25/11/2014 11:05 GMT+7

​“Cơ hội vàng” để thiết kế chính quyền địa phương

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng qua 24-11, đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm gọi việc xây dựng luật này là “cơ hội vàng để đổi mới tổ chức”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói: “Lần này chúng ta chần chừ, chúng ta không quyết định được vấn đề này sẽ làm cho nhân dân thất vọng” - Ảnh: Hoàng Nam

Tuy nhiên, trong phiên họp đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Bao gồm phương án không tổ chức HĐND ở quận, phường và phương án HĐND được tổ chức tại tất cả đơn vị hành chính.

Không nên tổ chức hình thức

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) dành năm phút trong tổng cộng bảy phút đăng đàn theo quy định để phân tích sự cần thiết phải tổ chức HĐND ở tất cả đơn vị hành chính.

“Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần gũi và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân” - ông Vinh bày tỏ.

Ông Vinh cũng nêu lên những câu hỏi: Nếu không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND tại đó sẽ ra sao?

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không? Có sự khác nhau như thế nào về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương, khi cùng một cấp đơn vị hành chính, nơi có HĐND, nơi lại không có?

Viện dẫn Hiến pháp 2013, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng Hiến pháp đã quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

Từ cách tiếp cận này, ông Danh Út đề nghị dự thảo luật cần tuân thủ Hiến pháp, không nên đưa ra phương án ở quận, phường không có HĐND.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) với tư cách người tham gia trong ban biên tập Hiến pháp 2013, được phân công tham gia chương về chính quyền địa phương, cho biết nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương trong Hiến pháp mở rất rộng.

“Không có một giới hạn hay vi hiến gì cả, chúng ta không nên lo lắng nếu tiếp tục đổi mới về tổ chức” - ông Lịch khẳng định.

Theo ông Lịch, đây không phải là Luật tổ chức HĐND, UBND (sửa đổi) mà là Luật tổ chức chính quyền địa phương mới, nghĩa là trước đây mô hình chỉ có HĐND và UBND thì Hiến pháp và pháp luật lần này đưa ra chế định về chính quyền địa phương mà luật pháp trước đây không có.

Dự thảo Luật chính quyền địa phương - theo ông Lịch - cần giải quyết được bốn tồn tại. Thứ nhất, làm rõ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương.

Thứ hai, phân định rõ trong công vụ thì việc gì thuộc cấp chính quyền cấp nào.

Thứ ba, xác định xu hướng chính quyền địa phương có tính tự quản. Nghĩa là ngoài phần thực thi pháp luật, nôm na là thực hiện “phép vua”, có một phần tự quản địa phương nhưng không trái luật pháp quốc gia.

Thứ tư, là về hiệu quả của việc tổ chức HĐND ở các cấp.

“Nhiều ý kiến về HĐND cấp huyện. Cử tri hỏi rằng một năm họp mấy lần, một lần họp được mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì? Chúng ta nên thực tế. Giải quyết vấn đề phải nâng quyền lên chứ không phải để tồn tại hình thức. Còn nếu như không nâng được thì không nên tổ chức hình thức” - ông Lịch nói.

Nếu chần chừ dân sẽ thất vọng

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội thay đổi cách tiếp cận, không nên tiếp cận theo hướng nơi này có HĐND, nơi kia không có mà nên tiếp cận theo cấp chính quyền.

Ông Lịch phân tích chính quyền từ trung ương xuống địa phương là một hệ thống dọc, thực hiện quyền hành pháp từ Chính phủ xuống cấp xã. Ngoài hệ thống dọc thì còn có một cấp ngang, đó là quyền tự quản địa phương.

Ở đó phải có HĐND để quyết định những lợi ích của cư dân địa phương, nhưng không trái lợi ích quốc gia. Cấp ngang này ở đâu, ở cấp tỉnh, cấp xã, cấp huyện hay ở đâu nữa thì luật này phải chế định.

“Như vậy, giữa cấp chính quyền và cơ quan chính quyền nó khác nhau ở chỗ đó. Từ khác nhau đó mới thiết kế là nơi này có HĐND, nơi kia không có HĐND. Hiến pháp đã để ngỏ cho luật quyết định” - ông Lịch giải thích.

Ông Lịch cũng cho biết đề án chính quyền đô thị TP.HCM không phải có nội dung về việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Đề án này có bốn nội dung quan trọng, trong đó có việc tổ chức cơ quan chính quyền và cơ quan hành chính đầy đủ hai cấp, nâng trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành và tổ chức các đô thị trực thuộc...

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh việc xây dựng Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương là cơ hội vàng để đất nước ta đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, về bộ máy hành chính nhà nước.

Bà Tâm đề nghị quy định theo hướng: chính quyền ở nông thôn vẫn giữ ba cấp, còn chính quyền đô thị cần thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Đô thị là một địa bàn hẹp, dân cư sống tập trung với những phát sinh hằng ngày rất lớn, với tình hình đó, tổ chức chính quyền hai cấp là phù hợp. Một chính quyền hai cấp hiểu theo nghĩa có HĐND và UBND được tổ chức ở cấp thành phố và cấp chính quyền cơ sở.

“Lần này chúng ta chần chừ, chúng ta không quyết định được vấn đề này sẽ làm cho nhân dân thất vọng” - bà Tâm quả quyết nói.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn chỉnh lại dự thảo và sẽ đề nghị báo cáo với trung ương, trước khi Quốc hội xem xét thông qua dự án luật này vào kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2015).

* Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM):

Hiến pháp đã “mở”

Hiến pháp đã tạo ra dư địa để luật này tổ chức một chế định mới là chính quyền địa phương. Khi Hiến pháp đã “mở” như vậy, bây giờ chúng ta lại nói rằng hệ thống tổ chức hiện nay ổn định rồi, tốt rồi, không thay đổi gì nữa thì... không nên bàn nữa.

Nhưng nhiệm vụ chúng ta là đẩy tiếp quá trình đổi mới. Chúng ta nên nói thực tiễn, nghiên cứu thành tựu của loài người về những mô hình tổ chức.

* Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long):

Không thể bỏ HĐND cấp quận, phường

Đại biểu Trần Du Lịch nói rằng Hiến pháp quy định mỗi cấp chính quyền có HĐND và UBND, nhưng mà Hiến pháp cũng tạo dư địa ở chỗ HĐND và UBND ở địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có khác nhau để phù hợp với từng điều kiện.

Nhưng theo tôi, phải có HĐND và UBND, bởi vì HĐND là một thiết chế đại diện và thiết chế dân chủ, chúng ta không thể bỏ nó.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên