Mái che nhỏ nơi khách đợi tàu ở ga Dĩ An, Bình Dương - Ảnh: H.ÂN
Vẫn như mọi năm, đầu tháng 8, tôi từ Bình Dương về thăm quê Bình Định bằng đường sắt. Cảm xúc vui mừng xen lẫn những trăn trở theo tôi suốt 700km hành trình.
Thoải mái, an toàn
Với những hành khách thong thả về thời gian, về Trung ra Bắc, đường sắt vẫn là sự chọn lựa tuyệt vời. Ai cũng dễ dàng lựa chọn theo ý thích bởi các toa dù là giường nằm, ghế ngồi mềm hay cứng cũng đều có trang bị điều hòa. Trẻ em có thể được đi lại vui đùa thay vì cứ phải ngồi yên một chỗ. Người lớn thỉnh thoảng đứng dậy vận động, thư giãn cho đỡ mỏi. Ăn uống, vệ sinh tại toa, muốn mua quà mang về cũng được đáp ứng, với giá cả hợp lý.
Chỗ ngồi, giường nằm có sẵn ổ cắm điện, lướt web hay cần làm việc cũng tiện. Hệ thống loa khi vào đến địa phận mỗi tỉnh cũng đều "phát sóng" giới thiệu vị trí địa lý, lịch sử và những danh lam thắng cảnh giúp hành khách hiểu thêm về nước non mình, thông báo trước 15 phút khi tàu sắp dừng đón trả khách tại ga để không ai bị "ngủ quên".
Sàn tàu luôn được các nhân viên phụ trách toa thu dọn sạch sẽ. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ, những người lên tàu từ các ga lẻ không phải cầm sẵn vé trên tay, chỉ cần mở điện thoại là đủ để được hướng dẫn đến đúng ghế.
Và, tàu đi đúng giờ. Tôi đi từ ga Dĩ An, đúng 19h32 đoàn tàu SE4 đến đón, chính xác tuyệt đối theo giờ ghi trên vé. Chiều "khứ hồi" dù tàu chạy từ Hà Nội vào đến ga Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) nhưng chỉ chậm không đáng kể, đó cũng là chuyện hiếm vì tàu vẫn rất đúng hẹn mỗi ngày.
Mong thay đổi từ những chuyện nhỏ
Mấy mươi năm qua, mỗi lần lên tàu, tôi luôn muốn thấy tàu "liên tục phát triển". Nhưng để cạnh tranh với đường bộ và hàng không trong thời đại công nghệ cao này thật sự là một thử thách.
Có lẽ, nhiều người có cùng mong ước rút ngắn thời gian chạy tàu, điều này khó bởi phải trông chờ vào nỗ lực nâng cấp, cải tạo đường sắt và toa xe. Thế nhưng, nhiều việc khác không khó để thực hiện được ngay, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến sự hài lòng cho hành khách đường sắt vẫn còn chậm thay đổi.
Hành khách phải có mặt sớm ở các ga để chờ tàu đến. Việc lắp đặt những mái che khung sắt, lợp tôn đơn giản giúp khách chờ tàu trú mưa ở ga nhỏ là chuyện cũng không quá khó, đường sắt nên lưu tâm.
Xe đẩy hành lý ở các ga chính được trang bị sẵn và miễn phí, nhưng còn rất nhiều ga nhỏ, khách phải thuê của tư nhân. Số tiền 20.000 đồng/lần không nhiều nhưng đây là trách nhiệm đơn vị vận tải phải đảm đương, chăm chút hơn.
Trước đây, mỗi toa ghế ngồi đều trang bị hai màn hình tivi. Ba năm nay không thấy nữa, chỉ còn trơ trụi, lẻ loi cặp giá đỡ bằng kim loại vừa thừa thãi lại vừa mất thẩm mỹ. Phần đông khách đi tàu là người cao tuổi và trẻ em, vẫn yêu chuộng loại hình giải trí truyền thống này. Càng hấp dẫn hơn trong việc truyền thông du lịch so với sử dụng loa chỉ có tiếng không có hình.
Tôi đi và về đều trên toa số 1. Không rõ nguyên nhân nào khiến riêng toa này bị tháo bàn ăn "mini", vốn được gắn vào sau lưng tất cả ghế ngồi. Trong khi "hàng xóm" là toa số 2 vẫn có. Chúng tôi cũng không hề muốn mua vé rẻ hơn 20.000 đồng nhưng lại thiếu một vật dụng hữu ích. Bổ sung vào khiếm khuyết trên là việc dễ dàng làm được ngay.
Giá thành 40.000 đồng/suất cơm trên tàu với đủ các món mặn, xào, canh cũng rất phải chăng khi khách được phục vụ tận nơi. Chỉ mong nhà tàu đa dạng món ăn để thực khách chọn lựa.
Chờ những chuyến tàu đường sắt tốc độ cao mất nhiều thời gian. Nhưng đường sắt hoàn toàn có thể thay đổi từ những "chuyện nhỏ nhất" với mục tiêu cần thu hút khách đi suốt bốn mùa, chứ không chỉ đông người trong thời gian cao điểm, rồi sau đó lại đìu hiu. Năm 2022 rồi nhưng vẫn phải đi trên những con tàu "già nua" dẫu sao cũng thấy buồn.
Mong những chuyến tàu đổi mới nhanh và nhiều hơn để hành khách đi về có chuyện hài lòng để mà khen ngợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận