Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM chiều 10-11 - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập các bộ xét nghiệm, quản lý giá xét nghiệm và trang thiết bị y tế?".
Lần đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có những giải trình cụ thể nhưng nhiều đại biểu tiếp tục tranh luận và có lẽ còn nhiều đại biểu, cử tri chưa thấy thỏa đáng.
Đại biểu chưa thỏa mãn
Trả lời Tuổi Trẻ sau phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng bộ trưởng Bộ Y tế đã cố gắng giải đáp và làm rõ những bất cập trong quản lý giá xét nghiệm nhưng chưa được như kỳ vọng của ông.
Theo ông, mặc dù Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn, có các văn bản chấn chỉnh, kiểm soát giá nhưng có hay không việc móc nối giữa các bệnh viện để nâng giá xét nghiệm, rồi chi phí xét nghiệm được điều chỉnh giảm từ 283.000 đồng xuống còn 109.000 đồng, ai chịu trách nhiệm cho chênh lệch giá này... vẫn chưa được làm rõ.
Trước đó, tại phiên chất vấn, đại biểu Hòa đã dẫn chứng có nơi thu phí đến 450.000 đồng/lần xét nghiệm và đặt câu hỏi: Liệu có "lợi ích nhóm" trong việc nhập bộ xét nghiệm hay không?
Tiếp đó, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) chất vấn: "Tại sao kit xét nghiệm trong nước không được sản xuất mà phải nhập từ nước ngoài? Sao đến nay mới có giá chính thức? Trách nhiệm của bộ về quản lý giá cả kit xét nghiệm là thế nào?".
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích giá xét nghiệm cao do trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng và giữa các nước sản xuất.
Mặt khác, có thời điểm cầu vượt nên giá thành cao hơn. Sau này nhiều doanh nghiệp cung ứng bộ xét nghiệm nên giá cũng "hạ nhiệt".
Ông Long cũng nêu hàng loạt động thái của Bộ Y tế để giúp "giảm nhiệt" giá xét nghiệm như: yêu cầu niêm yết công khai giá, kết quả đấu thầu; yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá bán cho đến vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước; tăng cường cấp phép tạo cạnh tranh giữa các đơn vị...
"Bộ Y tế đã ban hành thông tư về giá xét nghiệm, trong đó giá chỉ tính giá tối đa, tức là đối với giá xét nghiệm nhanh là 109.000 đồng và chỉ được thanh toán với mức như vậy. Chúng tôi đang đảm bảo quản lý giá đối với trang thiết bị y tế" - ông Long nói.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời, đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận và nhận định Bộ Y tế không quản lý giá là một thiếu sót.
Sẽ giám sát giá xét nghiệm ở cơ sở y tế tư nhân
Là người làm trong ngành y, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn chỉ ra cần có thông tư quy định giá trần và yêu cầu các cơ sở tư nhân chấp hành để đảm bảo quyền lợi cho người dân và Bộ Y tế, sở y tế phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Trao đổi lại, bộ trưởng Bộ Y tế cho hay không áp dụng hình thức quản lý giá đối với các đơn vị y tế tư nhân. Giá do các đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng niêm yết công khai.
"Chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu để cùng các đơn vị đưa ra hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân" - ông Long cho hay.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đặt vấn đề tại thông tư số 13 năm 2019 Bộ Y tế quy định mức giá là 238.000 đồng/lần đối với các xét nghiệm nhanh, nhưng tại thông tư số 16 ngày 8-11 vừa qua lại quy định mức giá chỉ còn 109.700 đồng, giảm hơn một nửa thì dựa trên cơ sở nào và tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy.
Ông Long giải trình rằng trước ngày 1-7 lượng xét nghiệm nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau ngày 1-7, khi tiên lượng phải cần nhiều xét nghiệm nhanh hơn, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đối với tất cả các đơn vị thuộc bộ và yêu cầu đối với tất cả các địa phương phải thực hiện theo phương thức thực thanh, thực chi.
Trong trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào, tức là giá đấu thầu. Vì vậy, có hiện tượng đã chênh lệch giá giữa các đơn vị và đối với các cơ sở tư nhân. "Đó là một trong những vấn đề chúng tôi đã nhận ra trong thời gian qua" - ông Long nói.
"Do quá bận về công tác phòng chống dịch cho nên đến tháng 9 khi chúng tôi yêu cầu phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của bộ là phải thực thanh, thực chi, giá xét nghiệm chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, tức là giá đấu thầu.
Đơn vị đã nhận lỗi là do mải mê quá cho nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu đối với các địa phương phải nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh những việc thu như thế này" - ông Long cho hay.
Bộ Tài chính cũng vào cuộc
Thông tin thêm về việc "loạn giá" trong dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng quy định yêu cầu các cơ sở y tế phải kê khai giá, được truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý.
Trường hợp kê khai giá nếu bán sai với quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động, nếu có hậu quả nghiêm trọng xử lý hình sự.
Với việc "loạn giá" xét nghiệm, ông Phớc cũng cho hay đã có chỉ đạo yêu cầu ngành thuế và ngành hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ, tài trợ để nâng giá nhằm đưa vào chi phí sản xuất với mục đích giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM):
Theo dõi các nội dung phiên chất vấn của Quốc hội sáng 10-11, tôi thấy ở nội dung sai phạm trong lĩnh vực y tế thời gian qua, phần trả lời của bộ trưởng không sai, tuy nhiên có thể chưa đi sâu vào vấn đề khi Bộ Y tế chỉ thanh tra, kiểm tra về mặt chuyên môn, còn các vấn đề về nhân lực, nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra là trách nhiệm thuộc UBND các tỉnh thành.
Nhưng theo tôi, ở cấp độ các tỉnh thành thì việc thanh tra chỉ dừng lại ở việc kiểm soát trên giấy tờ, còn phát giác sai phạm phải có nghiệp vụ từ Bộ Công an, do đó đôi khi thanh tra cũng không thể bắt được sai phạm.
Cử tri Nguyễn Thị Hiệp (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh):
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã trả lời thẳng thắn vấn đề cử tri quan tâm. Tuy vậy chúng tôi mong muốn Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp để dưỡng sức cho ngành y tế vì dịch COVID-19 còn phức tạp, chưa thể kết thúc ngay.
Bộ Y tế cần đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở nhằm đối phó với hiểm họa dịch bệnh trong tương lai.
Những vi phạm về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị rất đáng xử lý
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi nói về những vi phạm trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, nhất là các vụ án xảy ra ở các bệnh viện lớn thời gian qua.
Ông Lâm cho biết tinh thần chỉ đạo "phát hiện một vụ cảnh tỉnh cả vùng" nên sẽ tăng cường xử lý triệt để để cảnh tỉnh, răn đe cả lĩnh vực. Với các vụ việc vừa qua, qua đấu tranh, các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Bộ Công an hoàn thành nhanh điều tra và sớm truy tố các đối tượng. Quá trình xử lý, ngành công an chủ trương cá biệt hóa trách nhiệm cá nhân, chứng minh được tham ô, tham nhũng, tư lợi.
Theo ông Lâm, có ý kiến cho rằng việc vi phạm vừa qua do bất cập chính sách, cơ chế nhưng theo ông Lâm "không phải" mà có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để có hành vi vi phạm.
Bộ Công an kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình tham mưu, quy trình đầu tư, mua sắm để sớm ngăn chặn vi phạm. Mặt khác, nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào bình ổn giá để không xảy ra hành vi trục lợi.
Sau "cú penalty" phút 90, "loạn giá" xét nghiệm hy vọng sẽ bị đánh bại
Các shipper tại TP.HCM trong ngày lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đúng ngày Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội 10-11, cũng là ngày quy định mới về giá xét nghiệm COVID-19 Bộ Y tế vừa ban hành trước đó 2 ngày có hiệu lực.
Giá test nhanh mới áp dụng tại cơ sở công lập đã giảm hơn một nửa so với giá cũ, tối đa còn trên 109.000 đồng/xét nghiệm, xét nghiệm PCR còn trên 500.000 đồng/xét nghiệm, giảm 30% so với trước.
Giá xét nghiệm là vấn đề rất được quan tâm từ đầu mùa dịch và càng được quan tâm hơn khi nhiều tỉnh thành dùng "giấy thông hành" là kết quả xét nghiệm để người dân được "thông chốt". Nhiều tỉnh thành còn truy vết bằng xét nghiệm rộng, trong khi giá xét nghiệm nhảy múa: có nơi thu 200.000 đồng, nơi 300.000 đồng...
Trong phiên họp diễn ra hồi đầu tháng 10 bàn về xét nghiệm, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định về giá xét nghiệm mới. Trước đó, khi dự thảo về giá xét nghiệm mới được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, người dân đã gửi ý kiến là nên ban hành ngay quy định này, không cần chờ 1-11 như trong dự thảo.
Nhưng thực tế phải 10-11 thì quy định này mới được đưa ra áp dụng. Trong khi nếu có quy định giá xét nghiệm và có quy định chỉ định xét nghiệm hợp lý, trường hợp nào có thể xét nghiệm mẫu gộp để giảm chi phí... sẽ đỡ được gánh nặng cho người dân.
Các doanh nghiệp cũng đỡ phần nào lao đao khi vừa thiệt hại do dịch nay trở lại sản xuất thì đối mặt với giá xét nghiệm "nhảy múa".
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quy định không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm khi đi lại. Trong các hướng dẫn gần đây, Bộ Y tế cũng phải nhắc đi nhắc lại với địa phương là không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm.
Cuối tháng 10, khi lãnh đạo Bộ Y tế có cuộc đối thoại với cơ quan truyền thông, Bộ Y tế cho biết quy định về giá xét nghiệm sẽ chậm hơn kế hoạch do phải bàn bạc thêm với các bộ ngành. Ngay "phút 90", khi ông Long chuẩn bị trả lời chất vấn, quy định này đã được ban hành, được coi như một "cú penalty" vào giờ chót của Bộ Y tế.
Có ý kiến cho rằng có quy định mới về giá thì bệnh viện có hồi cứu, trả lại tiền cho người đã phải trả phí xét nghiệm cao không? Hồi cứu trả tiền lại thì chắc là không, nhưng việc của các cơ sở y tế sau khi có quy định này là lùi nhanh về giá mới.
Khi mua kit test nhanh ở thị trường, chúng tôi thấy giá test bán lẻ vẫn đang ở mức 145.000 đồng/bộ. Thị trường vẫn còn rất lộn xộn. Sau quy định giá xét nghiệm tại bệnh viện công, Bộ Y tế còn cần lập lại trật tự ở thị trường tự do, vì giá sinh phẩm y tế, theo quy định mới, đã xếp vào nhóm hàng phải quản lý giá.
LAN ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận