Bối cảnh thuận lợi cho gạo Việt
Mới đây, quốc gia chiếm hơn 40% thị phần xuất khẩu gạo thế giới là Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (chiếm hơn 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này). Không lâu sau đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Nga lần lượt thông báo ngừng xuất gạo ra nước ngoài.
Sau Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng xứ sở Chùa Vàng đang phải chịu ảnh hưởng lớn của hạn hán mất mùa do tác động của El Nino khiến lượng mưa thấp hơn bình thường.
Do vậy, Việt Nam đang đứng trước yếu tố "thiên thời" cực lớn và thế chủ động trên thị trường gạo thế giới. Đây là cơ hội cho gạo Việt khẳng định vị thế, đàm phán hợp đồng lâu dài với các đối tác truyền thống lẫn khai phá quan hệ thương mại với các đối tác mới.
Các "nút thắt"
Đứng trước nhiều cơ hội, nhưng gạo Việt vẫn còn nhiều thách thức về mặt chất lượng, trong đó nhiều hộ nông dân sản xuất lúa gạo theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung được thành mô hình hợp tác xã. Tại nhiều vùng sản xuất lúa trọng điểm, người nông dân vẫn chưa tiếp cận được giống chất lượng cao, canh tác thiếu tính liên kết giữa các bên trong chuỗi sản xuất chung để có thể áp dụng công nghệ đồng bộ dẫn đến năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu.
Bên cạnh đó, trước các áp lực sâu bệnh, dịch hại gia tăng, yêu cầu năng suất nhưng phải giảm lượng nước và các yếu tố đầu vào…, việc áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa trong sản xuất là cần thiết. Và đây vẫn là "ải khó" với nhiều hộ nông dân, khiến hiệu quả canh tác lúa không cao như kỳ vọng.
Trong khi để đạt được giá trị kinh tế cao, gạo Việt phải đảm bảo được những yêu cầu chất lượng và đáp ứng bộ tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu.
Vì vậy để gạo Việt gia tăng năng suất, cải thiện chất lượng, tạo dựng danh tiếng vững chắc và có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính, ngành lúa gạo cần tập trung vào hai mũi nhọn: Thứ nhất là khâu chọn giống, bởi lẽ hạt giống tốt là tiền đề cho một vụ mùa thắng lợi về năng suất và chất lượng; Thứ hai là người nông dân cần được hướng dẫn cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phù hợp điều kiện đất đai và tập quán canh tác từng địa phương vào sản xuất.
Những sáng kiến nâng cao chất lượng
Thời gian qua, nhiều đơn vị đã và đang có nhiều sáng kiến giúp ổn định vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, trong đó Công ty Syngenta Việt Nam, một trong những công ty tiên phong về các giải pháp và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp này đã kết hợp với các đơn vị, đối tác, công ty trong chuỗi giá trị lúa gạo và đã nghiên cứu thành công giải pháp GroMore (quy trình canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý an toàn và hiệu quả) đúng chuẩn SRP (Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận). Từ đó đã kết hợp với viện, trường, khuyến nông để đưa quy trình tiên tiến này tới tay người nông dân canh tác lúa gạo.
Riêng tại ĐBSCL, Syngenta đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp xây dựng các mô hình trình diễn canh tác lúa áp dụng tiêu chuẩn SRP có ứng dụng giải pháp GroMore. Hiệu quả vượt trội của mô hình tạo được sự tin tưởng cho các hộ nông dân tham gia khảo nghiệm, và được các cơ quan chức năng đánh giá cao. Khả năng quản lý sâu bệnh hại tốt lại tiết giảm số lần phun thuốc và ổn định được năng suất, đặc biệt chất lượng thỏa mãn điều kiện về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu gạo đi các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật…
Ông Trần Thanh Sơn, nông dân tỉnh An Giang, chia sẻ: "Công ty đã đồng hành cùng bà con trong quá trình thử nghiệm và áp dụng GroMore. Tôi rất phấn khởi với kết quả đạt được, vì tính ra tiết kiệm được nhiều chi phí mà năng suất rất tốt. Giờ nhà nông làm lúa cũng phải theo tư duy mới. Tôi mong mô hình này lan tỏa nhiều hơn để nhiều bà con ở các địa phương khác cũng nắm bắt được".
Đại diện Công ty Syngenta Việt Nam, ông Trần Thanh Vũ - tổng giám đốc - cho biết: "Mục tiêu của các mô hình tiên tiến từ Syngenta là mang những giải pháp công nghệ, kỹ thuật mới trên thế giới về gần hơn đến với từng hộ nông dân, áp dụng hiệu quả trên từng thửa ruộng của bà con, để không chỉ cải thiện chất lượng gạo Việt nói chung, mà còn từng bước cải thiện đời sống, thu nhập cho người làm nông. Với các lợi thế của một tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực này, Syngenta đã gắn bó với lúa gạo Việt Nam hơn 30 năm, và sẽ tiếp tục hành trình đó, để đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc sản xuất lúa gạo bền vững theo quy mô lớn và đưa ngành lúa gạo hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận