14/11/2014 11:30 GMT+7

Cơ hội sống từ ngân hàng tế bào gốc cộng đồng

LAN ANH
LAN ANH

TT - Một cơ hội sống đang mở ra cho các bệnh nhân ung thư máu, suy tủy xương, bệnh máu ác tính, tan máu bẩm sinh... từ một ngân hàng lạ kỳ, ngân hàng tế bào gốc cộng đồng.

Kỹ thuật viên tại Viện Huyết học - truyền máu T.Ư xử lý tế bào gốc từ máu cuống rốn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Kỹ thuật viên tại Viện Huyết học - truyền máu T.Ư xử lý tế bào gốc từ máu cuống rốn - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngân hàng tại Viện Huyết học - truyền máu T.Ư nhận máu cuống rốn từ các em bé vừa chào đời hiến tặng. Các mẫu máu cuống rốn sẽ được xử lý, tách chiết thành tế bào gốc và bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C.

Ngân hàng lạ kỳ

80% người có nhu cầu ghép tế bào gốc điều trị suy tủy xương, bệnh máu ác tính không có anh chị em ruột hiến tặng tế bào gốc sẽ có cơ hội nhận được tế bào gốc hiến tặng từ ngân hàng tế bào gốc cộng đồng từ năm 2015, khi số mẫu tế bào gốc nhận được lên trên 1.000 mẫu
Ông BẠCH QUỐC KHÁNH (phó viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư)

Bảy thùng lớn được bơm đầy khí nitơ, trong đó có các hộp thiếc hình vuông, dày chừng 1cm/hộp chứa các mẫu tế bào gốc là phần quan trọng nhất của ngân hàng này.

Đây là kết quả của một quá trình dài: thu thập mẫu máu cuống rốn từ các em bé vừa ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau đó đem xử lý, làm sạch, tách chiết lấy tế bào gốc trong môi trường vô trùng hoàn toàn, rồi làm lạnh từ từ đến khi nhiệt độ đạt -100 độ C để tránh hiện tượng sốc nhiệt, rồi chuyển sang các thùng chứa nitơ để nhiệt độ luôn đảm bảo ở mức -196 độ C lưu trữ lâu dài.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Khanh - Trung tâm tế bào gốc Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, các mẫu tế bào gốc đã được tách chiết này có thể để được trong vòng 18 năm, sẵn sàng ghép điều trị cho người bệnh hòa hợp các chỉ số với người hiến.

Cho đến nay, Việt Nam đã có ba ngân hàng tế bào gốc. Tuy nhiên theo ông Bạch Quốc Khánh - phó viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, đây là ngân hàng tế bào gốc cộng đồng đầu tiên.

Điểm khác của ngân hàng này là các mẫu tế bào gốc được lưu trữ nhằm chữa bệnh cho cộng đồng, mà không dành riêng cho em bé và người thân đã gửi mẫu như ở các ngân hàng khác.

Thành lập từ tháng 5-2014, ông Khánh cho biết với điều kiện thiết bị hiện tại, mỗi ngày ngân hàng này có thể xử lý tối đa sáu mẫu máu cuống rốn được hiến tặng.

“Cho đến nay đã có 500 mẫu máu cuống rốn được xử lý, lưu trữ, đến năm 2015 chúng tôi sẽ đạt mốc 1.000 mẫu và từ khi đó hi vọng nhận được tế bào gốc phù hợp để ghép và điều trị bệnh cho người bệnh máu không có người thân hiến tặng tế bào gốc sẽ cao hơn nhiều lần” - ông Khánh cho biết.

Để vào được ngân hàng, mẫu máu cuống rốn phải từ các bé khỏe mạnh, gia đình không có tiền sử các bệnh lý mãn tính, bệnh di truyền, lượng máu thu thập được từ cuống rốn đạt tối thiểu 80ml.

Sau khi xử lý vô khuẩn tại chỗ thu thập mẫu, mẫu máu cuống rốn sẽ được chuyển qua thiết bị xử lý vô khuẩn trong 15 phút nữa, rồi lại trải qua một giai đoạn xác định xem còn tồn tại vi khuẩn hay không trước khi đưa vào tách chiết.

Để vào được labo tách chiết tế bào gốc, các mẫu máu cuống rốn sẽ đi qua một con đường riêng: hộp xử lý vô khuẩn.

Còn các kỹ thuật viên của trung tâm thì đi qua hai lần cửa với hai lần thay quần áo, đeo mặt nạ, đi ủng và găng tay, tất cả để đảm bảo mẫu tế bào gốc đem vào lưu trữ đạt tiêu chuẩn ghép cho những người bệnh cần nó.

Cơ hội sống

Trong gần 10 năm tiến hành ghép tế bào gốc, đến nay Viện Huyết học - truyền máu T.Ư đã ghép tế bào gốc điều trị các chứng bệnh suy tủy xương, bạch cầu cấp các thể, bạch cầu kinh dòng hạt, bệnh tan máu bẩm sinh... cho trên 100 bệnh nhân.

Trong số này có những bệnh nhân đã trải qua tất cả biện pháp điều trị, từ hóa chất, xạ trị, liệu pháp thuốc nhắm đích nhưng không có hiệu quả và giờ đã khỏe mạnh trở lại sau khi được ghép tế bào gốc.

Nhưng vấn đề ở chỗ dù các bác sĩ đã thành thạo kỹ thuật, có thể ghép tế bào gốc như kỹ thuật thường quy nhưng số ca ghép trong gần 10 năm lại rất ít ỏi.

“Có hai lý do khiến số lượng bệnh nhân được ghép ít ỏi, một là không có nguồn tế bào gốc hiến tặng. Hiện nay các gia đình đều chỉ sinh 1-2 con, khi có người bệnh cần tế bào gốc, họ không có anh em để hiến tặng tế bào.

Điều thứ hai là chi phí, nếu trừ hết các khoản hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, người bệnh ghép tế bào gốc vẫn phải chi trên 200 triệu đồng, là khoản tiền khá lớn với rất nhiều gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi đang hi vọng bảo hiểm y tế có thể chi trả 4/5 hay 5/6 chi phí để có nhiều người được ghép hơn” - ông Khánh chia sẻ.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Bá Khanh, trước đây công nghệ cũ không cho phép tách chiết từ mẫu máu cuống rốn đủ lượng tế bào gốc ghép cho người bệnh là người trưởng thành.

Tuy nhiên hiện tại Trung tâm tế bào gốc Viện Huyết học - truyền máu T.Ư đã được Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật, có thể nhận máu cuống rốn, xử lý, tách chiết đủ tế bào gốc ghép cho người bệnh có trọng lượng tới trên 100kg.

Hiện danh sách bệnh nhân chờ được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - truyền máu T.Ư đã lên đến hàng chục người, và ở ngân hàng tế bào gốc các bác sĩ đã định danh HLA (chỉ số để quyết định tính hòa hợp của người hiến và nhận) cho trên 100 mẫu tế bào gốc tách chiết từ máu cuống rốn.

Tiếp theo, họ sẽ định danh HLA trên bệnh nhân chờ ghép để kết nối HLA các cặp hiến - nhận.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên