24/09/2016 14:50 GMT+7

Có lạm quyền khi cưỡng chế “công trình che tấm bạt”?

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Đó là điều rất nhiều người quan tâm đặt ra khi theo dõi vụ vụ cưỡng chế “công trình che tấm bạt” của bà Nguyễn Thị Hồng ở chợ Phước Thái (Bình Tân, TP Nha Trang, Khánh Hòa)

Cán bộ cưỡng chế của UBND phường Phước Long, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang tháo con vít dưới cây cọc sắt tròn che tấm bạt trước sạp của bà Nguyễn Thị Hồng, ở chợ Phước Thái (Bình Tân, TP Nha Trang)-Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu bà Nguyễn Thị Hồng đã cung cấp cho TAND TP Nha Trang - Ảnh: P.S.N.
Cán bộ UBND phường Phước Long, TP Nha Trang tháo con vít dưới cây cọc sắt che tấm bạt trước sạp của bà Nguyễn Thị Hồng tại chợ Phước Thái - Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu bà Hồng đã cung cấp cho TAND TP Nha Trang

Vụ bà Nguyễn Thị Hồng - tiểu thương chợ Phước Thái - kiện quyết định của chủ tịch UBND phường Phước Long về việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ “công trình… che tấm bạt” đã được TAND TP Nha Trang đưa ra xét xử ngày 22-9 vừa qua.

Tòa đã chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hồng, tuyên hủy quyết định của chủ tịch UBND phường Phước Long về việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình của bà nhưng bác yêu cầu của bà Hồng đề nghị hủy quyết định đình chỉ thi công công trình và bồi thường thiệt hại.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi, ghi nhận ý kiến của các luật sư, kiến trúc sư - nguyên lãnh đạo ngành xây dựng ở Khánh Hòa về các vấn đề liên quan.

* KTS Nguyễn Văn Lộc - nguyên giám đốc Sở Xây dựng, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa:

Đừng lạm dụng “công trình xây dựng” không giống ai! 

Việc bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương ở chợ Phước Thái, dựng mấy cây cọc che tấm bạt trước cái sạp, bề ngang chỉ chừng thước rưỡi để tránh nắng mưa, khỏi bị ướt hư hàng hóa gạo, nếp, mì tôm, đường… không ai lại gọi đó là “công trình xây dựng”.

Kiểu che tấm bạt đó cũng giống như công nhân dựng cái lán trại tạm bợ để chui ra, chui vào; như ở nhà quê người ta che cái chòi chăn vịt hoặc chống vài cái cọc, gác mấy cái cây, lợp lên vài tấm tranh hay tôn để làm cái chái chuồng heo, nhốt gà.

“Công trình xây dựng” theo quy định để quản lý xây dựng thường là các công trình đòi hỏi phải có bản vẽ, thiết kế được phê duyệt, có các điều kiện để thi công...

Việc gán ghép hành vi người dân dựng mấy cây cọc che tấm bạt hay làm cái lán trại tạm bợ, quy thành “xây dựng công trình” đó là kiểu lạm dụng, áp đặt luật lệ với dân. Người có quyền mà lạm dụng như thế là có ý đồ không đúng.

Nếu đem luật xây dựng ra làm căn cứ áp đặt về “công trình xây dựng” kiểu đó để “bắt tội” người dân, thì thử hỏi ngược lại khi cơ quan nhà nước giải tỏa, thu hồi đất để làm dự án thì từ bao nhiêu năm qua, có cơ quan nào kiểm kê luôn mấy cái hạng mục tạm bợ của dân như trên là “công trình xây dựng” để đền bù khi giải tỏa hay không?

Bà Nguyễn Thị Hồng trong phiên tòa xử vụ kiện - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

* Luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa:

“Che tấm bạt” không phải như công trình Mường Thanh

Đó là đồng tình việc tòa đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Hồng, hủy quyết định cưỡng chế trái pháp luật của UBND phường Phước Long.

Đồng thời, việc bác yêu cầu đòi bồi thường của bà Hồng tôi cũng tán đồng. Vì nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại có liên quan đến hành vi trái pháp luật của  bị đơn.

Còn nếu đem Luật xây dựng để soi xét “công trình” của bà Hồng thì rõ ràng căn cứ pháp lý ấy đã chống lại nguyên đơn, nên tòa đã bác yêu cầu hủy quyết định đình chỉ thi công. 

Thế nhưng, từ phiên tòa xử vụ cưỡng chế “công trình che tấm bạt” kể trên của TAND TP Nha Trang, có thể thấy thực tiễn áp dụng luật pháp trong đời sống xã hội còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ lắm.

Trước hết, đó là về khái niệm về “công trình xây dựng” của Luật xây dựng mà TAND TP Nha Trang đã đưa ra áp dụng đối với “công trình che tấm bạt” của bà Hồng. Nếu như việc áp dụng đó được coi là đúng, thì rõ ràng quy định về khái niệm “công trình xây dựng” là chưa ổn.

Bởi như vậy là quy định về “công trình xây dựng” đang mang tính bao quát, đánh đồng, không có tính phân loại nên khi áp dụng gây khó khăn.

Theo đó, khi người có quyền vận dụng điều luật thiếu thống nhất, tùy tiện, suy diễn theo ý chí chủ quan... sẽ gây bất lợi cho đối tượng bị điều chỉnh.

Còn nếu vận dụng triệt để khái niệm “công trình xây dựng” như TAND TP Nha Trang đã làm thì hầu như đâu đâu cũng có công trình vi phạm.

Ông bà ta có phân biệt rõ: Con bê tức là bò con, khi lớn mới gọi là con bò. Con nghé tức là con trâu con, khi lớn mới gọi là con trâu.

Vì lẽ đó, không thể đánh đồng một việc chỉ dựng bốn cây sắt để che tấm bạt tránh nắng mưa của bà Hồng trong chợ Phước Thái cũng là “công trình xây dựng” giống như việc xây các tòa nhà, cao ốc 40-50 tầng hay như chính cái khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa xây “vượt trần” tới 43 tầng đang sừng sững ngay đầu cầu Trần Phú bên biển Nha Trang.  

UBND phường Phước Long cũng cần phải xem xét một cách thấu đáo trước khi đưa ra các quyết định có liên quan đến đời sống của người dân, chứ không thể cứng nhắc đến lạnh lùng như vậy.

Việc che mái bạt hay lấn chiếm thêm diện tích tại các quầy sạp ở các chợ, trung tâm thương mại ở nước ta rất phổ biến (gần như 100% ở đâu cũng vậy). Thậm chí, các sạp khác tại chợ Phước Thái còn lấn chiếm nhiều hơn sạp bà Hồng.

Vậy thì vì sao chỉ “xử” mỗi mình bà Hồng trong khi “công trình” của bà không lấn chiếm hành lang an toàn PCCC? Nếu xét về mức độ vi phạm thì các “công trình” kế bên bà Hồng diện tích lấn chiếm cũng như tính quy mô còn lớn hơn nhiều lần.

Nếu thật sự UBND phường muốn  lập lại trật tự chợ Phước Thái thì cần áp dụng đồng bộ và phải đảm bảo tính công bằng. Bà Hồng và bất kỳ ai cũng có quyền suy nghĩ tại sao UBND phường chỉ “tích cực” cưỡng chế với cá nhân bà.

Có hay không hiện tượng trù dập người tố cáo của Ban quản lý chợ Phước Thái và cả lãnh đạo UBND phường Phước Long, TP Nha Trang trong vụ việc đã nêu?

Các sạp chợ đều căng bạt - Ảnh:
Sạp, quầy hàng nào trong chợ Phước Thái cũng phải che chắn nắng, mưa để buôn bán - Ảnh: P.S.NGÂN

* Luật sư Nguyễn Hoàng Minh - người bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Hồng tại tòa:

Quyết định đình chỉ “công trình” cũng không có căn cứ

TAND TP Nha Trang chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hồng hủy quyết định cưỡng chế cọc che lều bạt mà bác yêu cầu đòi hủy quyết định đình chỉ thi công công trình mà UBND phường Phước Long đã ban hành đối với bà Hồng là không có căn cứ pháp lý.

Lãnh đạo UBND phường Phước Long và Hội đồng xét xử đều cho rằng việc dựng mấy cây cọc che tấm bạt của bà Hồng là “xây dựng công trình” và vi phạm hành lang an toàn phóng cháy chữa cháy (PCCC).

Thế nhưng, khi lập biên bản xử lý đối với bà Hồng về “công trình” đó, cũng như khi tranh luận trước tòa, UBND phường Phước Long đều không đưa ra được căn cứ pháp lý nào để xác định bà Hồng đã vi phạm hành lang PCCC.

Theo hồ sơ, sơ đồ quy hoạch chợ Phước Thái mà bị đơn là lãnh đạo UBND phường Phước Long đã trình cho tòa thì từ sạp cố định của bà Hồng ra đến mép hành lang PCCC đến 4,5m.

Bà Hồng chỉ dựng hai cây cọc sắt tròn ở trước sạp che tấm bạt ra chỉ hơn 3m, như vậy là hoàn toàn nằm ngoài hành lang PCCC nhưng TAND TP Nha Trang vẫn nhận định bà Hồng vi phạm hành lang PCCC như UBND phường nêu là không có căn cứ.

Tòa sơ thẩm đã bác yêu cầu hủy quyết định đình chỉ thi công dựng mấy cây cọc căng tấm bạt che nắng mưa của bà Hồng là thiếu cơ sở. Nguyên đơn sẽ kháng án!

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên