Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trao đổi về dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - thiếu tướng, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - đánh giá cơ sở chính trị, pháp lý của luật rất rõ.
Đây không phải lực lượng thành lập mới, mà thực chất là sắp xếp thống nhất, tổ chức lại các lực lượng đã có gồm: công an xã bán chuyên trách, lực lượng dân phòng và lực lượng bảo vệ dân phố.
Một số trong này được đào tạo, huấn luyện và có kiến thức cơ bản về an ninh trật tự. Trong số công an xã bán chuyên trách có nhiều người từng được đào tạo đến trung cấp công an nhân dân nên cũng có trình độ, khả năng, điều kiện.
"Đây là đòi hỏi rất khách quan để đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Tất cả vụ việc đều diễn ra ở cơ sở, trước hết là các thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Nếu có lực lượng này là cầu nối, cánh tay nối dài của lực lượng công an xã chính quy là vô cùng cần thiết, thực tiễn đòi hỏi có lực lượng này", bà Xuân nhấn mạnh.
Nữ đại biểu đoàn Đắk Lắk nêu hiện nay tình hình an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn có nhiều tranh chấp, khiếu kiện, xung đột. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, nắm tình hình trong dân tốt hơn.
Bà Xuân cùng nhất trí với nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nêu trong dự luật.
Bà đề nghị dự thảo luật thể hiện rõ đây là lực lượng có tính chất hỗ trợ công an xã chính quy, không phải làm thay và làm trùng lặp với chức năng của công an xã.
Theo bà Xuân, hiện công an xã chính quy bố trí 100% địa bàn nhưng số lượng còn khá mỏng. Có những xã ở địa bàn Tây Nguyên có 5 người nhưng phải đảm nhận rất nhiều việc. Nếu không có lực lượng này hỗ trợ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
"Thực tế mấy ngày vừa qua rất nóng về tình hình an ninh Tây Nguyên, nếu có lực lượng này được hướng dẫn cụ thể sẽ là tai mắt khi nhóm đối tượng này đi mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ phương tiện", bà Xuân nói.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) còn băn khoăn về các quy định nhiệm vụ của lực lượng này. Ông đề nghị rà soát quy định tách bạch cụ thể, rõ ràng việc tham gia của lực lượng này để không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của công an xã. Tuyệt đối không để một việc giao cho hai lực lượng đảm trách.
Ví dụ, dự luật quy định lực lượng này có nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Trong khi hiện nay, lực lượng dân phòng cũng được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, phương tiện như trên.
Hoặc theo ông Thành, quy định lực lượng hỗ trợ công an cấp xã nắm tình hình và nắm thông tin cần làm rõ nắm tình hình, nắm thông tin là gì? Nắm qua báo đài hay được phép yêu cầu các cá nhân, đơn vị cung cấp thông tin.
"Nếu không viết rõ mà quy định chung chung sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến thực hiện nhiệm vụ không đúng chức trách", ông Thành phân tích.
Đại biểu cũng cho rằng không phải địa bàn thôn, tổ nào cũng thành lập tổ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Cần xác định rõ, cụ thể điều kiện, tiêu chí cũng như quy trình để thành lập các tổ này. Những địa bàn thực sự cần thiết mới thành lập, tránh lãng phí.
Làm rõ sự cần thiết ban hành luật
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành luật này. Đại biểu cho rằng cần củng cố thế trận lòng dân, chứ không cần củng cố lực lượng khác.
Theo ông Vân: "Đụng đến dân là không được. Sự kiện vừa rồi ở Đắk Lắk, nếu không có sự tham gia của nhân dân làm sao nhanh chóng vây bắt được hàng chục đối tượng như thế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận