09/10/2015 16:03 GMT+7

Có lẽ nào bỏ học thêm lần nữa?

LĨNH HỒNG - NGỌC HIỂN ngochien@tuoitre.com.vn
LĨNH HỒNG - NGỌC HIỂN [email protected]

TTO - Từng đỗ vào vào Trường Đại học Y Huế nhưng phải bỏ học giữa chừng vì gia cảnh quá nghèo, năm nay, Quỳnh một lần nữa trở thành tân sinh viên.

Phạm Thị Thu Quỳnh rưng rưng nước mắt khi nói về hoàn cảnh gia đình - Ảnh: Ngọc Hiển

Thế nhưng, một câu hỏi luôn hiện hữu, dày vò Quỳnh mãi: Tiếp tục đến trường hay đi làm kiếm tiền phụ mẹ để chữa bệnh cho em trai?

Anh cả đã bỏ ngang đại học đi lăn lộn kiếm tiền, em trai bị bại não khiến người mẹ một mình chống chọi, đối mặt với nợ nần chồng chất. Còn ba suốt ngày rượu chè, đánh đập, hành hạ mấy mẹ con. Đó là hoàn cảnh đầy bi thương của cô tân sinh viên Phạm Thị Thu Quỳnh - Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP. HCM.

Bán nhà cũng chẳng ai mua

Trong căn nhà tối om, chật chội, người phụ nữ một chân co lại đỡ lấy lưng đứa con trai bị bại não, vừa khó nhọc dán từng tờ giấy hàng mã. Đó là bà Nguyễn Thị Lý (thị trấn Ea Kar, huyện Ea kar, Đắk Lắk) - mẹ của Quỳnh và người con trai út bị bệnh bại não bẩm sinh.

Mới chỉ hỏi han được một đôi câu, người mẹ đã nước mắt ràn rụa khi nhắc đến những đứa con tội nghiệp của mình. Nhà có 3 đứa con, đứa trai lớn đã phải bỏ giấc mơ học đại học giữa chừng để đi làm thuê kiếm sống. Chỉ còn Quỳnh - niềm hi vọng lớn nhất của gia đình cũng đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho em trai đã từng một lần dang dở...

Nhà chỉ có 2 sào đất thuê mượn của người ta để trồng bắp, thu nhập chẳng đủ nuôi mấy miệng ăn và lo cho con cái học hành. Em út của Quỳnh bị bại não, không thở được nên phải ghép van não tốn cả trăm triệu đồng. Hiện giờ, gia đình đang nợ nần đang chồng lại đã đến thời hạn cháu phải thay van.

“Tôi muốn bán căn nhà này, kiếm tiền để đi thay van cho con, nhưng rao bán mãi mà chẳng ai muốn mua cho”, bà Lý ngậm ngùi chia sẻ. Căn nhà bà nằm ngay dưới chân trụ điện cao thế, sống lâu sinh ra mệt mỏi nên rao bán mãi chẳng ai thèm hỏi giá.

Khi được hỏi bán nhà thì cả gia đình biết trú ngụ ở đâu, bà Lý nhìn xa xăm, mơ hồ nói: “Cứ có tiền thay van cho con trước đã, rồi tôi sẽ đi lượm ve chai, bán vé số kiếm tiền thuê chỗ ở”.

Không thể bỏ con ở nhà một mình để đi làm thuê, bà Lý chỉ có thể tranh thủ dán thêm hàng mã kiếm thêm đồng tiền trang trải cho cuộc sống. “Ngày rằm, ngày tết người ta mới đặt hàng, chứ ngày thường này, có ai mua mấy đâu. Có lúc con gọi điện về hỏi mẹ ăn chưa mà tôi cố nuốt nước mắt vào trong bảo mẹ ăn rồi dù cả ngày chưa có miếng gì vào bụng”, bà Lý nghẹn ngào.

Đã thế chồng bà cứ suốt ngày say xỉn, phá hết đồ đạc trong nhà và đốt luôn những tờ giấy bà mày mò dán được. Bà kể: “Giờ ông ấy bị bệnh gan nữa, vẫn cứ đi khắp nơi rượu chè rồi về đánh đập, hành hạ 2 mẹ con”.

Rồi bỗng dưng bà òa khóc như một đứa trẻ, nói trong đứt nghẹn: “Năm ngoái, con Quỳnh đi học Trường Y Huế, nó học giỏi lắm mà rồi tự ý bỏ học, đi gia sư để đỡ đần cho mẹ. Nó cứ giấu tôi... Rồi mấy tháng sau không thấy con gọi điện thúc giục mẹ gửi tiền, tôi phải tra hỏi mãi, nó mới chịu nói ra. Tôi lặng cả người rồi bảo con đừng đi gia sư nữa để tập trung ôn thi lại, phải thực hiện cho bằng được ước mơ”.

Và không phụ lòng mẹ, năm nay Quỳnh tiếp tục đỗ vào Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Chiếc giường không manh chiếu

Trong căn phòng số 11 ở tầng 3 ký túc xá Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh (Q.Tân Bình, TP.HCM) có một chiếc giường hết sức đặc biệt. Trên tấm vạc lót giường không có manh chiếu mà được lót bằng tấm bìa các tông và những tờ quảng cáo được dán vuông vức làm chiếu ngả lưng. Phòng nóng bức, đầu giường không có quạt máy mà chỉ có chiếc bàn xếp kê một tập sách vở về ngành y.

Chủ nhân của chiếc giường đó chính là tân sinh viên Phạm Thị Thu Quỳnh. “Mấy lần ra chợ ngập ngừng xem giá nhưng tôi chưa mua chiếu, tấm bìa này nằm cũng êm lưng nên tôi lót nằm tạm”, Quỳnh giải thích. Gần một tháng nay Quỳnh ở nhờ phòng trọ của bạn ở quận Thủ Đức, biết Quỳnh mới vào Sài Gòn khó khăn nên bạn giúp đỡ cho Quỳnh ăn ở miễn phí.

Tân sinh viên Phạm Thị Thu Quỳnh - Ảnh: Ngọc Hiển

Từ chỗ trọ của bạn đến trường khá xa, đi xe buýt gần một tiếng đồng hồ nên Quỳnh phải chuyển vào kí túc xá gần trường. Số tiền hơn 4 triệu đồng Quỳnh dành giụm từ dạo làm gia sư ở Huế vừa đủ giúp Quỳnh cầm cự những ngày đầu ở đất khách góp một phần đóng học phí. Phần còn lại cô nữ sinh này đành cậy mẹ “xén” phần tiền chữa bệnh của em để gộp vào đóng học phí bước đầu.

Quỳnh cho biết mấy bữa nay vừa đi học, Quỳnh vừa tìm chỗ làm gia sư nhưng lịch học chưa ổn định và không có xe đạp nên cô nữ sinh này chưa thể tiếp tục tự kiếm tiền như ở Huế. Nhắc đến Huế, Quỳnh rưng rưng nước mắt kể lại câu chuyện buồn của gia đình khiến cô sinh viên trường y này phải bỏ ngang đi làm kiếm tiền.

“Gia đình tôi hoàn cảnh quá khó khăn, học y ngốn nhiều thời gian không thể làm thêm được công thêm học ngành xét nghiệm sau này không thể làm bác sĩ được. Trăn trở mãi tôi mới quyết định bỏ học, tự đi làm gia sư nuôi thân để thi lại”, Quỳnh nhớ lại. Hai ngày trước, Quỳnh vừa gửi về quê giấy xác nhận để mẹ vay tiền sinh viên, nhưng Quỳnh cho biết nếu vay được cũng sẽ dành số tiền đó để chữa bệnh cho em trai.

Năm học này, may mắn Quỳnh được chị khóa trên cho lại sách vở, giáo trình nên cô tân sinh viên này bớt một phần chi phí tài liệu. Nhưng học phí sáu năm học đối với Quỳnh là một gánh nặng mà không chỉ Quỳnh mà cả gia đình luôn canh cánh nỗi lo không dám nhắc tới. “Cùng lắm thì tôi lại nghỉ học, tiếp tục đi làm gia sư thôi chứ tôi không thể nhìn em trai sống trong bệnh tật như thế mãi được”, Quỳnh sụt sùi.

Chưa có tiền thay van não cho con nên mỗi lần cho con uống sữa, con trai bị bệnh bại não thường bị trào lên mũi và nôn ói hết ra ngoài - Ảnh: Hồng Lĩnh
Bà Lý ngẹn ngào khi nói về những đứa con phải nghỉ học giữa chừng- Ảnh: Hồng Lĩnh
LĨNH HỒNG - NGỌC HIỂN [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên