27/07/2024 17:20 GMT+7

Có kè chắn sóng nhưng đất ven biển Kiên Giang vẫn bị xói mòn, sạt lở

Người dân ở xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) lo vì bờ đê nuôi tôm cua bị xói mòn, sạt lở dù đã có kè chắn sóng.

Những ngày qua mưa dông kết hợp gió mùa Tây Nam thổi mạnh, sóng biển đánh qua kè chắn sóng khiến bờ đê nuôi tôm, cua của người dân xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) bị xói mòn, sạt lở, còn lại cọc tre - Ảnh: CHÍ CÔNG

Những ngày qua mưa dông kết hợp gió mùa Tây Nam thổi mạnh, sóng biển đánh qua kè chắn sóng khiến bờ đê nuôi tôm, cua của người dân xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) bị xói mòn, sạt lở, còn lại cọc tre - Ảnh: CHÍ CÔNG

Trở lại xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) - nơi trước đây đê Biển Tây bị sạt lở nhiều, đe dọa đến việc nuôi tôm, cua của người dân địa phương, ông N.V.C. - người dân ở xã Thổ Sơn - cho biết tháng 6 đến hết tháng 9 hằng năm, gió mùa Tây Nam thổi mạnh là sóng biển vỗ vào bờ nhiều. 

Đặc biệt mấy ngày qua, mưa dông làm sóng biển đánh qua kè chắn sóng, rồi tạo thêm bước sóng mới gây xói mòn bờ đê nuôi tôm của ông C. và người dân địa phương.

"Hơn hai năm qua, địa phương có xây kè chắn sóng rồi. Tuy nhiên mưa gió nhiều mấy ngày qua khiến sóng biển đánh qua kè, tôi đứng trong nhà nhìn ra vuông nuôi mà lo sợ. 

Nước và sóng đánh dữ lắm. Bờ đất (ngang khoảng 4m) của tôi đắp để nuôi cua, tôm cũng bị xói mòn, sạt lở. Tôi nghĩ giờ địa phương hỗ trợ trồng thêm cây, gây rừng trong kè chắn sóng mới giữ được đất lâu dài", ông C. nói.

Một góc nhìn trên cao dọc theo tuyến kè chắn sóng ở xã Thổ Sơn. Đoạn nào còn cây xanh thì đê bao nuôi tôm, cua của người dân ít bị sóng biển gây xói mòn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Một góc nhìn trên cao dọc theo tuyến kè chắn sóng ở xã Thổ Sơn. Đoạn nào còn cây xanh thì đê bao nuôi tôm, cua của người dân ít bị sóng biển gây xói mòn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Bà Võ Thị Kiều Dung - chủ tịch UBND xã Thổ Sơn - thông tin từ khi có kè chắn sóng đến nay, ở xã Thổ Sơn đỡ bị biển xâm thực rất nhiều. Tới đây địa phương sẽ phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục có kế hoạch trồng thêm cây xanh, gây rừng khu vực bên trong kè chắn sóng, góp phần giữ đất. Người dân sẽ yên tâm nuôi, cua… phát triển kinh tế gia đình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho hay Kiên Giang có 21 điểm sạt lở bờ ven biển (chiều dài khoảng 120km), tập trung ở huyện Hòn Đất, Kiên Lương, An Biên, An Minh. Địa phương hiện đầu tư khép kín được hơn 68km đường bờ ven biển.

Để góp phần chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Kiên Giang tới đây dự kiến khởi công xây dựng dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần (thuộc huyện An Biên - An Minh) với chiều dài kè khoảng 11km và dự án đầu tư xử lý sạt lở bờ biển huyện Hòn Đất (chiều dài kè khoảng 11km), đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.

Biển xâm thực, người dân Phú Quốc sống trong lo sợBiển xâm thực, người dân Phú Quốc sống trong lo sợ

Bãi biển dọc theo khu phố 6, khu phố 9 (phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thời gian qua bị sạt lở do sóng biển vỗ mạnh. Người dân sống trong lo sợ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên