​Cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân

CẦM VĂN KÌNH 16/03/2015 18:03 GMT+7

TTCT - Đầu năm 2015, nhiều tín hiệu tích cực, cơ hội đầu tư rộng mở trên nhiều lĩnh vực, từ cảng biển, nhà ga cho đến các con đường cao tốc, cùng với đó là hàng loạt thay đổi trong chính sách theo hướng nâng cao vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân.

Cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng - Ảnh: Lưu Gia

Năm nay liệu có phải là mở đầu một chặng đường phát triển mới của các doanh nghiệp tư nhân như đánh giá của nhiều người?

Tín hiệu từ cơ sở hạ tầng

Hàng loạt động thái mở rộng sân chơi cho khu vực tư nhân trong nhiều lĩnh vực đã được khởi động từ đầu năm, từ việc nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần cảng biển 25% lên 49% đến chủ trương bán quyền khai thác sân bay Phú Quốc, nhà ga T1 sân bay Nội Bài cho các doanh nghiệp tư nhân.

Từ góc độ doanh nghiệp, đây thật sự là một cơ hội rộng mở để có thể tham gia cung ứng những dịch vụ kho bãi, vận chuyển, cảng biển... vốn là những lĩnh vực chịu sự chi phối của Nhà nước.

Việc tư nhân hóa được diễn ra dưới hình thức như nhượng quyền khai thác thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Hoạt động phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng đón nhận tín hiệu lạc quan hơn. Chẳng hạn cảng Nghệ Tĩnh đã bán hết 3,89 triệu cổ phần ngay trong lần IPO. Trong khi đó, cảng Đà Nẵng đã bán toàn bộ 13,22 triệu cổ phần trong đợt đấu giá vào tháng 2 với mức giá bình quân 15.667 đồng/cổ phần (cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm là 12.000 đồng /cổ phần). 

Một phần nguyên nhân sự quan tâm của khu vực tư nhân đối với hệ thống cảng biển là chính sách mở rộng quyền sở hữu đối với các cảng biển từ Chính phủ. Hiện nay, tại các cảng biển trọng yếu như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước chỉ giữ tỉ lệ vốn là 51% thay vì 75% như quyết định trước đó. Đối với ba cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỉ lệ vốn nhà nước cũng được điều chỉnh xuống còn 49%. Các cảng còn lại thậm chí có thể thoái vốn toàn bộ.

Bên cạnh cảng biển, các con đường cao tốc và nhà ga sân bay cũng được đưa ra đấu giá. Năm dự án đường cao tốc được rao bán gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Các sân bay như Phú Quốc hay Nội Bài cũng được đưa ra xem xét để chào bán cho những doanh nghiệp quan tâm. Ngay khi có thông tin về việc chuẩn bị rao bán nhà ga sân bay, một số hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air và cả Jetstar Pacific Airlines đều có ý định tham gia đấu thầu giành quyền khai thác.

Rõ ràng các doanh nghiệp tư nhân nhận thấy tiềm năng phát triển của dịch vụ sân bay, cảng biển. Trong bối cảnh hàng loạt cam kết sẽ được thực thi và việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, các dịch vụ về giao thông và vận tải hàng hóa sẽ trở thành những ngành có tiềm năng phát triển cao.

Không có công trình nào là không thể xã hội hóa được. Vấn đề chỉ là bàn xem làm cách nào, cần thể chế chính sách gì. Những việc gì tư nhân, doanh nghiệp làm được thì để họ làm, còn Nhà nước chỉ làm những chỗ tư nhân không làm được”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Đổi mới tư duy quản lý

Sự thay đổi cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía Chính phủ, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, đã có những chính sách thông thoáng và cởi mở hơn với khu vực tư nhân. 

Mục tiêu là tận dụng và khích lệ tối đa nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân để khai thác tốt các dịch vụ tiện ích tại cảng biển, sân bay, đồng thời giảm áp lực đầu tư công qua chủ trương nhượng quyền khai thác một số cơ sở hạ tầng dịch vụ. 

Đối với những đợt IPO cảng biển đầu năm, có thể nói các nhà hoạch định chính sách đã nhanh chóng bắt kịp tín hiệu thị trường khi mà các nhà đầu tư không mấy mặn mà với những đợt IPO trong thời gian trước đó do những vướng mắc về tỉ lệ cổ phần được phép nắm giữ. 

Chính vì vậy, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các cảng biển đã giảm từ 75% còn 49-51% như một tín hiệu thu hút nhà đầu tư. Ngay lập tức, IPO của các cảng biển đã trở nên hấp dẫn hơn.

Cũng không thể không nhắc đến việc ban hành nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định về đấu thầu theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Với việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp tư nhân, hình thức đầu tư PPP sẽ giúp thu hút nguồn lực từ trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Cần mạnh dạn hơn

Tới nay, Việt Nam mới chỉ có một vài doanh nghiệp tư nhân tương đối lớn so với chuẩn mực thế giới như Vingroup, Masan, Vinamilk... Có lẽ một trong những cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là vì các doanh nghiệp tư nhân chưa được tham dự những lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. 

Từ trước tới nay, đây là miếng bánh chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước. Khi chưa được tham gia sân chơi này, doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội tốt để tập trung tích lũy vốn ở quy mô lớn giống các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai... trước đây. 

Với hàng loạt động thái tích cực để tạo không gian rộng lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ đang thể hiện một quyết tâm đổi mới rõ ràng. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng kể trên, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp phải những rào cản trong việc nắm quyền kiểm soát hoạt động của các cảng biển do giới hạn tỉ lệ sở hữu ở mức 49-51%. 

Với tư duy xã hội hóa các cơ sở hạ tầng kể trên, Chính phủ nên mạnh dạn giảm tiếp tỉ lệ cổ phần nắm giữ đủ để có thể tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động thay vì trực tiếp điều hành. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước nhanh chóng lớn mạnh, tích lũy vốn và kinh nghiệm quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã cận kề.

Chỉ với việc đổi mới trong tư duy triệt để hơn nữa từ các nhà quản lý, doanh nghiệp tư nhân mới thật sự có cơ hội để thử sức. Khác với doanh nghiệp nhà nước, việc tích tụ vốn tại doanh nghiệp tư nhân sẽ gắn liền với thương hiệu và kinh nghiệm quản lý, qua đó hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.    

QUAN TRỌNG LÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Bà Nguyễn Minh Thảo, phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần nhìn nhận khách quan việc các doanh nghiệp VN tham gia nhiều hơn các dự án lớn, mở rộng kinh doanh một phần do kinh tế đã có khởi sắc hơn sau một thời gian khó khăn.

Bà Thảo cho rằng chính sách đã tạo cơ hội để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia nhiều hơn các dự án và qua đó chứng minh cũng như nâng cao năng lực của mình. Và đó chính là một phần của sự thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, vẫn còn nhiều việc phải làm để môi trường kinh doanh tại VN tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), so với năm 2014, mặc dù VN đã đưa ra nhiều cải cách về thuế, hải quan... nhưng Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing business) năm 2015 của VN vẫn bị đánh giá tụt hạng. Mặc dù có lý do WB chưa kịp cập nhật những thay đổi của VN và do họ thay đổi phương pháp tính nhưng theo bà Thảo, so với nhiều quốc gia ngay trong ASEAN, môi trường kinh doanh của VN vẫn bị đánh giá thấp hơn. VN chỉ đứng thứ 78 (Malaysia đứng thứ 18, Thái Lan đứng thứ 26...).

TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã có kết quả bước đầu và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tiếp tục phải đánh giá xem mức độ cải cách thật sự mà người dân và doanh nghiệp được hưởng thay vì chỉ đánh giá dựa trên báo cáo của các cơ quan nhà nước.

Trả lời TTCT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh thời gian qua nhiều cơ quan nói sẽ quyết tâm cổ phần hóa trong năm 2015. Tuy nhiên, ông thấy lo vì “ta đang đánh giá theo số lượng trong khi số lượng không quan trọng”. Theo ông Vinh, bản chất cổ phần hóa là để thay đổi cơ cấu, thay đổi hệ thống quản trị, dân chủ và hiệu quả hơn. Muốn thay đổi, điều quan trọng nhất là tỉ lệ tư nhân tham gia phải lớn hơn của Nhà nước. Cổ phần hóa mà vẫn giữ 95% vốn thì không thay đổi gì, tư nhân tham gia “cho vui” chứ không thể có bất cứ tiếng nói nào trong hội đồng quản trị...

Trả lời câu hỏi làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được nhiều lĩnh vực như các doanh nghiệp nhà nước, ông Bùi Quang Vinh công nhận và cho rằng cái chính trong ưu đãi doanh nghiệp nhà nước là họ được quyền quản lý nguồn tài nguyên của đất nước. Như dầu khí được quản mỏ dầu, tập đoàn than quản lý toàn bộ than, doanh nghiệp tư nhân không được vào. “Đó là không bình đẳng” - ông Vinh nói và cho rằng điều này chỉ phù hợp giai đoạn trước khi chỉ có doanh nghiệp nhà nước. Giờ cần có nhìn nhận khác, tạo quyền tiếp cận bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đã đến lúc doanh nghiệp nhà nước có thể vẫn quản lý, nhưng ai có dự án tốt hơn thì được quyền khai thác.

TS Trần Đình Thiên cho rằng quan trọng nhất là Nhà nước bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Chỉ khái niệm “công bằng” thôi, giờ rà lại, theo ông Thiên, thấy doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có đủ sự công bằng cần có. Ông Thiên cho rằng nhiều chính sách của VN khá tốt, nhưng vấn đề là phải thật sự cởi mở, doanh nghiệp phải thấy họ được tôn trọng, Nhà nước phải nói là làm, làm triệt để thì họ mới bỏ vốn ra kinh doanh, tạo diện mạo mới cho nền kinh tế"

 CẦM VĂN KÌNH   



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận