máu để tắm cho em bé để giảm rôm sảy, mẩn ngứa rất tốt” - chị H. cho biết.

Khi mua, khách được tặng một tờ giấy hướng dẫn sử dụng, cách đun nước, kèm theo số điện thoại liên hệ.

Chị T.T.H (Q.9, TP.HCM), cho biết: Tôi lướt facebook thấy người ta bán nhiều. Khi tìm hiểu thì thấy cũng có tác dụng nên cũng mua về cho con dùng thử. Con tôi biếng ăn nên mua về nấu nước cho uống thì thấy con cũng nhanh đói, đòi ăn hơn trước” - chị H. nói.

Cũng tin vào chất lượng của sản phẩm khi đọc những bài quảng cáo trên Facebook, chị Đ.T.H (Hà Tĩnh) vừa sinh con xong đã quyết định mua về sử dụng.

“Tôi mới sinh xong nhưng thấy mình vẫn gầy, thấy bạn bè giới thiệu và tìm hiểu thêm, tôi nhờ chị ở trong TP.HCM mua gửi về để dùng. Nhưng tôi mới uống được tầm 3 ấm thì thấy mệt hơn, cơ thể khó chịu và không muốn ăn nên không sử dụng nữa” - chị H. nói.

Một dạng cây kê huyết đằng - Ảnh: HỒNG LY chụp lại trong từ điển Cây thuốc Việt Nam của TS Võ Văn Chi
Một dạng cây kê huyết đằng - Ảnh: HỒNG LY chụp lại trong từ điển Cây thuốc Việt Nam của TS Võ Văn Chi

Không giúp tăng cân

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, uỷ viên BCH Hội Dược liệu TP.HCM, cho biết gọi đây là cây cỏ máu là không đúng. Cây này tên là kê huyết đằng, người dân vẫn gọi với nhiều tên gọi khác nhau như cây máu gà, cây huyết rồng, hay hồng đăng.

“Từ điển Cây thuốc Việt Nam của TS Võ Văn Chi và sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi đều không có cây nào tên là cỏ máu. Cỏ máu là cách gọi dân gian. Người dân thường dùng đối với những cây khi bào ra có vết đỏ. Cây tên huyết đằng vì thân cây khi cắt ra có chất nhựa màu đỏ như máu (huyết là máu, đằng là dây), kê huyết đằng là dây máu gà”, lương y Nguyễn Đức Nghĩa giải thích.

Theo lương y Nghĩa, kê huyết đằng rất đa dạng, phân bố ở nhiều vùng khác nhau từ bắc đến nam như: huyết đằng lông, huyết đằng quả to, huyết rồng, hồng đằng...

Phần lớn là cây dây leo thân gỗ, hình trụ tròn hoặc dẹt, mặt cắt có hai, ba vòng gỗ đồng tâm hoặc không đồng tâm và có nhựa màu đỏ. Ngoài ra, có một loại là huyết đằng núi, một loại cây gỗ nhỏ cao khoảng 3 mét, có tên khoa học là Millettia Dielsiana Harms.

Kê huyết đằng có vị đắng, tính ấm, tác dụng bổ huyết, mạnh gân cốt, thông kinh hoạt lạc, trị đau lưng, mỏi gối, đau dạ dày, kinh huyệt không đều ở phụ nữ... Ngoài ra, rễ cây có tác dụng giãn gân, hoạt huyết, sát trùng rất tốt.

Cây có thể sử dụng để sắc thuốc uống, dùng ngâm rượu hoặc nấu cao. Liều dùng của cây từ 6 - 30 gam, tùy thuộc vào cách sử dụng và theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy theo kinh nghiệm mà người bệnh dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác.

Tuy nhiên, lương y Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định: “Từ trước đến nay không có chuyện uống kê huyết đằng giúp tăng cân. Trong sách vở và trong thực tế cũng vậy. Người bệnh nên sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ, trong một vài trường hợp, vì cây có tính ấm nên khi sử dụng nhiều quá chúng ta sẽ có cảm giác khô họng và bị táo bón” - lương y Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý thêm.

ThS, dược sĩ Dương Hồng Tố Quyên, phó trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết  “Nhìn cảm quan bên ngoài chúng ta sẽ rất khó có thể phân biệt được vì một số cây nhìn giống nhau nhưng lại khác nhau về loài cũng như công dụng. Chỉ khi chặt thân có nhựa màu đỏ chảy ra như máu nên người ta gọi là cây cỏ máu hay dây máu, có một đặc điểm chung là nước cây nấu ra có màu đỏ.

“Dược liệu trước khi đưa vào sử dụng phải được đưa đi kiểm nghiệm, tiêu chuẩn kiểm nghiệm phải đạt theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, người dân nên đến những bệnh viện, cơ sở y tế để mua các loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, dược sĩ Quyên lưu ý.

HỒNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên