Một “cò” khám bệnh (áo sọc carô, đội mũ) tại Bệnh viện Mắt TP.HCM trên đường Nguyễn Thông (Q.3) tiếp cận người khám bệnh, chiều 2-3 - Ảnh: Duyên Phan |
Sáng 15-2, tôi chở bà xã cùng đi khám mắt ở Bệnh viện Mắt TP.HCM. Vừa dừng xe trước cổng phía đường Nguyễn Thông thì một người đàn ông trên 60 tuổi, đeo kính trắng công khai mời chào: “Sang Công ty mắt kính T bên kia đường khám và cắt kính cho nhanh. Máy móc cũng hiện đại như trong bệnh viện, bác sĩ đều học ở trường lớp giống nhau nên đảm bảo chất lượng”. Thấy tôi do dự người này trấn an: “Tôi chỉ giới thiệu miễn phí thôi”.
Tôi lấy lý do chờ người nhà ăn sáng xong sẽ sang Công ty mắt kính T khám, đồng thời xin số điện thoại di động của người này. Ông ta sốt sắng đọc ngay số thuê bao di động 093365... và xưng tên là Đ., lại còn “giữ mối” bằng cách dặn tôi lần sau nếu có người quen đi khám mắt cứ gọi điện trước để ông đến chở vì ông còn có thêm nghề xe ôm.
Sau khi đưa bà xã vào khám mắt và cắt kính ở Bệnh viện Mắt TP.HCM, trong lúc chờ nhận kính, tôi mang kết quả khám mắt sang Công ty mắt kính T hỏi về cắt kính thì được một nhân viên nữ nói giống như “cò” Đ. quảng cáo: giá tiền cắt kính là 120.000 đồng (trong Bệnh viện Mắt là: 130.000 đồng), 45 phút sau giao kính. Tôi hỏi một phụ nữ vừa nhận kính xong, chị cho biết định vào trong bệnh viện khám và làm kính, song nghe ông Đ. nói hay quá nên đã sang đây cho nhanh.
Quan sát thì tôi thấy cách tiếp thị của “cò” Đ. khá chuyên nghiệp, với những người chạy xe máy vừa ghé vào vừa đưa mắt tìm kiếm thì ông ta biết ngay là đi khám lần đầu nên nhanh chóng đến mồi chài. Chỉ trong 15 phút quan sát, tôi thấy có ít nhất hai người đi theo chỉ dẫn của ông ta. Không chỉ có ông Đ., tôi còn thấy hai “đồng nghiệp” khác của ông ta mời mọc người đi khám mắt với nội dung tương tự. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có người mặc đồng phục bảo vệ dân phố túc trực ngay cổng ra vào của Bệnh viện Mắt TP, nhưng vẫn không có sự can thiệp nào vào tình trạng "cò" lôi kéo khách này.
Không chỉ làm “cò” khám mắt, ông Đ. còn tự ý chiếm dụng lề đường (trước cửa phòng khám khúc xạ của Bệnh viện Mắt TP) để giữ xe máy của người đến khám bệnh. Lúc chở khách đi xe ôm, ông nhờ “đồng nghiệp” trông giúp. Những người cần ngồi chờ nhận kính nhưng không muốn gửi xe liền bị ông ta đuổi đi chỗ khác. Tôi rất bất bình và tự hỏi vì sao ông ta dám lộng hành như vậy?
Rất dễ nhận ra rằng không ai tự nhiên hằng ngày ra đứng đường để làm việc miễn phí như kiểu những người làm “cò khám mắt” này. Ở đây, chắc chắn có chuyện những “cò” này được các cửa hàng chi “hoa hồng” khi lôi kéo khách. Hoạt động của “cò” ngoài việc khiến Bệnh viện Mắt TP bị thất thoát một lượng không nhỏ bệnh nhân, đáng lo hơn là nhiều người dân đã giao phó “cửa sổ tâm hồn” của mình cho những cửa hàng mắt kính mà không biết có đảm bảo chất lượng hay không.
Vào khám mắt ở Bệnh viện Mắt TP chúng tôi đã được tư vấn rất cặn kẽ. Thấy tôi mới khám trước đó sáu tháng mà nay đã khám lại, vị bác sĩ dặn rằng với người đeo kính lão như tôi chỉ cần khám mỗi năm/lần là được. Đặc biệt, chị mượn đôi kính tôi đang sử dụng để kiểm tra, sau đó cho biết kính của tôi còn rất tốt nên không cần phải làm lại. Tôi nghĩ nếu nghe lời “cò” vào các cửa hàng mắt kính bên ngoài có khi tôi sẽ bị tư vấn cắt mắt kính khác sẽ tốn thêm nhiều tiền. Chỉ mong sao chính quyền địa phương quyết liệt dẹp tình trạng “cò” này để những người đi khám mắt khác không còn bị lôi kéo, tránh gặp cảnh “tiền mất, tật mang” khi phải bỏ tiền mua những kính mắt không đạt chất lượng.
Bệnh nhân nên vào ngay bệnh viện Ông Trần Hải Nguyên - chủ tịch UBND P.7 (Q.3) - cho biết cách đây hai năm tình trạng “cò” trước cổng bệnh viện rất nhiều. Bệnh viện đã cùng với phường tổ chức lực lượng kiểm tra, lập tổ xe ôm tự quản trước cổng bệnh viện để đảm bảo an ninh trật tự. Vì vậy số lượng “cò” giảm rất nhiều và lâu nay cũng không nghe người dân phản ảnh lên phường về tình trạng này. Sau khi nghe phản ảnh, UBND phường sẽ trực tiếp tìm hiểu, nếu có tình trạng trên sẽ tiến hành xử phạt hành chính. Ông Phan Vi Minh - trưởng phòng hành chính quản trị, Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết dù đã giảm nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng “cò”, chủ yếu là “cò” cắt kính mắt. Những “cò” này chạy xe ôm, tập trung chủ yếu ở cổng đường Nguyễn Thông. Sau khi nhận thông tin phản ảnh, bệnh viện cùng với công an phường đã mời ông Đ. lên làm việc, đồng thời quán triệt với tổ xe ôm tự quản để chấn chỉnh lại tình trạng “cò” trước các cổng. Cũng theo ông Minh, bệnh viện có sử dụng loa thông báo cho bệnh nhân nên vào trong sẽ được hướng dẫn cụ thể, nhưng nhiều bệnh nhân khi đến khám không vào ngay bệnh viện mà dừng trước cổng hỏi đã tạo điều kiện cho các “cò” giới thiệu sang các cơ sở cắt kính tư nhân gần đó nhận hoa hồng. Chính vì vậy, bệnh viện khuyên bệnh nhân khi đến khám nên vào ngay phòng khám, tránh tình trạng “cò” như hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận